Những tiếng nói chỉ trích Israel đến từ các cuộc biểu tình trên đường phố, trên mạng xã hội hay trên báo chí. Chúng xuất hiện chỉ vài tháng sau khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
Chiến sự tại Gaza vừa qua đã đặt ra thách thức nỗ lực của chính phủ các nước này nhằm đạt được sự ủng hộ của người dân trong chính sách với Israel.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng xung đột cũng sẽ khiến Israel gặp khó khăn trong việc đạt được thêm nhiều thỏa thuận với các nước Arab, đặc biệt là Saudi Arabia.
Làn sóng phản đối của người dân không chỉ đặt chính phủ các nước Arab “khó ăn khó nói” với người dân mà còn khẳng định Palestine vẫn là vấn đề hằn sâu trong trái tim người dân Trung Đông.
Tâm tư trong lòng người dân
“Bất kể ưu tiên quốc gia hay ưu tiên khu vực của bạn là gì, vấn đề Palestine vẫn khiến bạn đau đầu”, nhà phân tích chính trị UAE Abdulkhaleq Abdulla nhận xét.
Khi những lời kêu gọi đòi quyền lợi cho người Palestine và lên án Israel được vang lên ở thế giới Arab, chúng thường phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ các nước này. Tuy vậy, một số công dân Arab muốn đi xa hơn. Abdulla hy vọng chính phủ UAE chỉ đích danh Israel là bên gây hấn, thay vì kêu gọi “các bên” ngừng bắn như trong cuộc xung đột 11 ngày vừa qua.
Một vài người Arab thậm chí kêu gọi chính phủ đảo ngược chính sách với Israel. Ở Bahrain, các nhóm hoạt động đã gửi một bức thư ngỏ, trong đó thúc giục chính phủ trục xuất đại sứ Israel.
Những hình ảnh tang thương của người Palestine khiến nhiều người dân vùng Vịnh phẫn nộ. Ảnh: Middle East Eye. |
Tại Kuwait, người biểu tình đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành trên đường phố để ủng hộ người Palestine. Tại UAE, nhiều người bày tỏ đoàn kết với Palestine qua việc thay ảnh đại diện hay sử dụng các hashtag ủng hộ Palestine.
Năm 2020, UAE trở thành nước Arab thứ ba thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994. Động thái này bị chính quyền Palestine lên án, coi đây là “cú đâm sau lưng”. Nối gót UAE, Bahrain, Sudan và Morocco lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà nước Do Thái.
Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ với Israel, truyền thông nhà nước UAE liên tục tuyên truyền về “một thời đại mới của hòa bình, khoan dung tôn giáo và an ninh” trong khu vực.
Người dân UAE gần như không phản đối hành động của chính phủ. Các nhân vật dân tộc chủ nghĩa nhiệt liệt hoan nghênh thỏa thuận. Khi tình hình tại Gaza nóng lên, các nhân vật này bảo vệ quan hệ với Israel và chế nhạo người biểu tình Palestine.
Tuy vậy, môi trường chính trị ở UAE khác với các nước phương Tây. “Không phản đối” không có nghĩa là chấp nhận.
“Sự ủng hộ mà chúng ta thấy sau khi UAE và Israel bình thường hóa quan hệ có nguồn gốc sâu từ sâu bên trong xã hội UAE. Đó là thái độ của người dân với chính phủ. Sự ủng hộ dành cho chính phủ, không phải dành cho quá trình bình thường hóa.
Mira Al-Hussein, nghiên cứu sinh người UAE tại Đại học Cambridge cho rằng người dân UAE ủng hộ chính phủ vì họ cảm thấy được quan tâm và trân trọng. “Tuy vậy, điều này không có nghĩa là chúng tôi cảm thấy thoải mái với những sự kiện diễn ra (ở Gaza), bà nói.
Các thỏa thuận giữa UAE, Bahrain với Israel khiến nhiều người dân vùng Vịnh không hài lòng. Ảnh: Reuters. |
Bà đã thay đổi tên tài khoản trên Twitter để bày tỏ sự ủng hộ với người dân Palestine, cũng như sử dụng nền tảng này để lên án chính sách của Israel và sự tàn bạo của chiến tranh.
“Bạn không thể hy vọng thảm họa qua đi chỉ qua việc ký vào một tờ giấy”, bà nói về thỏa thuận giữa UAE và Israel.
Những nỗ lực chưa tới đích
Trong những năm qua, các nước Arab đã chỉnh sửa chương trình giảng dạy cho học sinh, thay thế tinh thần đoàn kết Arab, đoàn kết Hồi giáo bằng bản sắc quốc gia - dân tộc.
Theo học giả Kristin Smith Diwan tại Viện các quốc gia Arab vùng Vịnh tại Washington, Mỹ, UAE đang cố gắng định hướng dư luận theo hướng đề cao chủ nghĩa dân tộc, cũng như dập tắt các phong trào thanh niên hay phong trào Hồi giáo.
“Tôi cho rằng quan hệ với Israel góp phần giúp củng cố định hướng này. Hiện nay, không rõ liệu mối quan hệ này có còn phát huy tác dụng hay không”, bà nói.
Al-Hussein, nghiên cứu sinh người Arab, nói rằng em trai bà chưa bao giờ được học về xung đột giữa Israel và Palestine ở trường. Thay vào đó, anh ta “vừa học về nó từ mạng xã hội”, bà nói.
Đối với hàng triệu người Arab, mạng xã hội là nơi duy nhất phần nào đó vẫn còn tự do ngôn luận. Khi xung đột ở Gaza nổ ra, các tài khoản mạng xã hội của người Arab đã tràn ngập hình ảnh tang thương mà người Palestine đang phải trải qua, như những đứa trẻ được kéo ra khỏi đống đổ nát.
Ngoài ra, hình ảnh người dân Palestine bị đuổi khỏi nhà tại Đông Jerusalem hay lực lượng an ninh Israel ném lựu đạn cay vào các tín đồ tại đền thờ Al-Aqsa, nơi linh thiêng của đạo Hồi, cũng được chia sẻ rộng rãi.
Dù các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đã diễn ra trên toàn thế giới, vùng Vịnh vẫn tương đối im lặng. Ảnh: Middle East Eye. |
Giáo sư Bader al-Saif tại Đại học Kuwait cho rằng “sự bất đối xứng rõ ràng” của cuộc xung đột đã thúc đẩy nhiều người dân vùng Vịnh lên tiếng.
“Nếu Israel muốn cảm thấy an toàn, họ phải cảm thấy rằng mình được chấp nhận”, ông nói. “Sự chấp nhận này không thể có được nếu không giải quyết vấn đề Palestine”.
Học giả Arab Saudi Madawi Al-Rasheed, một người thường xuyên chỉ trích chính phủ Saudi Arabia, cho rằng sự tức giận được bộc lộ trên mạng xã hội thể hiện sự khác biệt giữa mong muốn cải thiện quan hệ với Israel của chính phủ và tâm tư, tình cảm của người dân.
“Điều này cho rằng dù truyền thông nhà nước Saudi Arabia đã dọn đường cho bình thường hóa quan hệ trong nhiều năm, trái tim của người dân vẫn chung nhịp đập với chính nghĩa của người Palestine”, ông nói.