Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đuổi bắt giữa tuần duyên Peru và đội tàu cá Trung Quốc khổng lồ

Đội tàu cá khổng lồ từ Trung Quốc hoạt động trong nhiều tháng ngoài khơi các nước Nam Mỹ, làm dấy lên lo ngại về ổn định sinh thái biển cũng như đe dọa sinh kế của ngư dân bản địa.

Giữa màn đêm đen kịt ngoài khơi vùng biển Nam Mỹ, người ta quan sát thấy những ánh đèn thắp sáng cả bầu trời và mặt nước. Hơn 600 km ngoài khơi, một tàu tuần duyên của Peru âm thầm tuần tra, theo dõi hoạt động của hàng chục tàu săn mực đến từ Trung Quốc.

Tàu tuần tra Peru duy trì khoảng cách 100 m với nhóm tàu cá Trung Quốc. Ngư dân Trung Quốc làm việc trong lặng lẽ. Phía bên kia, các thủy thủ Peru cũng giữ im lặng. Họ chưa từng chứng kiến cảnh tượng như vậy trước đó.

"Đây chỉ là một phần nhỏ của cả hạm đội tàu cá hoạt động ngoài khơi Peru. Họ luôn xuất hiện ở vùng biển này, từ Ecuador tới Argentina. Công việc của chúng tôi là xua đuổi, không để họ tiến vào bên trong vùng biển Peru", Eduardo Atkins, sĩ quan chỉ huy tàu tuần duyên, cho biết.

Quy mô đội tàu liên tục gia tăng

Tháng 7 vừa qua, các quốc gia Nam Mỹ bắt đầu chú ý sự xuất hiện của tàu cá Trung Quốc, khi 250 chiếc xâm nhập vùng nước ngoài khơi quần đảo Galapagos của Ecuador.

Sự kiện tại Galapagos khiến Ecuador nổi giận, làm dấy lên quan ngại trên toàn cầu trước hoạt động của đội tàu cá được miêu tả là lớn nhất thế giới của Trung Quốc.

Hawkeye 360, công ty phân tích dữ liệu tần số vô tuyến, cho biết các tàu cá che giấu hoạt động bằng cách tắt thiết bị theo dõi qua vệ tinh AIS, sau đó âm thầm xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế quanh quần đảo Galapagos.

"Chúng tôi thu được vô số ví dụ hoạt động tần số vô tuyến hàng hải trong khu vực đặc quyền kinh tế của Galapagos liên quan tới đội tàu Trung Quốc", Giám đốc điều hành Hawkeye 360 John Serafini cho biết.

doi tau ca Trung Quoc o Nam My anh 1

Nhóm tàu cá Trung Quốc thắp sáng vùng biển ngoài khơi Peru. Ảnh: Guardian.

Trong số những con tàu Trung Quốc đáng chú ý xuất hiện ngoài khơi Nam Mỹ có Hangong Yu 303, một tàu chở dầu cỡ lớn. Con tàu này tiếp nhiên liệu cho các tàu đánh cá nhỏ hơn của Trung Quốc. Hangong Yu 303 có thể cùng lúc tiếp nhiên liệu cho 2 tàu cá.

Lực lượng tuần duyên của Peru đã theo dõi tàu chở dầu Trung Quốc trong một thời gian. Ngay khi nhà chức trách Peru đến gần, các tàu cá Trung Quốc đang tiếp nhiên liệu lập tức ngắt đường ống dẫn, rời khỏi khu vực nơi Hangong Yu 303 hiện diện.

Tàu Trung Quốc thường tiếp nhiên liệu ngay trên biển, để có thể kéo dài tối đa thời gian các chuyến đánh bắt.

"Mặc dù không bất hợp pháp, hoạt động đó là một thực tiễn xấu. Họ có thể ở đây suốt nhiều tháng, thủy thủ đoàn có thể được thay thế, nhưng tàu cá sẽ vẫn ở vùng biển Nam Thái Bình Dương", ông Atkins nói.

Sĩ quan chỉ huy Peru không giấu được sự khó chịu trước quy mô đội tàu đánh cá của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Chỉ trong 9 năm, quy mô đội tàu này đã tăng gấp 4 lần, theo dữ liệu công bố bởi Tổ chức Theo dõi nghề cá toàn cầu.

Đe dọa ổn định sinh thái

"Họ có tàu xử lý hải sản ngay trên biển, hải sản được đóng gói và sẵn sàng tung ra thị trường khi về đến Trung Quốc", ông Atkins cho biết.

Tàu xử lý hải sản là mục tiêu mà tuần duyên Peru nhắm tới. Atkins cho biết một trong những con tàu như vậy có tên Han Feng 806, một con tàu đông lạnh khổng lồ. Khi phát hiện Han Feng 806 trên radar, tuần duyên Peru lập tức chuyển hướng truy đuổi. Nhưng con tàu Trung Quốc cũng tăng tốc đi khỏi vùng biển gần Peru.

Vùng biển Peru nổi tiếng bởi đàn mực khổng lồ Humboldt. Thời gian qua, các hiệp hội đánh cá địa phương bắt đầu lo ngại trước thực trạng tàu cá Trung Quốc xâm nhập khai thác, làm tổn thương ngành xuất khẩu thủy hải sản của Peru, trong đó 43% đến từ xuất khẩu mực.

"Không hề giấu giếm, mỗi năm, nhiều tàu cá chủ yếu từ Trung Quốc đến ngay sát phạm vi 200 hải lý ngoài khơi Peru để khai thác nguồn hải sản này", Cayetana Aljovin, chủ tịch Hiệp hội nghề cá quốc gia Peru, cho biết.

doi tau ca Trung Quoc o Nam My anh 2

Số cá phát hiện trên một tàu của Trung Quốc. Ảnh: Guardian.

Trong khi các quốc gia Nam Mỹ duy trì quota khai thác mực Humboldt tại vùng biển thuộc quyền tài phán của mình, tàu cá trên vùng biển quốc tế không bị áp đặt giới hạn khai thác.

Tình trạng khai thác mực quá mức có thể gây tác động tiêu cực khắp khu vực Đông Thái Bình Dương, nhà nghiên cứu thủy sinh vật học Gustavo Sanchez từ Đại học Hiroshima cho biết.

"Có thể có nhiều hơn một quần thể mực sinh sống ở Đông Thái Bình Dương, việc khai thác quá mức trên vùng biển quốc tế không chỉ làm giảm số lượng mực ở Peru, nó sẽ làm mất đi khả năng thích nghi với biến đổi môi trường của đàn mực trên một khu vực rộng lớn hơn", ông Sanchez nói.

Ngư dân địa phương trả giá

Tại vùng biển cách đất liền khoảng 100 hải lý, tàu tuần duyên Peru phát hiện một tàu đánh cá nhỏ màu trắng, hầu như không thể phát hiện tín hiệu trên radar.

Trên con tàu mang tên Rosario, nhà chức trách Peru tìm thấy 4 ngư dân, 2 người Peru và 2 người Venezuela. Con tàu này đã trôi dạt 2 ngày trên biển vì hỏng động cơ.

Kiểm tra con tàu, các sĩ quan tuần duyên sửng sốt khi phát hiện, bên trong lưới đánh cá được giấu dưới sàn tàu, 4 con cá heo và 6 con cá mập.

Tại Peru, đánh bắt và buôn bán thịt cá heo là bất hợp pháp. Mặc dù vậy, thịt cá heo vẫn được sử dụng làm mồi nhử cá mập hoặc bán trên thị trường chợ đen như một món đặc sản.

"Chúng tôi đã bắt vài con cá heo, nhưng đó không phải mục đích của chúng tôi. Nếu động cơ còn tốt, chúng tôi sẽ thả lũ cá ra khỏi lưới", một trong các ngư dân bị bắt tên Juan Ramos cho biết.

Sĩ quan tuần duyên Peru yêu cầu ông Ramos cho xem giấy phép đánh cá và giấy tờ rời cảng. Nhưng các ngư dân không thể đưa ra những giấy tờ này. Ông Ramos nói nói con tàu dự định quay lại cảng Ancon, nơi nhóm ngư dân xuất phát.

doi tau ca Trung Quoc o Nam My anh 3

Tuần duyên Peru khám xét tàu Rosario. Ảnh: Guardian.

"Nhiều năm trước, chúng tôi đánh cá gần bờ thôi. Nhưng giờ chúng tôi phải đi xa thế này. Nếu chỉ ở gần bờ, chúng tôi sẽ chẳng đánh bắt được gì hết. Không chỉ có tàu câu mực của Trung Quốc, còn có tàu đánh bắt cá ngừ từ các nước khác, họ tới và phá cần câu cơm của chúng tôi", ông Ramos nói.

Ngư dân 52 tuổi nói các tàu cá quy mô nhỏ không thể cạnh tranh với những đội tàu lớn của nước ngoài.

"Vấn đề lớn ở Peru là chúng tôi không có công nghệ. Các đội tàu nước ngoài có tàu chế biến, họ có thể đi đến bất cứ đâu, bắt hàng tấn cá, và rời đi", ông Ramos nói.

Matt Bjerregaard, chuyên gia sinh vật học đại dương và nghề cá, cho biết biến đổi khí hậu đã buộc các ngư dân đánh bắt thủ công đi theo đàn cá vào những vùng nước sâu, xa khỏi bờ biển.

Tuy nhiên, các đội tàu cá lớn của nước ngoài cũng chịu phần không nhỏ trách nhiệm khi buộc ngư dân bản địa "tìm nguồn cá mới, phải đi xa và lâu hơn để đánh bắt cá, ảnh hưởng tiêu cực tới sinh kế của họ".

Các ngư dân và số hải sản đánh bắt trái phép được đưa về tàu tuần duyên. Họ sẽ được đưa trở lại đất liền và có thể nhận án phạt tiền. Tàu Rosario với chiếc động cơ hỏng bị bỏ lại giữa đại dương.

Trong khi đó, đội tàu đánh cá khổng lồ gây tranh cãi của Trung Quốc ở ngoài khơi Peru tiếp tục đi về hướng Nam, buộc nhà chức trách Chile lên tiếng cảnh báo sẽ điều động Hải quân để giám sát hoạt động.

Từ Ecuador, đội tàu cá Trung Quốc tràn đến ngoài khơi Peru

Nhóm 250 tàu đánh bắt mực biển được hải quân Peru phát hiện đang hoạt động ngoài khơi nước này. Đây cũng là đội tàu từng được thấy gần quần đảo Galapagos của Ecuador.

Cố vấn Nhà Trắng: Đài Loan nên củng cố phòng vệ trước Trung Quốc

Cố vấn Nhà Trắng cho rằng Đài Loan cần củng cố năng lực răn đe trước những cuộc tấn công hoặc âm mưu bao vây cô lập từ phía Trung Quốc trong tương lai.

Mỹ đưa 6 cơ quan báo chí Trung Quốc vào nhóm phái bộ nước ngoài

Động thái này của Washington buộc các đơn vị báo chí Trung Quốc phải cung cấp thông tin về nhân viên và bất động sản mà họ sở hữu ở Mỹ.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm