AFP ngày 11/7 cho biết gia đình ông Shinzo Abe sẽ tổ chức lễ viếng riêng để bày tỏ sự kính trọng với cựu thủ tướng quá cố tại đền Zojoji, quận Minato, trung tâm thủ đô Tokyo, từ buổi chiều cùng ngày.
Một ngày sau đó, đám tang cho ông Abe do gia đình chủ trì cũng được tổ chức tại địa điểm này, với sự tham gia của các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu. Buổi lễ tưởng niệm trước công chúng cũng sẽ diễn ra tại đền Zojoji vào ngày 13/7.
Ngôi đền lịch sử
Đền Zojoji được xây dựng năm 1393 và được coi là ngôi đền chính của pháp môn Tịnh độ tông tại vùng Kanto của Nhật Bản, website của đền cho biết. Tới năm 1598, sau khi lãnh chúa Ieyasu Tokugawa, người sáng lập Mạc phủ Tokugawa, tiến vào Tokyo, ngôi đền được chuyển tới địa điểm hiện nay tại thành phố này.
Đến thời kỳ Mạc phủ, Zojoji trở thành ngôi đền của gia tộc Tokugawa, cũng như là trung tâm điều hành của pháp môn Tịnh độ tông tại Nhật Bản. Khi đó, ngôi đền có diện tích tới 82,6 ha, bao gồm 48 đền nhỏ hơn và là nơi sinh sống của khoảng 3.000 sư sãi.
Đền Zojoji nằm khá gần tháp Tokyo. Ảnh: Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản. |
Tuy vậy, trong dòng chảy lịch sử, ngôi đền này cũng bị ảnh hưởng: Từ phong trào chống Phật giáo vào thời kỳ Minh Trị tới sự tàn phá của Thế chiến 2. Diện tích của ngôi đền cũng đã giảm đáng kể so với quá khứ.
Tới nay, nhiều công trình trong đền đã được phục dựng lại. Đền Zojoji vẫn được coi là ngôi đền chính, cũng như là trung tâm tu hành của Tịnh độ tông Nhật Bản. Đây cũng là một địa điểm du lịch ưa thích của nhiều du khách tới Tokyo.
Ngôi đền cũng mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt, khi đây là nơi an nghỉ của 6 trong tổng số 15 tướng quân (shogun) của Mạc phủ Tokugawa. Trong đó, Lăng mộ Taitoku-in - nơi an nghỉ của các Tướng quân Hidetada, Ienobu và Ietsugu được xếp loại là bảo vật quốc gia Nhật Bản, nhưng đã bị phá hủy trong Thế chiến 2.
Điểm tham quan nổi tiếng
Được xây dựng năm 1622, cổng chính (sangedatsumon) của đền là một trong những công trình bằng gỗ lâu đời nhất còn tồn tại tại Tokyo. Trong khi nhiều tòa nhà trong đền bị bom đạn trong Thế chiến II phá hủy, cổng chính vẫn đứng vững.
Trong đền cũng có một chiếc chuông lớn có đường kính 1,76 m, cao 3,33 m và nặng 15 tấn. Được đúc xong năm 1673, đây được coi là một trong ba chiếc chuông lớn của thời kỳ Edo tại Nhật Bản.
Chuông đền Zojoji. Ảnh: Tokyo Gov/Twitter. |
Chiếc chuông này được đánh lên hai lần mỗi ngày, vào sáng sớm và buổi tối, mỗi lần 6 tiếng. Chuông không chỉ có tác dụng báo giờ, mà còn giúp thanh lọc 108 phiền não của con người (bonno).
Ngoài ra, trong đền còn có một số công trình khác như đại điện (được khôi phục năm 1974), vườn tượng địa tạng tượng trưng cho những đứa trẻ mất trước khi ra đời, hay bảo tàng trưng bày các di tích của đền.
Theo Asahi, Nhật Bản đang chuẩn bị hồ sơ đệ trình lên UNESCO để đề nghị công nhận các văn bản Phật giáo tại chùa Zojoji là di sản thuộc chương trình Ký ức Thế giới của tổ chức này.
Các tư liệu này được thu thập trên khắp đất nước theo mệnh lệnh của Tướng quân Ieyasu, người sáng lập Mạc phủ Tokugawa, trước khi được trao cho nhà đền. Bộ tư liệu bao gồm 12.000 bản in khắc gỗ.
Kho tư liệu không chỉ là cơ sở của nghiên cứu Phật học đương đại, mà còn là dữ liệu quan trọng để tìm hiểu về văn hóa chữ kanji (chữ Hán trong tiếng Nhật) và kỹ thuật in trong quá khứ.
Không chỉ là điểm đến của khách du lịch, đền Zojoji còn là nơi dừng chân của các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao nước ngoài khi tới thăm Tokyo. Cựu Tổng thống Mỹ George H. W. Bush từng tới đền này vào tháng 4/1982 khi tới thăm Nhật Bản trên cương vị phó tổng thống Mỹ.
Tháng 4/2013, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã tới thăm đền, theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản.
Ngôi đền này cũng là địa điểm quay phân cảnh đám tang của nhân vật Yashida trong phim “The Wolverine” (2013). Trong phân cảnh này, nhân vật chính Logan bị tấn công và phải đào thoát.