Guyitt House thu hút nhiều sự chú ý từ các nhiếp ảnh gia. Ảnh: Freaktography. |
Nằm bên con đường gần hồ Erie, phía đông nam Ontario, một ngôi nhà xây dựng từ thế kỷ XIX không có người ở trở thành điểm đến của nhiều nhiếp ảnh gia suốt nhiều năm qua, như Cathie Wright.
Bà ghé thăm địa điểm này mỗi tháng và chụp hàng trăm bức ảnh, từ khung cảnh ngập trong tuyết lẫn khi bầu trời u ám.
“Ngôi nhà có sức hấp dẫn kỳ lạ”, vị nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chia sẻ.
Tuy nhiên, theo New York Times, ngôi nhà - được các nhiếp ảnh gia yêu thích tới nỗi giới truyền thông Canada ca ngợi là “ngôi nhà được chụp ảnh nhiều nhất” - có thể bị phá bỏ.
Ủy ban tiêu chuẩn tài sản ở thành phố Chatham-Kent đưa ra quyết định này vào tháng trước, khi yêu cầu chủ nhân ngôi nhà, Peter Anderson, phá bỏ trước ngày 20/10, trừ khi ông bảo trì hoặc sửa chữa tuân theo luật sở hữu địa phương.
Tin tức này khiến các nhiếp ảnh gia Canada sốc và đau buồn, khi họ nhìn thấy ngôi nhà mang dáng vẻ hùng vĩ nhưng phai tàn của một thời đã qua ở vùng nông thôn Ontario. Nông dân trên toàn tỉnh cũng sống trong những ngôi nhà giống vậy có bếp củi, giếng và không có nước máy.
"Không thể sửa chữa được nữa"
“Tôi nghĩ hành động đó thật sai lầm”, Michael Chase ở Amherstburg, Ontario - chủ sở hữu Windsor Aerial Drone Photography - chia sẻ. Anh tình cờ lái xe ngang qua ngôi nhà hồi tháng 2 và quay một đoạn video về nó.
“Ngôi nhà nên được chỉ định là di tích lịch sử và được bảo vệ để nó xuống cấp tự nhiên. Đây là địa điểm thu hút khách du lịch”, anh Chase nói.
Peter Anderson (giữa) là người sở hữu bất động sản này, cùng vợ (phải) và người hàng xóm giúp trông coi ngôi nhà. Ảnh: CBS. |
Tuy nhiên, Paul Lacina - Giám đốc xây dựng của Chatham-Kent - cho biết ngôi nhà, có tên là Guyitt House, “không thể sửa chữa” và "trong tình trạng không đảm bảo an toàn".
“Một bên đã sụp đổ hoàn toàn và toàn bộ cấu trúc đang tự sụp xuống”, ông nói.
Ông cho biết có bằng chứng cho thấy các thanh thiếu niên đã lẻn vào bên trong, uống rượu và đốt lửa nhỏ. Lacina khẳng định phần trần nhà có thể rơi trúng ai đó nếu họ tình cờ xâm phạm tài sản này.
Ông Anderson cho biết ngôi nhà hai tầng - cách Toronto 257 km về phía tây nam - có thể được xây dựng vào khoảng năm 1840-1850. Ngôi nhà từng có mặt ngoài bằng gạch, đèn chùm trong phòng khách và một cây đàn piano lớn. Các cửa sổ vẫn khung hình trái tim, hình tròn và kim cương.
Ông Anderson đã đến thăm ông nội và chú - những người sống trong ngôi nhà này - vào những năm 1950 và 1960, khi hàng xóm tụ tập xem phim Bonanza hoặc các trận khúc côn cầu trên TV. Người nông dân này thừa kế tài sản vào năm 2003, rất lâu sau khi người thuê nhà cuối cùng chuyển đi vào những năm 1980.
Ngôi nhà 2 tầng có thể được xây dựng vào khoảng năm 1840-1850. Ảnh: CBS. |
Biển cấm xâm phạm cắm trước ngôi nhà. Ảnh: CBS. |
Đơn độc trên hành trình bảo vệ ngôi nhà
Ông Anderson - có ông bà là Roy và Ethel Guyitt, người mua bất động sản này vào năm 1908 - cho biết giới chức đã nhắm vào ông theo cách bất công. Lệnh phá bỏ được đưa ra sau khi một công dân ẩn danh gửi đơn khiếu nại tới các quan chức địa phương vào năm ngoái.
Ông cho biết việc sửa chữa ngôi nhà sẽ là công việc khó khăn vì nó đã xuống cấp trầm trọng, trong khi việc nộp đơn kiện sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, ông nói mình không sẵn sàng chứng kiến một phần lịch sử gia đình bị phá hủy.
“Tôi chỉ cần họ để tôi yên”, người đàn ông 71 tuổi sống ở Muirkirk, Ontario, nói, đồng thời đã dựng biển “cấm xâm phạm” bên ngoài. “Tôi có thể dựng hàng rào”.
Người nông dân này nói mình trân trọng những niềm vui ngôi nhà đem lại cho các nhiếp ảnh gia, nhưng thất vọng vì nhiều người không hỗ trợ ông cứu ngôi nhà.
“Tôi thấy mình như người đàn ông trên đảo cầu xin ai đó giải cứu mình”, ông Anderson nói. “Các tàu du lịch đi ngang qua, và mọi người có máy ảnh, vẫy tay và trò chuyện, nhưng sẽ không có ai đến cứu tôi”.
Ngôi nhà nằm cách Talbot Trail - tuyến đường nổi tiếng lái xe ngắm cảnh - khoảng 60 m. Ảnh: Youtube/@Windsor Aerial Drone Photography. |
Một trong những lý do khiến ngôi nhà trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhiếp ảnh gia là nhờ vị trí đắc địa, nằm cách Talbot Trail khoảng 60 m - con đường chạy dọc theo hồ Erie và là tuyến đường nổi tiếng lái xe ngắm cảnh.
“Đang lái xe trên đường cao tốc và đột nhiên ‘bùm’, ngôi nhà mang vẻ rùng rợn nằm ở bên đường thực sự thu hút ánh nhìn của bạn”, Dave Conlon - người đăng video về ngôi nhà trên kênh YouTube Freaktography - cho biết. “Mỗi khi tôi dừng lại, có hàng tá người ở đó chụp ảnh vì đây là địa điểm độc đáo và cuốn hút nằm bên đường”.
Ông Anderson nói mình rất thích đám đông. Hôm 11/5, có 10-12 người chụp ảnh ngôi nhà khi ông đến đó rải phân bón. “Vào chủ nhật, hàng người dài vô tận. Một người đến, một người đi. Tôi có thể dành cả ngày để nói chuyện với họ”, ông nói.
Nhiếp ảnh gia Wright - người đã ghi lại hình ảnh ngôi nhà hàng tháng trong nhiều năm - nói nếu địa điểm này bị phá dỡ, bà muốn ở đó ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng, như một món quà tặng cho ông Anderson.
“Tôi muốn chụp là người những bức ảnh cuối cùng”, bà Wright nói.
Sách về thế giới tự nhiên
Mục Thế giới giới thiệu những cuốn sách viết về cuộc sống tự nhiên giúp mỗi cá nhân mở rộng tầm nhìn và gợi cảm hứng trong hành trình bảo tồn thiên nhiên, môi trường sống.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.