Trưa 27/9, Quảng Ngãi vẫn gấp rút di dời nốt hàng nghìn người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn trước khi bão số 4 (Noru) đổ bộ. |
Trao đổi với Zing, ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho hay đến 13h, địa phương đã sơ tán gần 9.000 hộ dân với hơn 23.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Trong ảnh là khu trú tránh bão ở tầng hầm khách sạn và khu nhà ở nhân viên thuộc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. |
Ở khu vực hầm Công ty Hòa Phát, nhân viên công ty túc trực hướng dẫn và dán bảng chỉ dẫn người dân xuống khu vực tránh trú. Nơi đây có gần 10 phòng và khu vực tầng hầm rộng hàng nghìn m2, có thể giúp khoảng 6.000 người tránh bão. |
"Hiện, hơn 1.500 người dân, chủ yếu là người già, trẻ em đã đến khu tầng hầm khách sạn, ký túc xá nhân viên của công ty để trú tránh bão. Ngoài việc đảm bảo điện, nước, quạt, phía công ty còn hỗ trợ các suất ăn miễn phí, sữa, cháo... cho người dân", đại diện Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất thông tin. |
Bà Nguyễn Thị Hiếu (83 tuổi, trú xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) nói đây là lần thứ 2 bà cùng người thân đến hầm ký túc xá trú bão. "Nghe tin bão lớn, các con mang bao cát, thép buộc, giằng chống nhà cửa rồi đưa tôi lên đây trú. Mong sao bão không vào, đỡ phần thiệt hại cho người dân", bà nói. |
Ông Dương (58 tuổi) cho biết khi bão số 4 sắp đổ được chính quyền thông báo phải di dời khẩn cấp để an toàn, gia đình ông chỉ kịp mang chăn, chiếu, nồi cơm và đồ dùng cá nhân để tránh bão. Người dân địa phương lo ngại cơn bão với dự báo mạnh sẽ gây thiệt hại lớn. |
"Cứ đến mùa mưa bão là ai nấy đều lo lắng tìm nơi tránh trú. Nhà cửa, ruộng vườn, gà vịt cũng đành phó mặc. Hy vọng bão sớm tan, không ảnh hưởng nhiều để người dân sớm ổn định cuộc sống", bà Phạm Thị Thơ (85 tuổi, xã Bình Đông) chia sẻ |
"Vội đi tránh bão nên không kịp ăn cơm, các con phải chuẩn bị cho tôi và 3 đứa cháu một ít bánh mỳ và xôi. Cứ lúc mưa bão là lo lắm, chỉ mong bão sớm qua để về nhà thu dọn, ổn định cuộc sống", ông Huỳnh Nhõng (83 tuổi) bày tỏ. |
Hàng trăm suất cơm, trái cây, sữa đã được chuẩn bị để hỗ trợ người dân tránh trú bão, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai. |
Chị Lê Thị Miên (28 tuổi, áo vàng) cho biết chị cùng 3 con nhỏ và người lớn tuổi trong gia đình di chuyển lên khu vực tránh bão từ sáng. Riêng nhà cửa và ruộng vườn hiện có chồng chằng chống lại trước khi bão đổ bộ. |
Tại Trường học Mầm Non Bình Thuận, huyện Bình Sơn, người dân ở khu vực nguy hiểm cũng được di chuyển đến tránh trú. Đến nay, các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi đã di dời hơn 53.000 người dân vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển và vùng nguy cơ sạt lở núi đến các nơi tập trung; khoảng 8.000 người di dời ghép từ các nhà yếu, nhà không đảm bảo đến các nhà kiên cố để tránh bão số 4. Dự kiến số người dân trong vùng nguy hiểm tiếp tục phải di dời còn tăng lên. |
Chiều 27/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ảnh hưởng của bão số 4 (Noru), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; trong khi đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Lúc 13h, tâm bão cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi 270 km về phía đông. Sức gió duy trì mạnh nhất cấp 14-15, giật trên cấp 17 trong những giờ qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183 km/h), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Cơ quan khí tượng nhận định trong 12 giờ tới, bão giữ cường độ trên và đi vào vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Lúc 1h sáng 28/9, sức gió mạnh nhất vẫn ở cấp 14-15.
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.