Theo South China Morning Post, Cơ quan Nghề cá ở Tokyo đã buộc phải khuyến cáo ngư dân Nhật Bản đi đánh bắt ở nơi khác để tránh va chạm, trong bối cảnh đang có hàng nghìn tàu cá Trung Quốc hoạt động ở vùng biển Yamatotai.
Cơ quan này hôm 21/10 cho biết cho đến cuối tháng 9, các tàu tuần tra của họ đã xua đuổi 2.589 tàu Trung Quốc khỏi vùng biển này, gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cũng xác nhận tính đến ngày 16/10, họ đã phải yêu cầu 102 tàu Trung Quốc ra khỏi khu vực, trong khi chỉ có 12 sự cố như vậy trong năm 2019.
Vùng biển Yamatoai, cách bán đảo Noto 350 km, là khu vực nổi tiếng để đánh bắt mực bay "surumeika" và cua biển vào những tháng cuối mùa thu.
Trong những năm trước, giới chức Nhật Bản đã gặp vấn đề tương tự với các tàu cá Triều Tiên. 4.000 tàu cá Triều Tiên đã được yêu cầu rời khỏi khu vực vào năm 2019. Một tàu tuần duyên Nhật Bản đã va chạm với tàu cá Triều Tiên hồi tháng 10/2019, khiến tàu cá bị chìm. 60 thuyền viên được cứu và đưa lên các tàu đánh cá khác.
Năm nay, lực lượng tuần duyên Nhật Bản mới chỉ gặp một tàu cá Triều Tiên, nhưng thay vào đó là hàng nghìn tàu cá Trung Quốc.
Một tàu tuần tra của Cơ quan Nghề cá Nhật Bản phun vòi rồng đuổi tàu Trung Quốc khỏi vùng biển Yamatotai. Ảnh: Asahi. |
Ông Akitoshi Miyashita, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Tokyo, cho rằng chính phủ Nhật Bản có thể đã phạm sai lầm khi yêu cầu ngư dân rời khỏi vùng biển.
"Người Trung Quốc ở đó càng lâu thì việc buộc họ rời đi càng trở nên khó khăn hơn. Chính phủ Nhật Bản phải làm gì đó để buộc những người này rời đi, vì nếu họ không bị thách thức và được phép ở lại, thì hoạt động ở những vùng biển đó sẽ trở thành một thực tế đã được xác định", ông Miyashita nhận định. "Và khi đó, sẽ có nhiều tàu Trung Quốc nữa tiến sâu hơn vào lãnh hải Nhật Bản".
Các nhà phân tích cho rằng có một số lý do khiến tàu Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ngoài khơi phía đông bắc Nhật Bản. Có khả năng vùng biển gần bờ của phía Trung Quốc đã bị đánh bắt quá mức, khiến các tàu phải ra xa hơn để khai thác.
Một giả thuyết khác là Trung Quốc đang thử quyết tâm của Nhật Bản đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, cũng như thử phản ứng của lực lượng tuần duyên và quân đội nước này.
"Nếu vấn đề là tìm kiếm các ngư trường mới thì việc này có thể được giải quyết trong các cuộc đàm phán giữa hai chính phủ. Nếu đó là kịch bản còn lại và đây thực tế là những hành động được nhà nước chấp thuận, thì đó là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều", ông Miyashita nhận xét.