Suốt 8 ngày, 2 chiếc thúng bám nhau trôi dạt trên biển, 7 ngư dân ôm nhau giữa những con sóng cao 6-7 m.
Ngày 16/7, một ngày sau khi người đồng hành đầu tiên trên tàu chết vì đói, ông Theo cùng mọi người nén nước mắt lần lượt thả thi thể xuống biển và cầu nguyện
Uống nước mưa cầm hơi
Sáng 21/6, tàu cá BTh 97478 TS do ông Bùi Văn Toàn (ngụ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) làm chủ xuất bến tại cảng Phan Thiết đi đánh bắt hải sản tại vùng biển Trường Sa - nhà giàn DK1.
Gần 20 ngày đánh bắt, thuyền trưởng Toàn quyết định thu lưới quay đầu về đất liền.
5h sáng ngày 10/7, sóng biển bắt đầu nổi lên, mưa trút xuống, con thuyền công suất 300 CV bắt đầu chao đảo. “Sóng lúc đó rất lớn kèm mưa, chúng tôi chỉ biết ôm nhau phía sau cabin tàu để mong bình an”, ngư dân Nguyễn Thành Luyến (36 tuổi) kể lại.
Ngư dân Trần Thuận Thanh được đưa đi cấp cứu ngay sau khi tàu Cảnh sát biển 7011 cập bờ. Ảnh: Xuân Hoát. |
Con thuyền cuối cùng cũng không chịu nỗi những cơn sóng liên tiếp. “Nước bắt đầu tràn lên phần mũi tàu, lúc đó anh em biết chắc không còn cứu tàu được nữa rồi. Anh em thả 2 thúng rồi nhảy xuống để thoát thân trước khi tàu chìm hẳn mà không kịp lấy nước, đồ ăn”, ông Trần Theo (55 tuổi, ngụ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) nhớ lại.
15 ngư dân chia nhau xuống 2 chiếc thúng trôi tự do trên biển. “Lúc đầu anh em có bám nhau khỏi lạc, nhưng đến ngày thứ 8 thì không còn thấy thúng có 8 anh em đâu nữa”, anh Luyến cho biết.
Trong suốt 9 ngày lênh đênh trên biển, ông Theo, anh Luyến và bạn thuyền chỉ uống nước mưa cầm hơi.
“Ai cũng hiểu hoàn cảnh nên cố gắng chăm sóc nhau. Trên ghe có một người bị thương, anh em cũng băng bó nhưng ai cũng kiệt sức. Đến ngày thứ 6 thì người đầu tiên tử vong, 2 ngày tiếp theo 2 người nữa cũng lần lượt không qua khỏi”, ông Theo rưng rưng nước mắt kể lại.
"Chuyến đi sẽ ám ảnh tôi suốt đời"
Ba người tử vong thì có 2 người là anh trai, người còn lại là chú ruột của anh Nguyễn Thành Luyến. “Trong vài ngày mà tôi mất tận 3 người thân. Hai anh trai ra đi, chú ra đi, giờ chỉ còn mình tôi trở về”, anh Luyến cúi mặt, cố nén nước mắt.
Trên thúng 8 người đang mất tích cũng có một người thân của anh Luyến.
Anh Nguyễn Thành Luyến có 3 người thân tử vong. Ảnh: Xuân Hoát. |
Những ngày sau đó, ông Theo, anh Luyến, ông Tấn lần lượt tự tay thả thi thể của bạn thuyền xuống biển vì bốc mùi, thúng quá chật.
“Anh em còn sống cũng chắp tay vái lạy cho linh hồn họ siêu thoát, cũng khấn thầm anh em có linh thiêng phù hộ những người còn sống được cứu vớt”, ngư dân Hà Văn Tấn (50 tuổi, ngụ TP Phan Thiết) nhớ lại.
Đến ngày thứ 9 trôi dạt, tàu cá Bình Định do anh Lê Thanh Toàn (38 tuổi, quê Bình Định) phát hiện cứu vớt được 4 thuyền viên khi họ đã đói lã.
“Lúc anh em chết dần, mình cũng nghĩ sẽ không qua khỏi vì sóng biển rất lớn. Khi sắp hết hy vọng thì chúng tôi may mắn được tàu Bình Định cứu", ông Theo nói.
“Lúc đó 3 anh em gắng chút sức lực cuối cùng cởi áo giơ lên vẫy vẫy để tàu bạn thấy. Còn anh Trần Thuận Thanh không còn ngồi dậy nổi vì đã kiệt sức”, ông Tấn nói.
“Hành nghề đi biển gần 20 năm, nhưng không nghĩ đây là chuyến biển kinh hoàng đến vậy. Nó sẽ ám ảnh tôi đến suốt đời”, ông Trần Theo nói.
Bốn thuyền viên được tàu cá Bình Định cứu vớt, chữa trị vết thương. Đến ngày 20/7, tàu Cảnh sát biển 7011 tiếp cận đưa vào bờ. Tuy nhiên, do sóng quá lớn nên tàu cá không thể cập mạn tàu Cảnh sát biển 7011.
“Chúng tôi phải tính phương án tối ưu nhất, quan trọng nhất lúc đó là sức khỏe của 4 ngư dân. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi quyết định đưa anh em sang tàu cá để kịp thời chữa trị. Chúng tôi cũng đang nỗ lực phối hợp với các lực lượng khác của Bộ Quốc phòng, Biên phòng để tìm nhanh nhất các ngư dân bị nạn còn lại”, đại úy Lê Khánh Hải, thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 7011, nói.
Lúc 13h ngày 21/7, tàu Cảnh sát biển 7011 (thuộc Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) đã đưa 4 ngư dân BTh97478 bị nạn vào đất liền cấp cứu.
Trong 4 ngư dân, Trần Thuận Thanh sức khỏe yếu nên được đưa thẳng lên xe cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa Ninh Hòa. 3 ngư dân còn lại là Trần Theo, Hà Văn Tiến và Nguyễn Thành Luyến sau khi chăm sóc sức khỏe đã tạm ổn định.
Cùng ngày, lực lượng chức năng cũng làm thủ tục bàn giao 3 ngư dân trên cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, nhiều ngày qua, lực lượng chức năng điều 11 tàu, một máy bay tham gia tìm kiếm.
Trong đó, có 3 tàu của biên phòng, cảnh sát biển, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III và 8 tàu cá ngư dân. Hiện, thời tiết khu vực biển Phú Quý (Bình Thuận) đang có gió tây nam cấp 5-6, sóng biển cao 2-3 m.