Rừng nhiệt đới Amazon. Ảnh: Shutterstock. |
Nếu lời của người đàn ông trên được xác thực, Jhonatan Acosta (30 tuổi), sẽ trở thành một trong những người sống sót một mình lâu nhất ở Amazon, AFP đưa tin ngày 1/3.
“Kiến thức về các kỹ năng sinh tồn đã giúp ích tôi rất nhiều. Tôi phải ăn côn trùng, uống nước tiểu của mình, ăn giun. Tôi đã bị động vật tấn công”, anh nói với Unitel TV.
Acosta được gia đình thông báo mất tích vào cuối tháng 1. Anh đã tham gia một chuyến đi săn với 4 người bạn trong rừng nhiệt đới Amazon nhưng bị tách khỏi nhóm của mình vào ngày 25/1 tại khu vực Baures, Beni ở miền Bắc Bolivia.
Đúng một tháng sau, vào hôm 25/2, anh được đội tìm kiếm cứu hộ tìm thấy.
Acosta nói trên Unitel rằng trời mưa trong một nửa thời gian anh bị lạc. Vì vậy, anh đã sử dụng ủng cao su của mình để hứng nước mưa.
Nhưng những khi trời không mưa, anh phải uống nước tiểu của chính mình để sống sót.
“Tôi đã cầu xin Chúa ban mưa”, anh nói. “Nếu trời không mưa, tôi đã không sống sót”.
Mất phương hướng, Acosta đã đi bộ khoảng 40 km để tìm kiếm nơi có người sống, nhưng nhanh chóng phát hiện ra rằng mình đang đi lòng vòng.
Vào ban đêm, Acosta nói rằng anh đã bị cắn, đốt bởi đủ loại sinh vật khác nhau.
Trong một trường hợp nổi tiếng khác ở Bolivia, nhà thám hiểm người Israel Yossi Ghinsberg đã sống sót sau 3 tuần ở Amazon vào năm 1981. Kỳ tích này đã truyền cảm hứng cho một bộ phim có tên Jungle do Daniel Radcliffe đóng vai chính.
Tại Brazil, phi công Antonio Sena đã sống sót sau 38 ngày ở Amazon, sau khi hạ cánh khẩn cấp vào năm 2021.
Năm 2022, hai bé trai cũng đã được giải cứu sau nhiều ngày bị lạc trong khu rừng nhiệt đới của Brazil. Một người đàn ông đã tình cờ tìm thấy Glauco Ferreira, 8 tuổi, và em trai Gleison, 6 tuổi, khi vào rừng đốn gỗ, BBC đưa tin.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.