Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Đại sứ Israel: Không thể chấp nhận Hamas nếu tên lửa cứ rơi xuống đầu

Đại sứ Israel tại Việt Nam cáo buộc Hamas là lực lượng gây ra cuộc xung đột nghiêm trọng nhất giữa Israel và người Palestine trong những năm gần đây.

Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cáo buộc Hamas là lực lượng gây ra cuộc xung đột nghiêm trọng nhất giữa Israel và người Palestine trong những năm gần đây.

Cuộc phỏng vấn của Zing với Đại sứ Israel, ông Nadav Eshcar diễn ra chiều 14/5. Trước đó vài giờ, quân đội Israel tuyên bố bộ binh của họ xâm chiếm Dải Gaza, rồi lại đính chính rằng bộ binh chỉ tấn công từ bên kia biên giới. Đó là ngày thứ năm kể từ khi xung đột bùng nổ giữa Israel và lực lượng Hamas đang kiểm soát Dải Gaza.

Israel cáo buộc Hamas bắn khoảng 2.900 quả tên lửa vào nước này trong tuần qua, để rồi đáp trả bằng hàng loạt vụ không kích.

Tính đến đêm 16/5, Cơ quan y tế ở Gaza cho biết ít nhất 200 người thiệt mạng, bao gồm 58 trẻ em, theo Washington Post. Tại Israel, ít nhất 10 người thiệt mạng.

Chênh lệch thương vong cho thấy sức mạnh của hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel. Tuy nhiên, Israel luôn tuyên bố những loạt tên lửa nhằm vào Hamas là tự vệ, và đây là quan điểm được Đại sứ Eshcar lặp lại nhiều lần trong cuộc phỏng vấn với Zing ngày 14/5.

Trong cuộc phỏng vấn riêng rẽ khác, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama khẳng định với Zing rằng giao tranh giữa hai bên chỉ có thể chấm dứt hoàn toàn nếu gốc rễ của vấn đề được giải quyết: Israel phải chấm dứt các chính sách tàn bạo với người Palestine. Độc giả có thể đọc bài phỏng vấn tại đây.

- Ông tóm tắt tình hình hiện tại giữa Israel và Hamas, từ góc nhìn của ông, như thế nào?

- Fatah và Hamas là hai phong trào của người Palestine, lần lượt kiểm soát vùng Bờ Tây và Dải Gaza. Sau nhiều năm không có bầu cử, hai bên muốn tìm được điểm chung và đồng ý bầu cử.

Khi ngày bầu cử gần đến, Hamas bắt đầu leo thang và gây hấn để được người Palestine ủng hộ. Hamas tấn công, vì muốn thể hiện mình lên tiếng mạnh mẽ hơn trước Israel.

Trước kết quả thăm dò, Fatah thấy sẽ thua nên dừng cuộc bầu cử. Fatah đổ lỗi cho Israel ngăn cản người dân Đông Jerusalem bỏ phiếu vì điều này dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên, Đông Jerusalem là lãnh thổ của Israel, nên chúng tôi không thể cho phép lập hòm phiếu bầu cử Palestine tại đây.

Khi Fatah dừng bầu cử, Hamas muốn thay đổi luật chơi và có những hành vi gây hấn, như thả bóng bay có buộc bom hoặc châm lửa để đốt những cánh đồng của chúng tôi. Mức độ của hành vi gây hấn mỗi lần lại tăng.

Người của Hamas tới những buổi cầu nguyện ở núi thiêng tại Jerusalem. Thông thường, người Do Thái cầu nguyện ở dưới, người Arab cầu nguyện ở trên. Một số người ở trên ném đá xuống dưới. Những viên đá được chuẩn bị từ trước vì ngọn núi ấy không sẵn đá như vậy.

Tình hình vượt quá kiểm soát nên chúng tôi đưa cảnh sát đến đảm bảo trật tự nhưng cảnh sát chỉ đứng ngoài cửa, không vào trong nhà thờ. Những người trong nhà thờ chuẩn bị trước đồ đạc và tấn công cảnh sát.

(Độc giả có thể đọc thêm diễn biến sự việc này tại đây - PV).

- Xung đột giữa Israel và Hamas xảy ra vào gần cuối tháng Ramadan của người Hồi giáo và gần Ngày Jerusalem - lễ kỷ niệm hàng năm ngày Israel kiểm soát Đông Jerusalem. Ông nhận xét gì về tính thời điểm của sự kiện?

- Tháng Ramadan luôn là thời điểm nhạy cảm vì là tháng thiêng liêng với người Hồi giáo. Thời điểm này cũng gần dịp Ngày Jerusalem của người Do Thái. Hamas chọn thời điểm quá hoàn hảo.

Đây cũng là thời điểm sắp diễn ra phiên tòa tranh chấp nhà ở giữa một số người Do Thái với 8 gia đình ở vùng Sheikh Jarra. Đây không phải vấn đề chính trị mà là vấn đề pháp lý do tòa giải quyết. Chính quyền đã xin với tòa án hoãn phiên thảo luận trong một tháng để không làm tình hình xấu đi.

Israel không thể kiểm soát thời điểm xảy ra sự kiện. Mọi thứ đều do bên kia kích động. Nghĩa vụ của mọi quốc gia là bảo vệ công dân mình.

Hamas không quan tâm tới người dân ở Sheikh Jarrah hoặc ở bất cứ đâu. Tư tưởng của Hamas là hủy diệt nhà nước Israel để biến nó thành Palestine.

Hamas không chịu đối thoại hoặc trao đổi với chúng tôi. Hamas chỉ nói chuyện với Israel qua khẩu súng.

Người dân Israel muốn sống trong hòa bình, muốn ngồi trong những quán cà phê đẹp, trao đổi về cuộc sống, về thực phẩm, về những chiếc bánh ngon từng ăn.

Chúng tôi không muốn chiến tranh. Nhưng nếu bị tấn công, chúng tôi biết phải làm gì.

- Ông nghĩ gì về hỏa lực của Hamas?

- Hamas có hàng chục nghìn quả tên lửa với tầm bắn có thể bao trùm gần như cả Israel, thậm chí 50.000 quả. Không ai biết chắc chắn, vì họ giấu khắp nơi tại Dải Gaza.

Hamas thường bắn tên lửa từ nơi đông người như bệnh viện hoặc trường học. Họ muốn chúng tôi bắn trả và giết người vô tội trong đó. Như vậy, Hamas có thể kêu lên là “hãy nhìn những gì người Israel đang làm này”. Tôi nghĩ họ không quan tâm đến người dân của mình.

- Liệu có nguy cơ Israel huy động lực lượng tấn công Gaza?

- Chặn đứng Hamas một lần và mãi mãi là điều chúng tôi muốn làm. Nhưng nhiều người dân thường ở Dải Gaza không đáng phải chịu trách nhiệm vì những gì Hamas đang làm. Điều đó đang phần nào trói tay chúng tôi.

Vì thế, chúng tôi sẽ chỉ làm mọi hành động quân sự cần thiết để bảo vệ người dân. Người dân Israel đang chịu đựng hàng trăm quả tên lửa mỗi ngày.

- Theo ông, các cuộc không kích là phương sách cuối cùng của Israel?

- Đúng vậy. Chắc chắn.

- Ông từng đề cập đến việc chính phủ Israel đầu tư nhiều tiền để nghiên cứu các khu vực mục tiêu trước khi tấn công. Ông có thể làm rõ hơn ý này?

- Hamas cố gắng tấn công người dân của chúng tôi, trong khi chúng tôi chỉ nhắm vào cơ sở hạ tầng của Hamas.

Trước khi chúng tôi tấn công một khu vực nào đó, máy bay ít nhất sẽ rải tờ rơi, hoặc thông báo qua sóng radio hay tivi cho mọi người biết chúng tôi sẽ tấn công, để họ di tản khỏi đó, trong đó có cả chỉ huy của binh lính bên kia.

Nếu chúng tôi cứ thế tấn công một cách lặng lẽ, chúng tôi có thể tiêu diệt được nhiều mục tiêu hơn. Nhưng người vô tội cũng sẽ thiệt mạng. Ngoài ra, vũ khí mà không quân chúng tôi sử dụng cũng có độ chính xác cao nhờ công nghệ hiện đại.

- Ông cảm thấy thế nào khi thấy hình ảnh nhà cửa đổ nát và người dân cả hai phía chịu thương vong?

- Thật kinh khủng! Vì gì chứ? Chúng ta đâu có cần điều này? Người dân bỏ mạng vì điều gì? Chẳng vì gì cả.

- Người dân vô tội luôn phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất trong những cuộc xung đột vũ trang. Làm thế nào để tránh hậu quả bi kịch, thương tâm?

- Đúng, đây là một bi kịch, khi người dân vô tội thiệt mạng. Chúng tôi cố gắng hết sức để tránh hậu quả như vậy trong mọi cuộc chiến tranh. Nhưng đó là một phần của mọi cuộc chiến tranh, và chúng tôi chưa bao giờ muốn chiến tranh.

Tất cả những gì chúng tôi muốn là được sống trong hòa bình, yên ổn. Và họ cũng nên được sống trong hòa bình, yên ổn như thế.

Nhà lãnh đạo trước đây của Israel từng nói, tại sao hòa bình lại khó đạt được hơn chiến tranh? Vì hòa bình cần hai phía mong muốn, còn chiến tranh chỉ cần một phía muốn là đủ. Nếu Hamas muốn gây chiến, chúng tôi không thể nói với họ là "xin đừng!".

Israel hết phải hứng chịu Covid-19 và giờ lại đến Hamas. Nhưng ít ra tình hình đại dịch còn khả quan hơn.

Chúng tôi không thể chấp nhận Hamas nếu họ cứ cho tên lửa rơi xuống đầu chúng tôi như không có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi có nhiệm vụ phải bảo vệ người dân của chúng tôi. Đó là công việc của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ làm như vậy.

- Không ai muốn một cuộc chiến như vậy.

- Họ (Hamas) muốn. Họ muốn thế.

- Ông nghĩ có khả năng xảy ra một Intifada (cuộc nổi dậy của người Palestine) nữa do xung đột lần này hay không?

- Tôi không nghĩ vậy. Như tôi đã đề cập, hầu hết người Palestine ở Bờ Tây. Khi tên lửa được bắn đi, họ không phản ứng gì.

Chúng tôi có bất ổn nội bộ. Trong cộng đồng người Arab ở Israel, họ đang biểu tình. Họ là nhóm thiểu số. Tôi không nghĩ sẽ dẫn đến Intifada.

Nhưng ai biết được? Nếu nó vẫn xảy ra, thách thức chính của chúng tôi là bảo vệ người dân trong mọi hoàn cảnh. Tại Israel, nếu bất cứ ai có hành động xả súng phạm tội, hay trở nên cuồng nộ, dù đó là người Arab hay người Do Thái, cảnh sát sẽ can thiệp.

- Ông muốn nói gì với những người ở Dải Gaza mất người thân trong cuộc không kích?

- Tôi sẽ nói với họ rằng tôi cầu chúc họ bình an. Tôi nghĩ họ cần chối bỏ hết mức có thể những luật lệ của một nhóm khủng bố, dù điều này vô cùng khó khăn.

Chúng tôi không bắt dân thường phải chịu trách nhiệm cho Hamas, ngay cả khi chính họ là người chọn Hamas và bầu cho Hamas vào thời điểm đó. Chúng tôi cố gắng hết sức có thể để tránh làm những người dân vô tội thiệt mạng.

Họ nên thoát khỏi Hamas. Đó là những gì tôi sẽ làm nếu tôi sống ở Dải Gaza.

xung dot Israel Palestine anh 1

- Trong tiến trình hòa bình trước đây, Israel luôn đàm phán với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), hay Fatah. Lần này, Israel muốn làm việc với bên nào để giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình?

- Nói cách khác, bạn đang đề cập đến việc "ai là người Palestine? Hamas hay Fatah? Hay cả hai? Hoặc không ai trong số họ là Palestine?".

Một trong những thách thức của tiến trình hòa bình là khi chúng tôi đàm phán với PLO - những người hiểu lý lẽ hơn - họ không hẳn đại diện cho toàn bộ người dân ở Gaza. Còn đối với Hamas, không thể nói chuyện được với nhóm này, vì họ sẽ không chịu đàm phán với chúng tôi.

Có thể nói chuyện được với Fatah, và chúng tôi vẫn sẵn lòng đối thoại với họ bất kỳ lúc nào. Nhưng ngay cả khi họ là những người ôn hòa, họ cũng không bao giờ đồng ý coi Israel là một quốc gia. Họ chỉ là những người ôn hòa nhất thôi.

- Tôi nghĩ khi ký vào thỏa thuận Oslo, PLO đã công nhận quyền tồn tại của nhà nước Israel?

- Đó là vấn đề thời điểm. Khi đó, Chủ tịch (PLO) Yasser Arafat, người tiền nhiệm của ông Mahmoud Abbas, đồng ý công nhận nhà nước Israel và chung sống hòa bình với nhà nước Israel.

Cũng trong thời gian đó, khi nói với người dân của mình bằng tiếng Arabic, ông Arafat nói đây chỉ là thỏa thuận tạm thời, tại thời điểm này, đó là những gì người Palestine có thể có được.

Nói cách khác, họ lấy tạm những gì họ cần, rồi sau đó, lấy tiếp những gì còn lại.

Chúng tôi hiểu rằng người Palestine ở đó. Chúng tôi hiểu họ sẽ không chịu đi đâu cả. Chúng tôi tôn trọng điều đó.

Israel thật sự tin vào hòa bình. Nhưng chúng tôi cũng sẽ không đi đâu hết.

- Với tình hình hiện nay, Israel còn tin tưởng PLO có thể giải quyết vấn đề với Hamas không?

- Chúng tôi không thể lựa chọn Fatah là ai, không thể lựa chọn ai sẽ đối thoại với Hamas. Chúng tôi không thể nói chúng tôi muốn Fatah lớn mạnh và Hamas biến mất.

Chúng tôi không quyết định được điều này. Fatah quá yếu. Fatah có đang làm điều đúng đắn không? Chúng tôi không nghĩ vậy. Chắc chắn tình hình trong khu vực sẽ được cải thiện nếu họ hành xử khác đi.

- Ông nghĩ Israel và Palestine có thể làm gì để xây đắp lại sự tin tưởng lẫn nhau?

- Điều đầu tiên chúng tôi làm là cố gắng giảm bớt căng thẳng, ngay cả trước khi nó bắt đầu. Chúng tôi luôn cố gắng tránh gây căng thẳng. Nhưng rõ ràng chúng tôi đã thất bại.

Còn lòng tin với Hamas ư? Bạn không thể bồi đắp sự tin tưởng lẫn nhau với một người muốn giết bạn bằng được thì thôi. Bạn không thể làm bạn với một người như thế được.

Nếu giả sử Hamas muốn hòa bình, đầu tiên, họ nên ngừng bắn và ngừng phóng tên lửa. Ngừng tấn công. Nhưng họ không làm thế, họ không muốn làm thế.

