Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân Iraq: 'Chúng tôi biết đi đâu, mọi nơi đều như cực hình'

Tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng đang khiến cuộc sống giữa mùa hè nóng nực của người dân ở miền Nam Iraq trở thành cơn ác mộng.

Younes Ajil mở vòi trong ngôi nhà của mình, nhưng không một giọt nước nào chảy ra.

Đây là tình trạng mà người dân tại hàng chục ngôi làng trên khắp Iraq phải đối mặt trong bối cảnh quốc gia này phải hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng.

Tại những ngôi làng trên, người dân phải sống sót bằng các chuyến xe chở nước và những chiếc giếng khoan bị nhiễm mặn.

Trong ngôi nhà của Ajil ở làng Al-Aghawat, để đáp ứng tất cả nhu cầu từ ăn uống, tắm giặt cho tới rửa bát đĩa, Ajil và 8 người con của ông phải mòn mỏi chờ đợi những chuyến xe chở nước từ chính quyền tỉnh Diwaniyah, thường đến từ một đến 2 lần mỗi tuần.

Dưới cái nắng "thiêu đốt" của mùa hè với nhiệt độ đôi khi lên tới 50 độ C, Ajil cho biết ông đã không tắm trong 4 ngày qua.

"Ngay cả khi những chuyến xe đến mỗi ngày, chúng tôi cũng không có đủ nước để dùng", người đàn ông 42 tuổi cho biết.

Iraq vốn được biết tới với biệt danh vùng đất của 2 con sông, nhưng mực nước của các con sông chính là Tigris và Euphrates đã sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Sông Euphrates, vốn chảy qua địa phận tỉnh Diwaniyah, bị ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng hạn hán. Tại một số nhánh nhỏ của con sông này, mực nước đã giảm xuống mức đáng báo động.

Theo Thống đốc tỉnh Diwaniyah Zouheir al-Shaalan, người dân tại 75 ngôi làng, tương đương với 1/3 diện tích của tỉnh này, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Iraq thieu nuoc nghiem trong anh 1

Người dân tại làng Al-Aghawat, thuộc tỉnh Diwaniyah, chờ để lấy nước từ một chuyến xe chở nước của chính quyền. Ảnh: AFP.

Tuy ông Ajil đã đào một cái giếng, nhưng nguồn nước ở đây đã bị nhiễm mặn.

"Chúng tôi buộc phải trộn nước giếng với nước được các chuyến xe chở tới để sử dụng", ông Ajil trả lời phỏng vấn AFP.

Di cư do biến đổi khí hậu

Những đứa trẻ địa phương vừa khóc vừa chạy tới chiếc xe chở nước màu cam vừa đỗ lại tại làng Al-Aghawat.

Một người đàn ông đã trèo lên nóc xe và đang cầm vòi để đổ đầy một bình nước lớn màu trắng. Nhiều người khác - tay cầm những bình nước nhỏ hơn hoặc những chiếc nồi - đang chờ đến lượt để lấy nước.

Trong khi đó, những đứa trẻ địa phương đang chơi đùa trong một chiếc tủ lạnh cũ, được sử dụng như một bồn tắm.

Iraq thieu nuoc nghiem trong anh 2

Trẻ con tại làng Al-Aghawat dùng một chiếc tủ lạnh cũ làm bồn tắm để hạ nhiệt trong mùa hè nóng nực. Ảnh: AFP.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc (LHQ), Iraq là một trong năm quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu.

Bên cạnh các đợt hạn hán, chính quyền Iraq cũng cáo buộc các hoạt động xây dựng đập nước ở khu vực thượng nguồn những con sông lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng ở quốc gia này.

Ông Ajil sống cùng nhà với người anh trai Mohammed. Giống như những người khác trong khu vực, Ajil và Mohammed sống chủ yếu bằng nghề làm nông.

Tuy vậy, trong 2 năm qua, tình trạng hạn hán đã tàn phá nghiêm trọng ngành nông nghiệp ở khu vực này. Để tồn tại, Ajil và Mohammed đã phải bán dần đàn cừu của mình.

Theo ông Ajil, trong quá khứ, có khoảng 50 hộ gia đình sống ở khu vực Al-Aghawat. Giờ đây, chỉ còn 10 hộ gia đình sống trong khu vực này.

"Những người khác đều đã rời đi. Nơi nào không có nguồn nước thì nơi đó sẽ không có sự sống", ông Ajil chia sẻ.

Theo một báo được công bố trong tháng 8 của Tổ chức Di cư Quốc tế, tình trạng di cư do biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên phổ biến tại Iraq.

Iraq thieu nuoc nghiem trong anh 3

Tình trạng thiếu hụt nước do hạn hán cùng với nhiệt độ tăng cao đã khiến cho cuộc sống của người dân Iraq ngày càng trở nên khó khăn. Ảnh: AFP.

Theo báo cáo trên, tính đến tháng 3, đã có hơn 3.300 hộ gia đình ở 10 tỉnh thuộc khu vực phía Nam và miền Trung Iraq bị buộc phải rời khỏi nơi sinh sống do bị ảnh hưởng bởi "những yếu tố về khí hậu" như tình trạng thiếu hụt nguồn nước, nước bị nhiễm mặn hay chất lượng nước không đảm bảo.

"Làm nông là kế mưu sinh duy nhất của chúng tôi"

Hassan Naim, người chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên nước tại tỉnh Diwaniyah, cho biết khoảng 20 nhà máy xử lý nước đã phải dừng hoạt động.

"Trước đây, đôi khi các con sông có thể cạn nước. Nhưng tình trạng này sẽ chỉ diễn ra trong một vài ngày", Naim cho biết.

Cuộc khủng hoảng thiếu hụt nước hiện tại ở Iraq đã kéo dài trong hơn 2 tháng.

Naim đồng tình với những ý kiến cho rằng chính quyền địa phương mới chỉ cung cấp một lượng nước nhỏ so với nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo người dân không nên sử dụng nước bị nhiễm mặn được lấy từ các giếng khoan.

Iraq thieu nuoc nghiem trong anh 4

Sông Ghattara chảy qua tỉnh Diwaniyah cạn khô nước do tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Ảnh: AFP.

Theo Thống đốc tỉnh Diwaniyah Shaalan, để chấm dứt tình trạng thiếu hụt nước ở tỉnh này, lưu lượng nước chảy qua sông Euphrates cần phải tăng gấp đôi so với mức 85-90 m3/s ở thời điểm hiện tại.

"Tỉnh Diwaniyah không có biên giới với các quốc gia khác. Chúng tôi không có mỏ dầu hay những địa điểm thu hút khách du lịch để tạo ra thu nhập. Làm nông là kế mưu sinh duy nhất của chúng tôi", Thống đốc Shaalan cho biết.

Ông Shaalan cũng mong muốn chính phủ Iraq sẽ không bắt tỉnh Diwaniyah phải tuân theo kế hoạch tiết kiệm nước đang được áp dụng trên toàn quốc.

Hàng trăm người dân tại tỉnh Diwaniyah đã 2 lần xuống đường biểu tình để phản đối tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Razzak Issa, một cư dân ở làng Al-Aghawat, tin rằng chính phủ Iraq cần phải đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi khởi nguồn của dòng sông Euphrate, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nước hiện tại.

"Đúng vậy, chúng tôi có thể sử dụng tiết kiệm nước. Nhưng thời tiết rất nóng nực. Làm sao tôi có thể tiết kiệm được? Tôi không tắm? Tôi không được giặt quần áo? Con tôi cũng không được tắm? Điều đó là không thể", ông Issa chia sẻ.

Ông Issa cho biết mình cũng phải trộn nước giếng với nước từ các chuyến xe của chính quyền để sử dụng.

"Chúng tôi biết đi đâu, mọi nơi đều như cực hình", ông Issa ngao ngán.

Mỹ trừng phạt Iran khiến mùa hè ở Iraq biến thành 'hỏa ngục'

Bà Umm Mohammed, 74 tuổi, đang phải quạt bằng tay để hạ nhiệt. Tuy nhiên, trong cái nóng ngột ngạt của thành phố Basra, miền Nam Iraq, hành động của bà dường vô ích.

Hạn hán bất thường tấn công 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Đợt hạn hán nghiêm trọng trên khắp Bắc bán cầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, đồng thời tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng.

An Bình

Bạn có thể quan tâm