Ảnh chân dung Nguyễn Vỹ và một số nhà thơ trong cuốn Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học (tái bản) năm 2006. |
Để trả lời đích xác câu hỏi trên chắc chắn cần có thời gian và những nguồn tư liệu khả tín. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, câu chuyện mà nhà thơ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ (1912-1971) kể trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến (NXB Văn học, 2007) đề cập dưới đây ít nhiều gợi mở cho chúng ta những thông tin có liên quan.
Bức ảnh do Thế Lữ chụp được Nguyễn Vỹ nhắc tới trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến. |
Thi nhân Việt Nam là một hợp tuyển thơ đầu tiên của thời kỳ thơ mới, ghi nhận 46 tên tuổi các nhà thơ mới (thi nhân Tản Đà ở vị trí danh dự) và những bài thơ giá trị trong khoảng 1932-1941 (gồm cả nghiên cứu và phê bình) do 2 anh em Hoài Thanh và Hoài Chân thực hiện.
Hợp tuyển này được viết năm 1941 (đúng vào thời kỳ Thơ mới đạt đến đỉnh cao), hoàn thành năm 1942, in lần đầu tại nhà in tư nhân Nguyễn Đức Phiên (sau này được tái bản rất nhiều lần).
Trong Thi nhân Việt Nam, có thể thấy Hoài Thanh, Hoài Chân và hầu hết nhà thơ đều có hình ảnh chân dung, tuy nhiên tất cả những bức ảnh này lại không ghi xuất xứ hoặc người chụp ảnh.
Trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến (bài 11. Thế Lữ), Nguyễn Vỹ kể rằng ông không quen biết Thế Lữ (tên thật Nguyễn Thứ Lễ (1907-1989), nhà văn, nhà thơ, đạo diễn kịch, bút danh Lê Ta, Thế Lữ). Ông cũng chưa gặp Thế Lữ lần nào, mãi đến hôm Thế Lữ đến thăm ông, với một máy hình xách tay.
Nguyễn Vỹ cũng cho biết một thời gian trước đó, Thế Lữ có một số bài trên báo Phong Hóa phê bình gay gắt thơ ông, tuy nhiên giữa ông và Thế Lữ không xảy ra một cuộc bút chiến nào.
Chuyện Thế Lữ đến thăm đường đột như vậy là chuyện nằm ngoài suy nghĩ của Nguyễn Vỹ, lúc đó ông cũng chưa biết Thế Lữ đến thăm mình nhằm mục đích gì.
Theo lời kể của Nguyễn Vỹ hôm ấy là ngày chủ nhật, vào khoảng 15 giờ chiều, trời nắng gắt, ông đang ngồi xem sách một mình trên gác trọ thuê của một nhà buôn nước nắm ở phố Khâm Thiên gần Ô Chợ Dừa…
Bỗng có một “chàng” từ dưới cầu thang bước lên, tiến vô cửa. Nguyễn Vỹ mô tả “Chàng là ai, tôi chưa quen: Mặt lưỡi cày, màu da bềnh bệch, vai hơi gù, người gày, không cao không thấp, đôi mắt ranh mãnh”. Đi cùng chàng có một chàng trán dô.
Thấy khách lạ, Nguyễn Vỹ chạy ra tiếp. Chưa kịp hỏi, “chàng” đã tự giới thiệu: Thế Lữ.
Nguyễn Vỹ mỉm cười: Hân hạnh!
Thế Lữ giới thiệu: Anh Vũ Đình Liên, cao đẳng Luật.
Nguyễn Vỹ mời khách ngồi. Sau đó, câu chuyện hàn huyên về gia đình, đời sống rồi nói chuyện văn nghệ giữa 3 người kéo dài khoảng độ 1 giờ đồng hồ.
Ảnh chân dung Nguyễn Vỹ và một số nhà thơ trong cuốn Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học (tái bản) năm 2006. |
Thế Lữ kể mình là cựu học sinh Trường Bách nghệ Hải Phòng, trước có đăng thơ rải rác trên vài tờ báo nhưng ít ai để ý. Thế Lữ nổi tiếng nhờ báo Phong Hóa “lancer”, do một bài của Nhất Linh giới thiệu. Trong câu chuyện, Thế Lữ cũng không ngần ngại khen vài ba bài thơ của Nguyễn Vỹ vừa đăng trên 2 tờ báo là Văn học tạp chí và Phụ nữ…
Nguyễn Vỹ cũng cho biết đang nói chuyện thì Trương Tửu đến. Hai người có một vài trao đổi liên quan đến 2 bài báo mà Thế Lữ viết về thơ Nguyễn Vỹ trên báo Phong hóa.
Trước lúc ra về, Thế Lữ tỏ ý muốn chụp vài tấm hình Trương Tửu và Nguyễn Vỹ, nhưng Vũ Đình Liên xem máy ảnh thấy hết pin.
Tuần lễ sau, nhân buổi sáng đến nhà trọ của Lưu Trọng Lư chơi, ở một ngôi chùa trên trại Hàng Hoa, lúc về Trương Tửu rủ Nguyễn Vỹ ghé thăm Thế Lữ để trả lễ xã giao.
Khoảng tầm 13 giờ trưa hôm đó, Nguyễn Vỹ và Lưu Trọng Lư tới nhà Thế Lữ ở gần sở thú, nơi góc đường Sơn Tây, ngó qua kho đạn nhà binh. Thế Lữ ở trên gác đang lim dim, nghe tiếng giày liền ngồi dậy vồn vã ra tiếp.
Vì là tầm giờ trưa nên Nguyễn Vỹ cảm thấy bất tiện nên nói chuyện qua loa và xin rút. Nhưng Thế Lữ cố giữ lại, để lấy máy hình chụp 2 người khách 3 tấm và chụp riêng Nguyễn Vỹ 1 tấm.
Tấm hình này, Thế Lữ có gửi biếu Nguyễn Vỹ một tấm, đó chính là tấm mang kính đen, mà Hoài Thanh, Hoài Chân in trong quyển Thi nhân Việt Nam. Nguyễn Vỹ rất ngạc nhiên khi thấy bức ảnh chụp mình trong cuốn sách đó.
Câu chuyện của nhà thơ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ kể trên có thể chưa trả lời thỏa mãn cho câu hỏi: Người chụp chân dung các nhà thơ trong Thi nhân Việt Nam là ai? Nhưng như từ đầu bài đã đề cập, câu chuyện này ít nhiều gợi mở cho chúng ta những thông tin có liên quan.