Còn với Fatah, chúng tôi đề xuất họ ngồi vào bàn đàm phán và thương lượng về giải pháp cho vấn đề này. Chúng tôi yêu cầu họ công nhận Israel và việc chúng tôi sẽ ở đó.

Điều kiện cơ bản đầu tiên trước khi hai phía đàm phán, là bạn phải biết họ không muốn giết bạn, vậy mới tiếp tục được.

xung dot Israel Palestine anh 2

- Ông nghĩ sao về khả năng ký kết một thỏa thuận hòa bình như Oslo?

- Oslo không phải là ví dụ hay. Với Oslo, chúng tôi đặt rất nhiều niềm tin vào phía bên kia. Nhưng cuối cùng, mức độ tin tưởng và lạc quan của Israel đi xuống.

Thật không may, hiệp định Oslo không thực sự hiệu quả.

Vậy nên chúng tôi sẽ phải tìm ra một thỏa thuận hiệu quả. Nhưng trước tiên, để có được thỏa thuận cho giải pháp hai nhà nước như nhiều quốc gia đề xuất, phía Palestine cần phải biết chấp thuận giải pháp đó đã. Chúng tôi vẫn chưa đạt được điều này.

- Nếu tiến trình hòa bình được khởi động, ông muốn ai sẽ là bên trung gian hòa giải?

- Thật khó để nói về hòa bình vào thời điểm này, nhưng khi tình hình dịu xuống, tôi nghĩ việc ai trở thành trung gian hòa giải không phải là vấn đề. Ai cũng tốt cả. Nhưng các bên cần nhận ra rằng từ nhiều năm trước, Israel vẫn luôn sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp từ phía bên kia.

- Ông nghĩ sao về chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden? Chính quyền này sẽ có mối quan hệ như thế nào với Israel?

- Vài ngày trước, Tổng thống Biden điện đàm với thủ tướng Israel, nói rằng người Mỹ ủng hộ Israel. Ông Biden biết người Israel đang hứng chịu tên lửa của Hamas và muốn củng cố vị thế của Israel trước mối đe dọa này.

Vì vậy, tôi nghĩ Mỹ, dù thời chính quyền nào, đều hiểu rõ quan điểm của Israel và ủng hộ chúng tôi.

Sau khi cuộc phỏng vấn diễn ra, quân đội Israel đã không kích, làm sập hoàn toàn một tòa nhà cao tầng, nơi đặt văn phòng của hãng thông tấn AP và đài Al-Jazeera, ở Dải Gaza. Trong 15 năm, đây là nơi các phóng viên quốc tế đến làm việc và đưa tin về chiến sự ở Dải Gaza. Sự phá hủy cơ sở này có thể dẫn tới việc thế giới bị hạn chế thông tin về những điều đang xảy ra ở Gaza.

Zing đặt câu hỏi tiếp theo cho Đại sứ Nadav Eshcar, rằng vì sao Israel lại tấn công vào tòa nhà có các hãng truyền thông quốc tế, trong khi không thể đưa ra bằng chứng về cáo buộc đó là một cứ điểm của Hamas. Các nhà báo đã làm việc nhiều năm ở văn phòng bị Israel không kích.

“Tòa nhà truyền thông ở Dải Gaza đã bị sử dụng làm một trong những trung tâm hoạt động của Hamas, theo tình báo của quân đội Israel. Hamas cho rằng vì đó là tòa nhà truyền thông, chúng tôi sẽ không tấn công”, Đại sứ Eshcar trả lời.

“Tuy nhiên, vụ tấn công đã được thực hiện sau khi có lời cảnh báo. Mọi phóng viên đã ra khỏi tòa nhà nên không ai bị thương. Mọi văn phòng và trụ sở của Hamas trong tòa nhà đó cũng đều bị tiêu diệt”, đại sứ Israel khẳng định.

Bài phỏng vấn Đại sứ Palestine Saadi Salama tại đây.

Hương Ly - Quốc Đạt

Ảnh: Việt Linh - Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm