Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Đại sứ Palestine: Hamas sẽ dừng bắn tên lửa nếu Israel thay đổi

Đại sứ Palestine cho biết bạo lực leo thang xuất phát từ chính sách Do Thái hoá Jerusalem của Israel. Và nạn nhân của cuộc chơi chính trị này không ai khác là người dân cả hai bên.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama, cho biết bạo lực leo thang xuất phát từ chính sách Do Thái hóa Jerusalem của Israel. Và nạn nhân của "cuộc chơi chính trị" này không ai khác là người dân cả hai bên.

Zing đã hai lần phỏng vấn Đại sứ Saadi Salama xung quanh vụ xung đột ở Dải Gaza, với lần gần nhất diễn ra vào sáng 17/5 - sau ngày đẫm máu nhất kể từ khi giao tranh nổ ra giữa Israel và lực lượng Hamas.

Tính đến đêm 16/5, Cơ quan y tế ở Gaza cho biết ít nhất 200 người thiệt mạng, bao gồm 58 trẻ em, theo Washington Post. Tại Israel, ít nhất 10 người thiệt mạng.

Theo Liên Hợp Quốc, ước tính khoảng 10.000 người Palestine phải rời bỏ nhà cửa ở Dải Gaza kể từ hôm 9/5 vì cuộc xung đột.

Quân đội Israel cáo buộc lực lượng Hamas bắn hơn 3.000 quả tên lửa vào Israel trong tuần qua, phần lớn bị đánh chặn bởi hệ thống Vòm Sắt.

Những mâu thuẫn xung đột về lịch sử, chính trị, tôn giáo và dân tộc khiến khu vực này không thôi căng thẳng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Đại sứ Saadi Salama cho rằng một trong những lý do của tình hình bạo lực hiện nay có thể nằm trong ý đồ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, khi muốn đẩy sự chú ý về những rắc rối trong nước của ông sang vấn đề khác.

Trong cuộc phỏng vấn riêng rẽ với Zing, đại sứ Israel lại cung cấp một bức tranh khác, với Hamas và các toan tính của lực lượng này là nguồn cơn xung đột, đe dọa cả người dân Israel, Bờ Tây và Dải Gaza. Độc giả có thể đọc bài phỏng vấn tại đây.

- Xin đại sứ cung cấp thêm thông tin về tình hình hiện nay, bao gồm tình hình ở Jerusalem và tình hình ở Dải Gaza?

- Palestine hiện nay đứng trước cuộc xâm lược của chính quyền chiếm đóng Israel. Nhiều người Palestine đã thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em, phụ nữ và người già. Nhiều tòa nhà bị phá hoại, các cuộc oanh tạc của Israel đã tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng tại Dải Gaza. Thậm chí, nhiều gia đình mà cả nhà đều chết. Việc này không chỉ chống lại nhân dân Palestine mà còn đi ngược luật pháp quốc tế, chống lại những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

Mâu thuẫn giữa hai bên sẽ không được giải quyết chừng nào Israel còn chưa nhận thức được hòa bình chỉ có thể tồn tại khi nhân dân Palestine hưởng độc lập tự do.

Tôi nghĩ sẽ cần nhiều nỗ lực từ các quốc gia để thuyết phục chính quyền Israel ngừng cuộc chiếm đóng, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế, tìm ra giải pháp cho vấn đề Palestine, và tạo môi trường hoà bình không chỉ với người dân Palestine mà còn cả Israel.

- Theo ông nguyên nhân khiến cuộc xung đột leo thang lần này là gì?

- Cuộc xung đột leo thang gần đây xuất phát từ chính sách đàn áp người Palestine của Israel cùng mục tiêu “Do Thái hóa” thành phố Jerusalem. Israel dựa vào tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô nước này để thi hành những chính sách mới chống lại người dân Palestine tại đây.

Vì vậy, chúng tôi có quyền bảo vệ quyền lợi, sự tồn tại và thủ đô của Palestine, đồng thời đối phó với những hành động gây hấn của chính quyền Israel.

Đây không chỉ là cuộc xung đột xảy ra giữa người Palestine và cảnh sát hoặc lực lượng chiếm đóng của Israel. Đây còn là vấn đề giữa người Palestine và người Do Thái cực đoan đang định cư tại Đông Jerusalem và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

- Ông cho rằng các cuộc xung đột hôm 7/5 nổ ra do cảnh sát Israel ngăn chặn người Palestine đến cầu nguyện là một biểu hiện của sự phân biệt chủng tộc, ông có thể trình bày rõ hơn về chia sẻ này hay không?

- Chính sách của Israel từ trước đến nay là chính sách được xây dựng trên tư duy phân biệt chủng tộc.

Hiện người Palestine không có quyền ra khỏi vùng lãnh thổ nếu không có sự cho phép của Israel. Không ai được vào Jerusalem nếu chính phủ Israel không cho phép. Không ai có quyền xây dựng nhà cửa tại khu B và C của Palestine nếu Israel không đồng ý. Không ai được đi làm ruộng hay xây dựng cơ sở công nghiệp trên lãnh thổ Palestine.

Những việc như ngăn chặn vào nhà thờ Al-Aqsa; tạo điều kiện cho những người Do Thái định cư tại khu vực của người Palestine; chính sách cấm vận, đàn áp người dân Palestine; đuổi họ ra khỏi nhà, không cho phép họ đi qua cửa khẩu... đều là biểu hiện của mục tiêu Do Thái hóa thành phố Jerusalem.

- Đại sứ có trải nghiệm cá nhân nào liên quan đến những vấn đề mà ngài nêu trên không?

- Tôi từng là nạn nhân của những cuộc tấn công từ lính Israel tại các trường học. Khi chúng tôi biểu tình phản đối chính sách của Israel, chúng tôi bị quân lính đánh đập và chịu nhiều tổn thương.

Một số bạn bè của tôi đã chết, một số khác vào tù. Đó là những khoảnh khắc mà tôi không bao giờ quên.

Tôi rời Palestine và quay trở lại sau khi Hiệp định Oslo ra đời. Khi quay trở về, nhìn những khu định cư Israel mọc lên như nấm tại các vùng lãnh thổ Palestine, tôi nghĩ rằng chính phủ Israel không thực sự quan tâm tới hòa bình.

Nếu quan tâm tới hòa bình, họ đã không đưa những người Do Thái cực đoan đến sống trên lãnh thổ của chúng tôi.

Hay khi đi từ thành phố Jericho đến quê hương Hebron, tôi đi qua không biết bao nhiêu trạm kiểm soát. Không có lý do nào để họ dựng lên những trạm gác và ngăn không cho chúng tôi qua như vậy. Một đường đi chỉ mất khoảng 70 phút nhưng đôi khi chúng tôi phải mất cả ngày vì bị kiểm tra.

- Ông nghĩ gì về hành động bắn tên lửa của lực lượng Hamas? Liệu điều này có đi ngược lại đường lối hòa bình mà người dân Palestine theo đuổi để giành được độc lập?

- Hamas là bộ phận quan trọng của dân tộc Palestine. Mặc dù tổ chức chính trị quân sự đã làm điều mà người Palestine không tán thành; khi nhìn thấy nhân dân Palestine bị đàn áp, bị giết chết trên các đường phố của Jerusalem và Bờ Tây, Hamas không thể tiếp tục đứng nhìn.

Các lời kêu gọi của Hamas đối với Israel chưa được hồi đáp. Hamas đề nghị Israel ngừng tất cả chính sách tàn bạo đối với người Palestine, nhưng bị chính phủ nước này phớt lờ. Israel còn tạo điều kiện cho người định cư cực đoan và các tổ chức khủng bố Do Thái chống lại người Palestine.

Dai su Palestine Saadi Salama anh 1

Điều này khiến Hamas phải chịu nhiều áp lực từ nhân dân Palestine, khi họ luôn thể hiện chủ trương kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của Israel.

(Mỹ và Israel xếp Hamas vào danh sách khủng bố - PV).

Vì vậy, lực lượng này nghĩ rằng họ cần gửi thông điệp để cho thấy Palestine sẽ không ngồi chờ những chính sách đàn áp, giết chết người dân. Hamas không có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ quyền lợi và tính mạng người dân Palestine.

- Ông bình luận thế nào về việc Israel khẳng định cuộc tấn công là do lỗi của phía Palestine, rằng Hamas nổ súng trước nên Israel chỉ đáp trả?

- Gây ra chiến tranh chỉ mất vài phút nhưng đạt được hòa bình sẽ cần có nhiều thời gian. Tôi nghĩ chính sách đàn áp của người Israel đối với Palestine là nguyên nhân cho sự leo thang gần đây.

Hình ảnh diễn ra tại Đông Jerusalem và Bờ Tây khiến người Palestine không thể chấp nhận được. Israel là thế lực chiếm đóng, chịu trách nhiệm tất cả những diễn biến đang xảy ra ở Palestine.

Người trả giá cao nhất trong cuộc chiến không chỉ có người Palestine mà còn có người Israel. Bản thân người Israel trong cuộc tấn công chính là nạn nhân trong chính sách của chính phủ họ.

- Leo thang căng thẳng giữa hai bên khiến nạn nhân chủ yếu là dân thường Palestine. Ông nghĩ sao về điều này? Ông có nghĩ Hamas nên dừng bắn và tìm kiếm một giải pháp thay thế?

- Hamas tuyên bố họ sẵn sàng dừng lại nhưng đồng thời Israel cũng phải chấm dứt chính sách đàn áp người Palestine. Hamas khó mà đơn phương chấm dứt cuộc xung đột và sẽ cần có sự nỗ lực quốc tế.

Bên cạnh đó, Israel phải tôn trọng những cam kết đưa ra. Trong lịch sử, sau những cuộc leo thang, hai bên đều có những hiệp định ngừng bắn. Tuy nhiên, Israel chưa bao giờ tôn trọng những cam kết này. Điều đó làm cho người dân Palestine không còn tin tưởng vào chính sách của Israel.

Việc ngừng bắn sẽ diễn ra khi Israel có thiện chí, chấm dứt chính sách đàn áp, phá hoại nhà cửa và đuổi người Palestine ra khỏi khu vực họ sinh sống.

Israel cũng phải chấm dứt chính sách ngăn chặn người Palestine đi cầu nguyện, chấm dứt xây dựng các khu định cư trái phép. Nước này cần thay đổi "lối chơi" của mình để đạt được thoả thuận hoà bình.

- Theo ông, liệu có mục đích chính trị nào nằm sau các vụ tấn công giữa hai phía là lực lượng Hamas và chính quyền Israel hay không?

- Israel là một đất nước có nhiều đảng phái, có nhiều mâu thuẫn chính trị trong nội bộ. Hơn 2 năm qua, Israel tổ chức 4 cuộc bầu cử mà vẫn chưa có một chính phủ ổn định.

Người đứng đầu chính phủ Israel là nguồn gốc của những mâu thuẫn xung đột giữa các chính trị gia nước này. Ông bị cáo buộc tham nhũng nên muốn "xuất khẩu" vấn đề của mình ra bên ngoài, sang Jerusalem và Dải Gaza - nơi mà nạn nhân của "cuộc chơi chính trị" là dân Palestine và Israel.

Dai su Palestine Saadi Salama anh 2

Ông Netanyahu thậm chí còn khoe khoang thắng lợi trên bàn đàm phán với các nước Arab. Nhưng điều đó không đem lại lợi ích gì Israel.

Dù có được mối quan hệ ngoại giao với các nước Arab, ông lại gặp phải mâu thuẫn giữa những người Arab và Do Thái sống tại chính đất nước của ông - điều chưa từng xảy ra kể từ khi Israel thành lập đến giờ. Thành công của ông trên bàn đàm phán với các nước Arab chính là sự thất bại trên chính quê hương Israel.

(Ngược lại, đại sứ Israel tại Việt Nam nói với Zing rằng Hamas muốn dùng xung đột lần này làm đòn bẩy cho cuộc bầu cử của người Palestine - PV).

- Ông dự đoán diễn biến tiếp theo của vụ việc sẽ như thế nào? Liệu cuộc xung đột có thể leo thang thành chiến tranh hay không?

- Tôi nghĩ Israel sẽ không để cuộc xung đột leo thang đến mức trở thành cuộc chiến tranh trên bộ tại Dải Gaza, bởi nếu làm vậy nước này sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Đây là một cuộc chơi có thể gây tổn thương Israel.

