Theo ghi nhận của Zing, sau khi phương án "đi chợ hộ" trên Grab được TP Thủ Đức thực hiện từ 17h ngày 28/8, nhiều người dân trên địa bàn TP Thủ Đức đã đặt hàng các combo thực phẩm, sản phẩm thiết yếu tại các cửa hàng trên ứng dụng.
Cụ thể sau khi mở ứng dụng, người dùng cần lựa chọn danh mục GrabMart và chọn mục "Đi chợ hộ TP Thủ Đức". Tùy vào địa chỉ của từng gia đình, ứng dụng sẽ hiện thị những nhà phân phối thực phẩm gần nhất.
Các cửa hàng trên ứng dụng bao gồm siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi... thuộc phạm vi thành phố (có thể nằm bên ngoài TP Thủ Đức). Cuối ngày 28/8, người dân mới mua hàng tại các cửa hàng thuộc hệ thống Co.opFood trên ứng dụng.
Người dân chọn "đi chợ hộ" qua nền tảng Grab có thể order hàng hóa bên ngoài TP Thủ Đức. Ảnh: Phương Lâm. |
Khi đã chọn cửa hàng, người dân sẽ tiếp tục lựa chọn thời gian giao hàng trên ứng dụng, cụ thể là 2 ngày sau khi đặt hàng. Thời gian giao hàng trong ngày cũng được giới hạn khoảng 7h30-16h30.
Các combo được bán trên từng cửa hàng khá đa dạng, bao gồm các thực phẩm thiết yếu như đồ tươi sống (thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá), trứng, rau xanh, trái cây, gia vị... Các thực phẩm này đều không bán lẻ mà chỉ bán theo cái combo được từng cửa hàng thiết kế sẵn.
Bên cạnh đó, một số cửa hàng cũng cung cấp combo các sản phẩm tẩy rửa. Mặc dù vậy, các sản phẩm như bánh kẹo, món ăn chế biến sẵn, sản phẩm vệ sinh cá nhân vẫn chưa có trên các cửa hàng.
Mỗi cửa hàng thường cung cấp khoảng 5-15 combo hàng hóa để người dân có thể lựa chọn theo nhu cầu. Giá bán của các combo này dao động trong khoảng 100.000-400.000 đồng. Grab cũng áp dụng một số chương trình ưu đãi về chi phí vận chuyển tùy vào giá trị của đơn hàng.
Sau khi hoàn thành đặt hàng và thanh toán trực tuyến trên ứng dụng, người dân có thể theo dõi hành trình đơn hàng ở 4 bước, bao gồm cửa hàng nhận đơn, shipper đến lấy tại cửa hàng, shipper bắt đầu giao hàng và người mua nhận hàng tại địa chỉ đã đăng ký.
Chức năng "đi chợ hộ" tại TP Thủ Đức hiển thị trên úng dụng Grab ngày 28/8. |
Tuy nhiên, do mới đưa vào áp dụng trong thời gian ngắn, tính đến tối 28/8, nhiều cửa hàng vẫn chưa kịp cập nhật hình ảnh thực tế của mỗi combo trên ứng dụng.
TP Thủ Đức là khu vực đầu tiên tại TP.HCM triển khai dịch vụ "đi chợ hộ" trên nền tảng Grab. Đại diện Grab cũng cho biết mong muốn sẽ tiếp tục triển khai thêm tại các quận huyện khác sau khi áp dụng tại TP Thủ Đức từ 17h ngày 28/8 nếu được sự đồng tình của chính quyền địa phương.
Trước đó, Grab đề xuất cho "mượn" hạ tầng ứng dụng hỗ trợ kết nối lực lượng đi chợ hộ với đơn vị cung ứng hàng hóa và người dân. Theo đó, người dân sẽ tải ứng dụng Grab về điện thoại thông minh và tạo tài khoản người dùng trên ứng dụng, danh mục GrabMart trên ứng dụng Grab, nhập địa chỉ cư trú, lựa chọn các mặt hàng và số lượng cần mua.
Người dùng sẽ chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng hàng hóa trong khu vực sinh sống của mình và được khuyến khích lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng. Trường hợp người dùng chưa có thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, ví điện tử, có thể lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt cho người đi chợ hộ khi nhận hàng.
Cùng ngày, Be Group cũng đề xuất Sở Công Thương TP.HCM việc cùng tham gia chương trình "đi chợ hộ" của thành phố. Đề xuất này được đưa ra trên cơ sở Be đang vận hành một đội ngũ hơn 3.000 tài xế beBike đã được tiêm vaccine mũi 1, đảm bảo sức khỏe và điều kiện hỗ trợ cho người dân.