Cuộc biểu tình hôm 29/11 là hành động thách thức mới nhất của những người biểu tình Thái Lan, bất chấp điều luật cấm chỉ trích chế độ quân chủ của nước này.
Những người biểu tình cáo buộc chế độ quân chủ Thái Lan tạo điều kiện cho quân đội thống trị trong nhiều thập kỷ.
Hàng trăm người biểu tình tuần hành đến Trung đoàn Bộ binh 11, một trong hai đơn vị được đặt dưới quyền chỉ huy của nhà vua từ năm 2019 đến nay, theo Reuters.
Người biểu tình cố gắng vượt qua hàng rào thép gai chắn lối vào căn cứ của Trung đoàn bộ binh 11 ở Bangkok hôm 29/11. Ảnh: AP. |
Nói với báo giới, Parit “Penguin” Chiwarak - một trong những nhà lãnh đạo cuộc biểu tình - nhấn mạnh: "Một đội quân nên thuộc về nhân dân, chứ không phải nhà vua. Trong hệ thống dân chủ, nhà vua không chịu trách nhiệm chỉ huy quân đội".
Ông Parit là một trong số các nhà lãnh đạo biểu tình phải đối mặt với cáo buộc vi phạm luật khi quân. Theo luật này, người phạm tội có thể phải chịu án tù lên đến 15 năm.
Các cuộc biểu tình ở nước này bắt đầu từ tháng 7. Ban đầu, họ yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một cựu lãnh đạo quân đội, phải từ chức. Người biểu tình cũng ra yêu sách sửa đổi hiến pháp và cải cách chế độ quân chủ.
Thủ tướng Prayuth từ chối yêu cầu từ chức của những người biểu tình. Cung điện Hoàng gia Thái Lan hiện cũng chưa đưa ra bình luận nào về các cuộc biểu tình này.