Nhóm tổ chức cuộc biểu tình hôm 27/11 gọi đây là sự kiện "diễn tập phản đối đảo chính".
Những người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng không muốn một vị tướng quân sự khác thay thế ông.
Cuộc đảo chính của Tướng Prayuth vào năm 2014 là cuộc đảo chính thành công thứ 13 kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế chấm dứt vào năm 1932.
“Cuộc đảo chính lần thứ 14 sẽ không xảy ra bởi vì người dân sẽ xuống đường và phản đối", Panupong “Mike Rayong” Jadnok, một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình, nói với đám đông.
"Tôi mới 18 tuổi nhưng đã chứng kiến hai cuộc đảo chính. Điều đó thật không đúng. Chúng tôi không muốn lịch sử lặp lại”, Tan, học sinh trung học tại cuộc biểu tình, nói với Reuters.
Người biểu tình tập trung ở thủ đô Bangkok hôm 27/11. Ảnh: AFP. |
Anucha Burapachaisri, người phát ngôn của chính phủ Thái Lan, cho biết: “Chính phủ không có ý định sử dụng thiết quân luật hoặc thảo luận về một cuộc đảo chính".
Cung điện Hoàng gia hiện chưa đưa ra bình luận nào về các cuộc biểu tình này. Ngoài yêu cầu thủ tướng từ chức, người biểu tình còn kêu gọi cải cách hoàng gia, một yêu cầu chưa từng có trong các cuộc biểu tình trước đây ở Thái Lan.
Ít nhất 7 nhà lãnh đạo biểu tình đã phải đối mặt với cáo buộc xúc phạm chế độ quân chủ vì những bình luận mà họ đưa ra tại các sự kiện tương tự như hôm 27/11. Theo luật khi quân, người phạm tội có thể phải chịu án tù lên đến 15 năm.