Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân cần được tạo cơ hội làm giàu chính đáng

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright, cho rằng muốn dân giàu, phải cho phép người dân được làm giàu. Do đó, để người dân có thể làm giàu, Nhà nước phải trao cơ hội.

  • Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và trí thức với chủ đề: "Việt Nam - 2045".
  • Nhiều thành viên Chính phủ cùng hơn 50 lãnh đạo doanh nghiệp, trí thức tham dự.
  • Lắng nghe những kiến giải

    Cuộc gặp giữa Thủ tướng với đại diện cho nhiều doanh nhân, học giả lớn của Việt Nam để lắng nghe, thảo luận về các sáng kiến hay góc nhìn của những doanh nhân thành đạt, những học giả uyên bác với một mục tiêu cốt lõi là "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045".

    Thủ tướng cũng lắng nghe những kiến giải để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, cũng như tận dụng cơ hội để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành những thời cơ, lợi thế để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn.

  • Mục tiêu 2045

    Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII xác định đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945-2045), Việt Nam sẽ là nước phát triển, có thu nhập cao.

    Theo tính toán, quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.

    Nhiều chuyên gia đánh giá mục tiêu này là một thách thức lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. 

  • Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự đối thoại

    Tham dự đối thoại có nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó là Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

    Ngoài ra còn có nhiều ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp…

    Ảnh: Chí Hùng.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 1

  • Lắng nghe hiến kế phát triển đất nước

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau đại hội Đảng XIII, Chính phủ có ý tưởng tổ chức đối thoại về khát vọng 2045, nhằm mục tiêu lắng nghe ý kiến của giới tinh hoa, đạc biệt là các trí thức và doanh nhân.

    "Chúng tôi muốn trao đổi ý kiến về đồng góp chiến lược, về khát vọng của chúng ta để thực hiện mục tiêu 2045. Lắng nghe những giải pháp phát triển, hiến kế phát triển đất nước trong bối cảnh mới của toàn cầu và Việt Nam hiện nay", ông nói.

    Ảnh: Duy Anh.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 2

  • Thủ tướng khởi xướng đối thoại 2045 thường niên

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khởi xướng đối thoại 2045 sẽ được tổ chức thường niên, định kỳ hàng năm. Thông qua đối thoại, Chính phủ sẽ lắng nghe các tầng lớp trí thức, tinh hoa, hiến kế hành động về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045, như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.

    Các chủ đề đối thoại sẽ bao gồm nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, môi trường, kinh tế, an ninh quốc phòng...

    Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 3

  • Chủ tịch, CEO nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn tham dự đối thoại

    Buổi đối thoại có sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Chủ tịch Tập đoàn Masan ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Novaland ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Thaco ông Trần Bá Dương, Chủ tịch REE bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành, Chủ tịch Dragon Capital ông Dominic Scriven, Chủ tịch Ngân hàng Sacombank ông Dương Công Minh, Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường, Phó tổng giám đốc Vingroup Võ Quang Huệ...

    Ảnh: Việt Đức.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 4

  • Cải thiện hạ tầng cung ứng và phân phối

    Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, cho rằng để đạt được mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.

    Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.

    Bên cạnh đó, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

    Vấn đề thứ hai là nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa.

    Và cuối cùng, ông đề xuất cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Rất cần động lực, định hướng của Chính phủ, như chi ngân sách vào xe điện... Ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển.

    Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 5

  • Kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ

    Bà Thái Hương, Nhà sáng lập TH True Milk, đánh giá việc tổ chức đối thoại 2045 là cơ hội cho các doanh nghiệp phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước. 

    Theo bà, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 phấn đấu là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ và sức khỏe. Do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.

    Bà Thái Hương cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển. Một hướng đi khác là đẩy nhanh du lịch chữa bệnh, kết hợp Đông y và Tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử.

    Ảnh: Việt Đức.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 6

  • Cải thiện hạ tầng cung ứng và phân phối

    Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương nói đến vấn đề nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ. Ông nhấn mạnh con người của đất nước công nghiệp phải là con người công nghiệp. Đó là con người có tư duy kỹ thuật, sáng tạo, cải tiến, làm việc với tinh thần tỉ mỉ, kỷ luật và có tính tuân thủ cao.

    Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ, các nền tảng quản trị trong phát triển công nghiệp. Vị này cho biết đến năm 2023, Thaco sẽ quản trị trên nền tảng số, có công nghệ riêng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

    Ảnh: Chí Hùng.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 7

  • Tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân

    Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh khát vọng tăng trưởng dài hạn này rất thách thức nhưng Việt Nam có những nguồn lực, động lực để biến khát vọng thành hiện thực.

    Bà Thảo đề xuất hãy để Việt Nam là một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách.

    Thứ hai, cần đầu tư, phát triển vượt bậc trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động.

    Thứ ba, đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistics… Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới.

    Thứ tư, tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Một mặt hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

    “Quốc gia đổi mới, cải cách sẽ thu hút được các nguồn lực để phát triển tốt. Sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các ngành từ kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng...”, bà nhấn mạnh.

    Ảnh: Duy Anh.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 8

  • Đề xuất phát triển cây mắc ca

    Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh dành nhiều thời gian để nói về đề xuất phát triển cây mắc ca. Ông này cho rằng mắc ca là cây đa mục tiêu, vừa là cây rừng, cây nông nghiệp, cây công nghiệp và cây có lợi cho môi trường. Bên cạnh đó, đây cũng là loại cây xóa đói giảm nghèo, phục vụ mục tiêu an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.

    Ông Minh đề xuất tập trung trồng mắc ca ở khu vực biên giới như Tây Nguyên, phía tây dãy Hoàng Liên Sơn, vùng Tây Bắc.... Đây là những nơi thu nhập của người dân rất thấp. Hiện nay nguồn lực để phát triển cây mắc ca tại Việt Nam còn rất lớn, việc cần làm là tạo cơ chế tốt cho người dân để đầu tư vào cây trồng này.

    Ảnh: Việt Đức.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 9

  • ‘Cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế tư nhân’

    Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú cho rằng để đất nước phát triển thì cần đổi mới mạnh mẽ khoa học công nghệ và thể chế, nâng cao năng suất. Ông cũng nhấn mạnh cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. Dự báo đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ chiếm 60% GDP, đóng vai trò quan trọng cho mục tiêu 2030 và 2045.

    Thứ nhất, với các bộ ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách, theo hướng phục vụ người dân. Cơ quan công quyền cần tháo gỡ doanh nghiệp và người dân, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm hiệu quả công việc.

    Ông Phú mong muốn doanh nghiệp cần được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích và tôn vinh khi họ tạo ra việc làm, đóng góp vào ngân sách, sự phát triển của đất nước. Doanh nghiệp cũng cần được trao cơ hội một cách bình đẳng.

    Ảnh: Duy Anh.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 10

  • Không thể đợi 3-5 năm để đi gặp gỡ các bộ ban ngành

    Chủ tịch quỹ đầu tư VinaCapital Don Lâm, cho biết các tập đoàn lớn vào Việt Nam như GS hay LG không chỉ quan tâm đến giá đất hay môi trường sản xuất mà còn môi trường sống, làm việc của cán bộ, nhân viên. Nhiều doanh nghiệp tập trung tại TP.HCM là do họ hay đi theo gia đình với vợ, con cái, sinh sống với cộng đồng, dễ tiếp cận những dịch vụ như bệnh viện, trường học quốc tế.

    Ông đề xuất cần tập trung vào sự kết nối của TP.HCM với các khu công nghiệp, chế xuất để tiết kiệm thời gian cho người lao động. Ngoài ra, để phát triển kinh tế, cần tập trung vào 3 khu vực là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

    Về chỉ số thuận lợi kinh doanh, các tập đoàn lớn đến đầu tư vào Việt Nam rất muốn các lãnh đạo rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục.

    “Một doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam không thể đợi 3-5 năm để đi gặp gỡ các bộ ban ngành có liên quan”, ông nêu vấn đề và đề nghị Thủ tướng quan tâm xử lý.

    Ảnh: Chí Hùng.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 11

  • TP.HCM tiếp tục đóng vai trò đầu tàu kinh tế Việt Nam

    Đại diện cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital, người đã gắn bó rất nhiều năm với thị trường chứng khoán Việt Nam, cho rằng nên tập trung ngay bây giờ vào 3 vấn đề: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

    Thiên thời được ông phân tích là các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính trong mối quan hệ tổng hòa với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

    Một vấn đề nữa được ông Dominic Scriven kiến nghị là làm sao TP.HCM tiếp tục đóng vai trò đầu tàu kinh tế Việt Nam, trong đó trọng tâm là phát triển mạnh hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

    "Đây chính là địa lợi", ông nói.