Israel là một đất nước luôn gây chiến tranh, nhưng không bao giờ muốn nó tồn tại trên chính đất nước của mình. Lần này Israel đang có vấn đề trên chính quê hương vì Dải Gaza chỉ cách những thành phố của nước này vài km.

Israel phải hiểu nếu cuộc chiến tiếp tục thì những người sống tại Israel sẽ không bao giờ yên ổn.

Cộng đồng quốc tế hiện cũng có phản ứng khác so với những lần trước. Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an ngày 16/5, nhiều nước không đồng ý với chính sách của Israel và chủ trương giải pháp hai nhà nước - thành lập Palestine trên những vùng bị Israel chiếm đóng năm 1967, với vùng lãnh thổ tại Dải Gaza, bờ Tây, Đông Jerusalem.

Nếu không tìm được một giải pháp hòa bình cho Palestine thì cứ sau 1-2 năm là chuyện này lại xảy ra. Chúng ta chưa giải quyết gốc rễ của vấn đề. Mầm mống của vấn đề là cuộc chiếm đóng kéo dài hơn 54 năm kể từ năm 1967.

Những chính sách của chính quyền ông Donald Trump gây ra những tổn thương không chỉ cho nhân dân Palestine mà còn với cả người Israel.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã cho ông Netanyahu “lên mây”, giờ thủ tướng Israel phải quay lại thực tế rằng những gì ông Trump đã cho ông không phù hợp với luật pháp quốc tế, không đáp ứng nhu cầu để có một giải pháp hòa bình lâu dài cho cuộc xung đột Palestine - Israel.

- Nếu cuộc xung đột tiếp tục leo thang, làm thế nào để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra trong tương lai? Palestine có tin vào khả năng cùng chính phủ Israel giải quyết vấn đề?

- Cuộc đàm phán sẽ không thể đi đến kết quả nếu không có sự tham gia của bên thứ ba vì hai quốc gia có tư duy khác biệt. Cuộc đàm phán với Israel sẽ luôn là 1-0 nghiêng về phía nước này vì Israel là thế lực chiếm đóng, còn chúng tôi là người bị chiếm đóng.

Israel có hệ thống vũ khí tân tiến bậc nhất Trung Đông, sở hữu công nghệ cao hàng đầu hiện nay. Đáng nhẽ Israel nên sử dụng công nghệ đó để phát triển thế giới chứ không phải sử dụng, phục vụ nhu cầu như một thứ vũ khí chiến tranh.

Nếu chúng tôi cứ tiếp tục đàm phán theo hướng đi cũ thì không bao giờ đem lại kết quả. Kể từ năm 1993, chúng tôi không đạt được kết quả vì Israel cứ liên tục chủ trương đàn áp và vi phạm luật pháp quốc tế, không tôn trọng nghị quyết liên quan đến cuộc xung đột Palestine - Israel.

Cộng đồng quốc tế cần phải can thiệp và cần tổ chức hội nghị với sự tham gia các bên liên quan. Hội nghị cần thông qua giải pháp được các bên tuân thủ và tôn trọng. Đó là giải pháp “hai nhà nước” mà cả thế giới tôn trọng - thành lập nhà nước Palestine trên những vùng mà Israel đã chiếm đóng kể từ năm 1967.

- Theo ông, bên thứ ba có vai trò như thế nào trong cuộc xung đột lần này?

- Từ khi ông Trump gác bỏ Palestine trên bàn đàm phán thì chúng tôi đã chấm dứt các cuộc đối thoại với Mỹ một thời gian.

Gần đây, chúng tôi thấy chính quyền mới có những phát ngôn ủng hộ Palestine, như việc coi khu vực Jerusalem là vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có hành động rõ ràng, ngoài việc nối lại viện trợ cho Tổ chức cao ủy người tị nạn Palestine. Họ cần chấm dứt viện trợ quân sự cho Israel.

Mỹ phải có chính sách cân bằng hơn, bởi Mỹ là quốc gia duy nhất có thể ảnh hưởng đến Israel.

- Vậy còn vai trò của Liên Hợp Quốc trong vấn đề này là gì?

- Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc luôn bên cạnh người Palestine trong cuộc đấu tranh chính nghĩa. Nhưng vấn đề không nằm ở Liên Hợp Quốc, vấn đề là nằm ở thành viên của Liên Hợp Quốc có thực thi các nghị quyết hay không.

Israel không nghe, Israel đang sống trong cái gọi là quyền miễn trừ của Mỹ. Mỹ cần phải chịu trách nhiệm về việc bắt Israel chấm dứt các hành động tàn bạo với người Palestine.

- Nếu vụ việc tiếp tục leo thang, theo ông, điều này sẽ có tác động thế nào đến việc trục xuất người Palestine và xây dựng khu định cư của Israel tại Sheikh Jarrah?

- Cuộc sống ở đó vốn phức tạp. Những người Israel ở Đông Jerusalem luôn gây hấn với người Palestine và luôn gửi thông điệp rằng người Palestine không được sinh sống ở đây, không được sống như người bình thường.

Chúng tôi vẫn sống dưới sự chiếm đóng của Israel. Chính quyền Palestine đáng nhẽ phải được tổ chức một cuộc bầu cử, nhưng Israel không cho người Palestine ở Jerusalem tham gia bầu cử, ứng cử hay tham gia quá trình vận động bầu cử.

Chúng tôi quyết định ngừng cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử diễn ra mà không có Đông Jerusalem thì không khác gì việc đáp ứng nguyện vọng của ông Trump và chính quyền của Israel - Đông Jerusalem không thuộc Palestine. Jerusalem là một thành phố linh thiêng của cả 3 tôn giáo. Jerusalem xứng đáng là chìa khóa của hòa bình chứ không phải nguồn cơn xung đột.

- Bên cạnh mối đe dọa về tình trạng bất ổn, một mối đe dọa khác hiện nay là đại dịch Covid-19. Cuộc xung đột nổ ra có ảnh hưởng đến cuộc chiến chống dịch của người Palestine ở Jerusalem và Dải Gaza?

- Chúng tôi có hai kẻ thù hiện tại. Người Palestine vừa phải đối phó với đại dịch Covid-19, vừa phải đối diện với chiến tranh tàn bạo.

Chúng tôi thậm chí còn không được tạo điều kiện để chôn cất những người đã chết hay cứu những người bị vùi lấp trong các tòa nhà. Do đó, khi nào người Israel không chấm dứt các chính sách tàn bạo thì người Palestine sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh. Tự do hoặc là chết, chúng tôi sẽ chết vì tự do, chết cho điều đó.

- Ông muốn truyền tải thông điệp gì tới người Israel?

- Chúng tôi muốn Israel rời khỏi các vùng lãnh thổ của chúng tôi. Nhân dân Palestine rất khát vọng hoà bình. Nhân dân Palestine đã chịu rất nhiều đau khổ, vì vậy họ mong muốn hòa bình và sống trên đất nước của mình.

Họ muốn có tổ quốc, có lá cờ, có tấm hộ chiếu của riêng mình để sống như các dân tộc khác trên thế giới. Người dân Palestine xứng đáng vì đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của thế giới.

Họ mong muốn rằng có một ngày mặt trời mọc được thấy lá cờ tổ quốc cắm trên thủ đô linh thiêng là Đông Jerusalem.

Dai su Palestine Saadi Salama anh 3

Còn nếu Israel muốn tiếp tục thôn tính lãnh thổ của chúng tôi, đàn áp nhân dân của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ tìm các biện pháp đương đầu phù hợp với điều kiện.

Người Palestine chưa bao giờ đầu hàng. Đây là một dân tộc với nền văn minh hơn 6.000 năm. Chúng tôi đã sinh sống từ lâu chứ không phải như một tôn giáo nào đó đến đây và coi Palestine là của họ.

Tư duy của người Do Thái là họ luôn coi mình là dân tộc trên những dân tộc khác. Điều này thậm chí thể hiện trong Kinh thánh Do Thái, coi bản thân là dân tộc được Chúa chọn.

Dự án thuộc địa mà Phương Tây đã xây dựng trên lãnh thổ của Palestine cuối cùng cũng sẽ đến lúc phải phá sản.

Bài phỏng vấn Đại sứ Israel Nadav Eshcar tại đây.

Hải Anh - Phương Linh

Ảnh: Thạch Thảo, Reuters
Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm