Tháng 5/2019, Riot, nhà phát hành Liên Minh Huyền Thoại (LMHT), thông báo hạt giống số 3 của LCK (giải LMHT Hàn Quốc) phải bắt đầu Chung kết thế giới (CKTG) từ vòng khởi động. Trước đó, các đại diện từ LCK đều được vào thẳng vòng bảng.
Trong khi đó, cả 3 hạt giống của Trung Quốc được vào thẳng vòng bảng. Ở 2 kỳ CKTG gần nhất, chức vô địch cũng thuộc về Invictus Gaming và FunPlus Phoenix, 2 đại diện từ LPL.
Ở giải giao hữu giữa LCK và LPL có tên gọi Mid Season Cup 2020, 3 trong 4 đội vào bán kết thuộc Trung Quốc. Chung kết cũng là cuộc đấu nội bộ của khu vực này. Điều này cho thấy LPL mới đang là khu vực mạnh nhất của bộ môn LMHT.
Đội hình vô địch CKTG 2017, giải đấu quốc tế gần nhất người Hàn Quốc lên ngôi. Ảnh: Medium. |
Kỷ nguyên thống trị của các đội Hàn Quốc
Ở CKTG 2012, Hàn Quốc cho thấy sức mạnh đáng sợ với những cá nhân sở hữu kỹ năng cá nhân xuất sắc như MakNooN (Najin Sword), MadLife (Azubu Frost). Trong đó, Azubu Frost được xem như ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch.
Tuy nhiên, họ lại để thất bại đáng tiếc trong trận chung kết trước Taipei Assasin, đại diện từ Đài Loan (Trung Quốc). Khi đó, Toyz với Orianna cùng Ezreal trong tay Bebe đã chơi như lên đồng để đánh bại Azubu Frost.
Một năm sau, "Quỷ vương" Faker có lần đầu tham dự CKTG trong màu áo SK Telecom (SKT). Lối đánh SKT khi ấy mang đậm dấu ấn kiểm soát kết hợp kỹ năng của người Hàn Quốc. Họ dùng kỹ năng để thắng đường, rồi kiểm soát tầm nhìn ở toàn bộ bản đồ.
PoohManDu (hỗ trợ), Bengi (đi rừng) giúp SKT làm tốt phần việc đó. Các đối thủ của SKT thường xuyên rơi vào tình trạng "mù". Ở nhiều tình huống nỗ lực cắm mắt để kiểm soát, họ dễ bị đánh úp và thất bại.
Tại giải đấu đó, SKT lên ngôi vô địch sau khi đánh bại StarHorn Royal Club, đại diện của Trung Quốc một cách dễ dàng với tỷ số 3-0. SKT chỉ gặp khó khăn ở bán kết, khi đối thủ của họ là một đội tuyển đồng hương Najin Black Sword.
SKT vô địch CKTG ngay lần đầu tham dự. Họ cũng là đội tuyển giàu thành tích nhất nền LMHT. Ảnh: Riot. |
Đến năm 2014, Samsung White, nhà vô địch CKTG năm đó, còn thể hiện sức mạnh đáng sợ hơn. Họ để thua đúng 2 ván trước StarHorn Royal Club và Team Solomid. Họ có lối đánh kiểm soát hoàn toàn với những bước di chuyển thông minh. Việc Mata, một người chơi hỗ trợ được bình chọn là tuyển thủ hay nhất giải là minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Lúc đó, khoảng cách trình độ giữa Hàn Quốc và phần còn lại của thế giới lớn đến mức SKT, đội có thành tích bết bát ở giải quốc nội còn đủ sức lên ngôi vô địch ở giải All Stars một cách dễ dàng tại Paris.
Sau đó, ngoại trừ Mid Season Invitational 2015, giải đấu mà SKT để thất bại 2-3 một cách thiếu may mắn trước Edward Gaming của Trung Quốc, tất cả danh hiệu quốc tế đều thuộc về các đội Hàn Quốc. Trong 9 lần CKTG được tổ chức, LMHT Hàn Quốc sở hữu 5 chức vô địch, 3 của SKT (2013, 2015, 2016) và 2 của Samsung (White - 2014 và Galaxy - 2017).
Các đội Trung Quốc hơn Hàn Quốc ở điểm nào?
Tại CKTG 2018, các đại diện của Hàn Quốc đã không có màn trình diễn ấn tượng. Các đội tuyển KT Rolster, Afreeca và Gen.G lần lượt kết thúc giải ở các vị trí thứ 5, 7 và 13. Đây là giải đấu mà Invictus Gaming lên ngôi vô địch sau khi đánh bại Fnatic (châu Âu) trong trận chung kết.
Một năm sau, FunPlus Phoenix tiếp tục mang vinh quang về cho Trung Quốc. LPL cũng có đến 2 đại diện vào bán kết. SKT, niềm hy vọng số một của Hàn Quốc cũng chịu dừng chân ở đó còn Griffin và Damwon Gaming đều bị loại ở tứ kết.
Chức vô địch năm 2019 của FunPlus Phoenix có dấu ấn không nhỏ của DoinB (phải), một người Hàn Quốc. Ảnh: Riot. |
SKT cũng không thể giữ lại thể diện cho LMHT Hàn Quốc tại MSI 2019. Họ để thua 2-3 trước G2 eSports (châu Âu) trong trận bán kết. Đối thủ của họ sau đó đã lên ngôi vô địch.
CloudTemplar, người có mặt trong đội hình Azubu Frost lên ngôi á quân ở CKTG 2012 đã lý giải về cuộc lật đổ của LPL.
"Không có sự khác biệt quá lớn giữa LCK và LPL về cả lối chơi lẫn các vị tướng được sử dụng. Điều đau lòng là LPL lại sở hữu vũ khí mà LCK từng là những người mạnh nhất: Macro (khả năng tính toán đến từng bước di chuyển, tầm nhìn chiến thuật, sự hiểu biết về trò chơi).
Hiện tại, LPL đánh giao tranh cẩn thận hơn, họ chơi quyết liệt tùy thời điểm. Nhiều người sẽ nói LPL dần có phong cách giống LCK nhưng tôi không đồng ý. LPL học hỏi LCK nhưng họ biết cách chế biến thành điểm mạnh riêng biệt của họ. LPL không còn là khu vực đánh giao tranh vô tội vạ", CloudTemplar nhận xét.
Bên cạnh đó, CloudTemplar cũng cho biết việc xuất ngoại của các tuyển thủ, HLV người Hàn Quốc giúp Trung Quốc hay các khu vực khác mạnh hơn. Trong đội hình Invictus Gaming hay FunPlus Phoenix lên ngôi vô địch CKTG, những người Hàn Quốc như Rookie, TheShy và DoinB thể hiện dấu ấn đậm nét.
"Sức mạnh lớn nhất của LCK chính là Macro. Hiện tại, nhiều HLV cũng như tuyển thủ người Hàn Quốc chuyển sang khu vực khác và giúp khu vực đó mạnh hơn nhờ khả năng Macro. Ngoài ra, LPL cũng đang có nhịp đánh và khả năng giao tranh tốt hơn LCK nữa", cựu tuyển thủ này nói thêm.
Cuối cùng, anh cho biết các đội ở LCK cần cải thiện thêm khả năng Macro để đòi lại ngôi vương LMHT từ tay những đại diện LPL. CKTG 2020 ở Trung Quốc là sàn diễn gần nhất để các đội Hàn Quốc tìm lại chính mình.