    Cuối cùng, về nhân hòa, Chủ tịch Công ty Dragon Capital cho rằng, gần đây có nhiều vụ lừa đảo do sự thiếu hiểu biết của một số người dân. Do đó, cần đẩy mạnh phổ biến kiến thức về tài chính cho người dân Việt Nam để người dân có những phương án tài chính bền vững khi về già.

    Ảnh: Chí Hùng.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 12

  • Đề xuất phát triển công nghiệp văn hóa

    CEO Công ty DatVietVAC Đinh Bá Thành nhắc đến kinh nghiệm của thế giới, với việc đưa nền tảng văn hóa dẫn dắt, phát triển kinh tế phía sau. Các đô thị lớn trên thế giới sở hữu nền văn hóa kinh tế riêng như London, Los Angeles, Paris, Tokyo...

    Nhiều nước trên thế giới cũng có chiến lược phát triển văn hóa như chiến lược "Sáng tạo Anh Quốc" (Creative Britain) đã mang về 120 tỷ USD. Tại Hàn Quốc sự phát triển kinh tế cũng chú trọng vào văn hóa.

    CEO công ty tổ chức Rap Việt cũng cho rằng trong hơn 20 lĩnh vực trong ngành kinh tế sáng tạo như truyền thông, âm nhạc, du lịch, phần mềm, thiết kế, xuất bản... có những cơ hội nhất định. Trong đó, Việt Nam có một số thế mạnh như về ẩm thực nổi tiếng, thời trang, thủ công mỹ nghệ, các đặc sản riêng biệt... tạo tiền đề cho phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo.

    "Kinh tế văn hóa sáng tạo là con đường ngắn và có thể là con đường duy nhất giúp Việt Nam trở thành cường quốc trong thời gian tới", ông nhấn mạnh và đề xuất cần quan tâm đến chính sách phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

    Ảnh: Duy Anh.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 13

  • Có chính sách cởi mở nhất về tuyển dụng người tài

    Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh đề xuất Chính phủ cần có các chính sách tư nhân hóa mạnh mẽ hơn nữa, xem phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng bậc nhất trong quá trình phát triển.

    Ông Hồng Anh đồng thời kiến nghị cần có những chính sách cởi mở nhất về tuyển dụng người tài vào bộ máy công quyền để các trí thức, tài năng trong nước có thể tham gia vào bộ máy Nhà nước.

    Song song đó, ông bày tỏ mong muốn gia tăng số lượng doanh nghiệp, trí thức trong các hiệp hội để họ đóng góp kiến thức thực tiễn. Lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng mong Chính phủ tập trung thêm về chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để Việt Nam tránh trở thành nền kinh tế gia công.

    Bên cạnh đó, ông cho rằng cần nhiều hơn sự tập trung trong đầu tư, đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Cuối cùng, ông mong muốn có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào khởi nghiệp.

    Theo ông Hồng Anh, tiếp cận vốn là vấn đề then chốt của cộng đồng khởi nghiệp. Do đó, các chính sách miễn, giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp, cá nhân có khả năng hỗ trợ về vốn, gắn chặt với các công ty khởi nghiệp.

    Ảnh: Duy Anh.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 14

  • Nhà nước phải tạo cơ hội để người dân Việt Nam được làm giàu chính đáng

    Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright, cho rằng nếu làm một phép tính với giả định Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 7% trong 25 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể chạm ngưỡng thu nhập cao theo chuẩn Ngân hàng Thế giới. Thách thức của chúng ta chỉ là làm sao duy trì được mức tăng trưởng 7% trong thời gian dài như vậy khi kinh tế Việt Nam ngày càng lớn và khi bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng phát triển hơn.

    "Mục tiêu đặt ra không phải chỉ để thực hiện được, mục tiêu đặt ra phải đủ cao, đủ thách thức để chúng ta theo đuổi và phấn đấu", ông nói.

    Vị này cũng cho rằng dân cường thì nước thịnh, muốn nước thịnh thì dân phải giàu, muốn dân giàu phải cho phép người dân được làm giàu, để người dân có thể làm giàu, nhà nước phải trao cơ hội. Do đó, Nhà nước phải tạo cơ hội để người dân Việt Nam được làm giàu chính đáng.

    Thu nhập cao trước hết phải là mục tiêu của mỗi người dân, đòi hỏi sự phấn đấu của từng người, kinh tế Việt Nam phải do chính người Việt Nam làm chủ.

    Ảnh: Duy Anh.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 15

  • Thu hút các Việt kiều tài năng về nước

    Dẫn câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng lực lượng doanh nhân ngày nay phải là những người tài để dẫn dắt đất nước. Trong khát vọng về Việt Nam 2045, tầng lớp doanh nhân, trí thức càng quan trọng hơn nữa trong 25 năm tới.

    TS Tự Anh bày tỏ sự trăn trở khi những nhà khoa học xuất sắc như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn đều vươn tới đỉnh cao ở nước ngoài. Tương tự, nhiều startup cũng ra nước ngoài khởi nghiệp.

    “Chúng ta chưa có hệ sinh thái, môi trường thật sự xuất sắc trong nước. Những người tài vẫn phải “nở hoa” ở nước ngoài. Tạo ra môi trường để có những người tài này là điều kiện để Việt Nam có các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học lớn”, ông Tự Anh phát biểu.

    Theo TS Tự Anh, nếu có cơ chế thích hợp để thu hút các Việt kiều tài năng về nước, Việt Nam sẽ không chỉ thu hút được tài năng, chất xám, nguồn tài chính dồi dào mà còn tạo ra sự hòa hợp dân tộc, hướng đến một quốc gia thịnh vượng, hùng cường và đồng thuận.

    Chuyên gia của ĐH Fulbright Việt Nam đề nghị cần có thêm đại diện của giới trẻ tại các diễn đàn sắp tới vì họ sẽ là những doanh nhân, trí thức hàng đầu trong 25 năm tới, có trách nhiệm chính trong việc phát triển đất nước.

    Ông cũng mong muốn có thêm các đại biểu nữ để họ đóng góp nhiều hơn những góc nhìn, trí truệ sắc sảo, độc đáo. Những diễn đàn Việt Nam 2045 trong tương lai theo TS Tự Anh còn cần thêm những người làm văn hóa, nghệ thuật, khoa học xã hội vì những trí thức này sẽ có thêm các góc nhìn khác.

    “Khi tổng hòa các góc nhìn, thế hệ khác nhau, chúng ta sẽ định hình tương lai dân tộc tốt hơn rất nhiều”, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh.

  • Đề xuất xây dựng thương hiệu đầu tư vào Việt Nam trên CNN, Bloomberg

    Chủ tịch  C.T Group Trần Kim Chung đề xuất Chính phủ cùng với doanh nghiệp xây dựng thương hiệu “đầu tư vào Việt Nam” trên các phương tiện truyền thông toàn cầu như Bloomberg, CNN, tận dụng cơ hội Việt Nam là điểm sáng chống dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế trên thế giới.

    Ông này cũng đề xuất nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động phát triển và ứng dụng Celltech, Flytech vì hiện nay chưa có khung pháp lý. Ngoài ra, Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ hạ tầng giao thông TP.HCM đi miền Tây, phát triển hạ tầng giáo dục cho đồng bằng sông Cửu Long để phát triển nguồn nhân lực tương lai.

    Ông Trần Kim Chung cho rằng cần sớm có chính sách phát triển 4 công ty startup công nghệ cao hàng đầu ở các lĩnh vực như Fintech, Proptech, Cell Tech, Flytech. Hiện tại đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật được 2 công ty. Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển một ngân hàng số (digital bank) chuyên về hỗ trợ xuất khẩu.

    Chủ tịch C.T Group cũng mong muốn Chính phủ đầu tư cho thế hệ trẻ vì nói đến năm 2045 mà không nhắc đến người trẻ thì thật là thiếu sót. “Khởi đầu bằng chương trình phát triển nhà ở giá rẻ dành cho người trẻ, thu hút nguồn nhân lực trẻ tài năng. Tiến đến hình thành các đô thị trẻ ở xung quanh các thành phố lớn”, ông nói.

    Ảnh: Duy Anh.

    Thu tuong doi thoai doanh nghiep anh 16

Doanh nghiệp và vai trò đầu tàu cho đích đến 2045

Các chuyên gia cho rằng để hiện thực hóa khát vọng 2045, đưa Việt Nam vươn lên thành nước phát triển thì cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, giống như đầu tàu.

Việt Đức - Hà Bùi

Ảnh: Duy Anh, Chí Hùng

Bạn có thể quan tâm