Hạn hán nghiêm trọng trên khắp Bắc bán cầu - trải dài từ California (Mỹ) đến châu Âu và Trung Quốc - đang tiếp tục làm rối loạn chuỗi cung ứng và đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao. Điều đó cũng tạo thêm áp lực cho hệ thống thương mại toàn cầu vốn đang căng thẳng.
Theo Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc, nhiều khu vực của nước này đang trải qua đợt nắng nóng lâu nhất kể từ năm 1961. Nhiều nhà máy tại nước này đã phải ngừng hoạt động do thiếu năng lượng thủy điện, theo Wall Street Journal.
Ngoài ra, theo Andrea Toreti, một nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chung thuộc Ủy ban châu Âu, hạn hán, vốn ảnh hưởng đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Italy, đang có khả năng trở thành đợt hạn tồi tệ nhất trong 500 năm qua.
Theo một nghiên cứu của Đại học California (Los Angeles), trận hạn hán bắt đầu cách đây hai thập kỷ dường như đang trở thành đợt hạn tồi tệ nhất trong 1.200 năm ở miền Tây nước Mỹ.
Thiệt hại nặng nề
Các nhà khoa học khí hậu cho biết những đợt khô hạn trong năm nay một phần là do hiện tượng La Nina, khiến nhiều khu vực của châu Âu, Mỹ và châu Á mưa ít hơn. Liên Hợp Quốc cho biết số đợt hạn trên toàn thế giới đã tăng 29% kể từ năm 2000 vì suy thoái đất và biến đổi khí hậu.
Đối với một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, hạn hán vào mùa hè này đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp bao gồm điện, nông nghiệp, sản xuất và du lịch.
Điều đó đang làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có, chẳng hạn gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19.
Hồ Mendocino ở California trong đợt hạn hán đã làm cạn kiệt nguồn cung cấp nước cho các thành phố và trang trại. Ảnh: Bloomberg. |
Tại Mỹ, các nhà dự báo nhận định nông dân sẽ mất hơn 40% sản lượng bông, trong khi ở châu Âu, thu hoạch dầu ô liu của Tây Ban Nha dự kiến giảm 1/3 trong bối cảnh khô nóng.
Ở châu Âu, nước ở các con sông như Rhine và sông Po, vốn đóng vai trò huyết mạch cho thương mại, đang ở mức thấp lịch sử. Điều đó buộc các nhà sản xuất phải cắt giảm hoạt động vận chuyển hàng.
Mực nước sông đi xuống cũng làm giảm sản lượng thủy điện trên khắp lục địa già, từ đó ảnh hưởng đến một nguồn năng lượng thay thế quan trọng cho khí đốt tự nhiên từ Nga, giữa lúc Moscow giảm nguồn cung.
Bên cạnh đó, nắng nóng đã buộc Pháp phải giảm sản lượng tại một số lò phản ứng hạt nhân vì nước sông, vốn được dùng để làm mát, lại quá ấm. Và Đức, nước tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất châu Âu, lên kế hoạch sử dụng nhiều than đá hơn để sản xuất điện, song mực nước thấp trên sông Rhine cũng đang kìm hãm việc vận chuyển hàng,
Tuyết rơi ít hơn trên dãy Alps của Thụy Sĩ và lượng mưa suy giảm ở hạ lưu đã làm giảm lưu lượng nước ở đồng bằng sông Rhine tại Hà Lan. Điều đó khiến nước biển xâm nhập, thấm vào các hồ chứa được sử dụng cho nước uống và nông nghiệp. Hạn hán cũng đang làm suy yếu các con đê bằng đất, vốn bảo vệ các vùng trũng của Hà Lan trước biển Bắc.
Vào đầu tháng 8, lượng mưa đã giảm ở hầu hết đất nước này. Điều đó khiến mực nước ở sông Rhine thấp đến mức làm xáo trộn hoạt động xuất khẩu của các nhà sản xuất của Đức ở vùng thượng lưu.
“Mọi thứ đang làm tổn thương nước Đức hơn bất cứ nơi nào khác”, Andrew Kenningham, nhà kinh tế về châu Âu tại Capital Economics ở London, cho hay.
Đợt hạn bất thường
Tại Mỹ, những lớp băng tuyết nhỏ hơn ở vùng núi Sierra Nevada của California đã làm giảm mạnh nguồn cung cấp nước trong khu vực, nơi có ngành nông nghiệp lớn nhất của đất nước.
Các quan chức của quận Westlands Water ở Thung lũng Trung tâm, khu vực sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất của bang, cho biết khoảng 1/3 trong số 600.000 mẫu đất nông nghiệp tại đây bị bỏ hoang trong năm nay vì thiếu nước.
Bờ sông cạn nước ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Trong khi đó, ở miền Trung và Tây Nam Trung Quốc, các nhà chức trách đã tuyên bố hạn hán ở 6 khu vực, vốn chiếm 1/4 sản lượng ngũ cốc của nước này vào năm ngoái.
Nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự suy giảm lượng mưa là tỉnh Tứ Xuyên, khu vực phụ thuộc nhiều vào thủy điện. Trong khi đó, nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng cao, có nguy cơ gây quá tải cho lưới điện.
Vào ngày 21/8, chính quyền địa phương đã kích hoạt phản ứng khẩn cấp ở mức cao nhất trong bối cảnh nguồn cung điện bị căng thẳng. Nhà chức trách đã gia hạn lệnh đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất đối với nhiều nhà máy để đảm bảo điện sinh hoạt cho người dân.
Những hạn chế này cũng đã ảnh hưởng đến một số nhà máy quốc tế như Foxconn Technology - nhà sản xuất thiết bị cho Apple, Volkswagen AG và Toyota Motor, cũng như các nhà sản xuất muối lithium, phân bón và thiết bị quang điện ở Tứ Xuyên.
Tesla cũng yêu cầu chính quyền Thượng Hải đảm bảo có đủ nguồn cung điện cho các nhà sản xuất của họ.
Mực nước dọc theo một số đoạn của sông Trường Giang đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc. Đây là con sông dài nhất nước này, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với thủy điện, giao thông và nước tưới cho cây trồng.
Các nhà khoa học khí hậu Mỹ và châu Âu cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu đã khiến ảnh hưởng của La Nina thêm nghiêm trọng. Isla Simpson, một nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia ở Boulder (Colorado), cho biết một bầu không khí ấm hơn đã hút nhiều độ ẩm từ đất, từ đó làm tăng nguy cơ hạn hán.
Các đợt La Nina thường kéo dài khoảng 9-12 tháng, nhưng đợt này đang ở năm thứ hai và dự kiến kéo dài đến ít nhất là tháng 2/2023, theo Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.
Tác động của đợt hạn hán và nắng nóng kéo dài đối với các lĩnh vực như du lịch, sản xuất và nông nghiệp có thể trở thành lực cản lâu dài đối với mức độ tín nhiệm của chính phủ trên khắp Nam Âu, theo Moody’s Investors Service.
Ngoài ra, báo cáo khoa học khí hậu mới nhất của Liên Hợp Quốc cảnh báo hiện tượng nóng lên toàn cầu đã làm tăng nguy cơ hạn hán trên khắp khu vực Địa Trung Hải.