"Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp và sử dụng tất cả điều khoản trong luật pháp để chống lại những người biểu tình vi phạm", thủ tướng Thái Lan cho biết ngày 19/11.
Tuyên bố của ông Prayuth được đưa ra chỉ một ngày sau khi khoảng 10.000 người biểu tình tập trung tại một giao lộ sầm uất ở thủ đô Bangkok. Họ lên án cảnh sát vì đã sử dụng vòi rồng có pha hóa chất và hơi cay để giải tán các cuộc tụ tập hồi đầu tuần.
Người biểu tình hô các khẩu hiệu chỉ trích cảnh sát, và thậm chí còn ném sơn vào trụ sở cơ quan cảnh sát hoàng gia.
"Tình hình đang không được cải thiện và có nguy cơ leo thang đến nhiều bạo lực hơn. Nếu không được giải quyết, nó có thể gây thiệt hại cho đất nước và chế độ quân chủ tôn kính", ông Prayuth tuyên bố.
Thông báo của ông Prayuth không nói rõ những gì diễn ra có vi phạm Điều 112 của Bộ luật Hình sự, vốn cấm việc xúc phạm chế độ quân chủ.
Người biểu tình tập trung ở thủ đô Bangkok, yêu cầu cải cách dân chủ. Ảnh: Shutterstock. |
Ít nhất 84 người đã phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác nhau liên quan đến phong trào biểu tình.
Mặc dù luật khi quân chưa được áp dụng để xử lý những người này, nhưng nhiều người đã bị buộc tội gây rối, với mức án có thể lên đến 7 năm.
Hai cá nhân cũng bị buộc tội mưu hại nữ hoàng sau đoàn xe của bà bị chặn lại hồi tháng trước. Cáo buộc này có mức án tối đa là tù chung thân, và có thể tử hình nếu được cho là gây nguy hiểm đến tính mạng nữ hoàng.
Theo Guardian, luật khi quân của Thái Lan cấm mọi công dân được chỉ trích hay phê bình các thành viên của hoàng gia. Bất cứ ai "phỉ báng, lăng mạ hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người thừa kế hoặc nhiếp chính" có thể phải đối mặt với án phạt 15 năm tù giam cho mỗi tội danh.
Đầu năm nay, Thủ tướng Prayuth cho biết luật này hiện chưa được áp dụng, theo yêu cầu của quốc vương Maha Vajiralongkorn.