Tại thủ đô Washington D.C., dưới thời Tổng thống Donald Trump, các vấn đề chiến tranh và hòa bình được quyết định trong những dòng tin 280 ký tự trên Twitter. Việc nắn chỉnh chúng thành chính sách đối ngoại phụ thuộc vào John Bolton.
AP nhận định vị cố vấn an ninh quốc gia với bộ ria mép đặc trưng đã gây dựng được danh tiếng trong hơn ba thập kỷ hoạt động trong và ngoài chính phủ. Tuy nhiên, vũng lầy từ quyết định rút quân khỏi Syria của Trump đòi hỏi ở Bolton một kỹ năng mới. Đó là khả năng viết lại chính sách của tổng thống mà không khiến vị tổng tư lệnh phản đối.
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (bên phải) theo dõi Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 22/5/2018. Ảnh: AP. |
Khả năng nhạy bén trong áp chế tổng thống
Khi Trump tuyên bố vào ngày 19/12 về sự hiện diện mà ông cho là không cần thiết của quân đội Mỹ ở Syria, các quan chức cấp cao của Mỹ dự kiến việc rút quân theo lệnh của Trump sẽ được hoàn thành trong vòng một tháng.
Các trợ lý, nhà lập pháp và các đồng minh ở nước ngoài lo ngại Mỹ phản bội đồng minh người Kurd trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhượng lại ảnh hưởng trong khu vực cho Iran và Nga. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã từ chức để phản đối.
Tuy nhiên, một tháng sau, việc rút quân của Mỹ mới bắt đầu. Quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết sự trì hoãn này là nỗ lực đằng sau hậu trường của ông Bolton.
Với quan điểm dường như không phù hợp với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, Bolton luôn là một lựa chọn ít được để mắt tới cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của tổng thống Mỹ.
Ông tán thành quan điểm chính sách đối ngoại diều hâu từ thời chính quyền tổng thống Ronald Reagan và trở thành nhân vật tiếng tăm khi ủng hộ mạnh mẽ Chiến tranh Iraq với tư cách đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời tổng thống George W. Bush. Bolton thậm chí đã có lúc cân nhắc về việc tranh cử tổng thống vào năm 2016, một phần là để chống lại quan điểm bảo hộ của ông Trump.
Tuy nhiên, ông đã giành được cảm tình của ông Trump một phần thông qua sự xuất hiện thường xuyên của mình trên Fox News, kênh truyền hình ưa thích của tổng thống.
Dù ông Trump ác cảm với bộ ria mép rậm rạp của Bolton, hai người đã hình thành mối quan hệ thân thiết kể từ khi ông Bolton tiếp quản tại Hội đồng An ninh Quốc gia vào tháng 4/2018.
Ông Bolton đã được cử đến Iraq để xoa dịu những lo ngại về quyết định rút quân khỏi Syria của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
"Thành thật mà nói, những gì tôi nói ở hậu trường không quan trọng. Điều quan trọng là những gì tổng thống nói và lời khuyên tôi dành cho ông ấy”, Bolton nói với Fox News năm 2018 ngay sau khi gia nhập Nhà Trắng.
Các cộng sự lâu năm tin rằng Bolton có khả năng nhạy bén trong việc áp chế tổng thống, một điểm khác biệt quan trọng giữa Bolton và người tiền nhiệm của ông, H.R.McMaster, tướng quân đội có giọng điệu lên lớp đối với Trump.
Điều đó không có nghĩa là Bolton đã góp phần vào việc thông báo chính sách bốc đồng của Trump về Syria. Tuy nhiên, thay vì công khai bày tỏ lo ngại như Mattis và những người khác, Bolton lặng lẽ lên kế hoạch sửa đổi mệnh lệnh của Trump, dẫn đến những điều chỉnh quan trọng mà chính quyền không muốn thừa nhận công khai.
“Thông tin báo chí đối với quyết định về Syria đã bỏ qua rất nhiều suy tính của tổng thống”, Bolton nhấn mạnh trong chuyến công du Jerusalem. Bolton nói rằng vai trò của ông là “nghiên cứu tình hình của tổng thống và những gì ông ấy mong đợi”.
Vai trò chủ chốt trong chính sách đối ngoại
Bolton và Trump đã mạnh mẽ đẩy lùi bất kỳ ý niệm nào về sự đảo ngược chính sách. Các trợ lý Nhà Trắng khẳng định vai trò của Bolton chỉ là "làm sáng tỏ" hoặc "làm rõ" lệnh ban đầu của tổng thống.
"Không khác với tuyên bố ban đầu của tôi", ông Trump viết trên Twitter hôm 7/1.
Trong thực tế, đã có những thay đổi quan trọng. Một tháng sau, các khí tài đã được đưa khỏi vùng đông bắc Syria nhưng quân đội vẫn ở lại.
Ở miền Nam Syria, nơi bị chiến tranh tàn phá, 200 quân nhân Mỹ tại al-Tanf đang ở lại vô thời hạn như tiền đồn chống lại Iran. Trong chuyến thăm Trung Đông tháng này, Bolton đã công bố "điều kiện" mới về việc rút quân, bao gồm yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo không tấn công các chiến binh người Kurd ở Syria.
Tốc độ rút quân theo kế hoạch đã bị chậm lại đáng kể sau chuyến thăm Iraq kéo dài ba giờ vào tháng 12/2018 của ông Trump. Các chỉ huy Mỹ ở đây nói rằng họ, chứ không phải các đồng minh, mới là lựa chọn tốt nhất để phá hủy các tàn tích cuối cùng của IS ở Syria. Tiếp đó là lo ngại về số phận của người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và ảnh hưởng khu vực của Iran.
(Từ trái sang) Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó Tổng thống Mike Pence nói chuyện trước khi bắt đầu cuộc họp báo chung với Tổng thống Donald Trump tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 7/6/2018. Ảnh: Getty. |
Theo 7 quan chức chính quyền được AP phỏng vấn, ảnh hưởng của ông Bolton đóng vai trò chủ chốt trong việc "diễn giải lại" mệnh lệnh ban đầu của Trump và thuyết phục tổng tư lệnh cứng đầu thuận theo nó.
Các trợ lý Nhà Trắng cho rằng hai người có mối quan hệ bền chặt một phần vì Bolton đã cố gắng không thu hút sự chú ý vào những thay đổi.
Khi ông Bolton tới Israel và Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng này để làm rõ chính sách của tổng thống, ông đã mang theo một đội ngũ báo chí trên chiếc Boeing 757, loại máy bay thường được phó tổng thống và các bộ trưởng sử dụng.
Theo AP, đây là chuyến đi hiếm hoi có các phóng viên theo kèm của một cố vấn an ninh quốc gia. Điều này cho thấy vai trò lớn của ông Bolton trong chính sách đối ngoại.
Cứng rắn và điềm tĩnh
Bolton, người từng được ông Trump cân nhắc cho vị trí đại sứ Liên Hợp Quốc, rõ ràng đang ở đúng sở trường của mình. Ông hòa hợp với các đồng minh và điềm tĩnh đưa ra những cảnh báo tàn khốc cho kẻ thù.
Bolton dường như không bận tâm khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ông đã phạm “sai lầm rất nghiêm trọng” khi nói rằng Mỹ sẽ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo kiềm chế tấn công các đối tác người Kurd.
Điều này đã khiến Erdogan xóa bỏ kế hoạch gặp Bolton và khiến quan hệ giữa hai đồng minh NATO thêm tồi tệ.
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton ngồi bên phải Tổng thống Trump trong cuộc họp với các tướng lĩnh ở Căn cứ Không quân Al Asad, Iraq, ngày 26/12/2018. Ảnh: Reuters. |
Cách tiếp cận của ông Bolton cũng khiến không ít người trong chính quyền phản đối. Một số người trung thành với tổng thống cho rằng ông Bolton đang sử dụng Hội đồng An ninh Quốc gia để thực hiện các ưu tiên của bản thân mình hơn là của tổng thống.
Trong khi đó, các đồng minh của Bolton cho rằng ông đã thực hiện mong muốn của tổng thống trong việc làm sáng tỏ các quyết sách hàng đầu của Trump. Các quan chức Nhà Trắng khẳng định thông tin về hiềm khích giữa hai người là không chính xác.
Bolton "làm việc mỗi ngày để thúc đẩy chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Trump nhằm giữ cho đất nước của chúng ta an toàn và vững chắc", Phó tổng thống Mike Pence cho biết trong một tuyên bố.
"Đại sứ Bolton là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người được các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới kính trọng. Ông hiểu rằng Nước Mỹ trên hết có nghĩa là sự lãnh đạo mạnh mẽ của nước Mỹ rất quan trọng trên trường quốc tế và đó là vinh dự lớn của tôi khi được phục vụ cùng ông ấy", ông Mike Pence nói.