"Cần phải chống lại mối đe dọa lớn nhất ở Trung Đông, đó là chính quyền Iran và những chiến dịch khủng bố và phá hoại của họ", ông Pompeo phát biểu tại Cairo, Ai Cập vào ngày 10/1.
Bay từ thủ đô này đến thủ đô khác, gặp gỡ những vị vua, những thái tử và các tổng thống, nhưng cho đến khi chuyến công du kết thúc vào ngày 14/1, có vẻ như ông Pompeo vẫn chưa thật sự tạo được bước tiến cụ thể nào trong việc thúc đẩy chính sách cứng rắn với Tehran của Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng các quan chức Saudi Arabia trong chuyến công du Trung Đông tuần trước. Ảnh: New York Times. |
Trên thực tế, sẽ rất khó để các nước Arab có thể hợp tác một cách toàn diện chống lại Iran vì sự phức tạp của mối quan hệ ngoại giao khu vực. Trong khi đó những nhóm vũ trang được hậu thuẫn bởi Tehran, mục tiêu mà Mỹ muốn tiêu diệt, có quy mô, tổ chức và địa bàn hoạt động khác nhau, rất khó để giải quyết bằng một công thức chung.
Không có kế hoạch cụ thể
Nhóm lớn nhất trong số này, Hezbollah, thậm chí còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong chính phủ Lebanon. Những nhóm nhỏ hơn ở Syria thì hoạt động động lập trong vùng chiến sự, còn những nhóm tại Iraq thì kiểm soát khu vực phía nam đầy dầu mỏ.
Chính các quan chức Mỹ cũng đang gặp khó khăn trong việc cụ thể hóa chính sách chống Iran của Washington, bên ngoài sự trừng phạt kinh tế mà chính quyền ông Trump chính thức tái áp đặt với quốc gia Hồi giáo vào tháng 11.
Mọi chuyện càng khó khăn hơn khi ông Trump vào tháng trước, bất chấp ý kiến của các cố vấn, bất ngờ quyết định rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ khỏi Syria sau khi tuyên bố cuộc chiến chống lại IS đã thành công. Rõ ràng đối với Mỹ, sự hiện diện quân sự ở Syria không chỉ đơn thuần là để chống lại IS, mà còn để kiềm tỏa sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Tehran với Damascus. Đây cũng chính là mục tiêu mà ông Pompeo muốn các đồng minh Arab ở khu vực hướng đến.
Vị ngoại trưởng cũng không nêu ra một kế hoạch cụ thể nào mà Mỹ muốn các đồng minh áp dụng để tiêu diệt các nhóm vũ trang thân Iran. Ông Pompeo chỉ cho biết Iran muốn kiểm soát "5 thủ đô", gợi ý những chính phủ ở Iraq, Lebanon, Syria, Yemen và Iran.
Ông Pompeo phát biểu trước các phóng viên tại thủ đô Cairo, Ai Cập vào ngày 10/1. Ảnh: Reuters. |
Nhìn chung, thông điệp của ông Pompeo nhận được sự ủng hộ bởi các lãnh đạo Arab Sunni. Họ thường coi Iran, một quốc gia theo dòng Shia, là mối đe dọa chính ở khu vực.
Phát biểu tại thủ đô Amman, Ngoại trưởng Jordan, ông Ayman Safadi cho biết: "Chúng ta đều có vấn đề với những chính sách bành trướng của Iran ở khu vực. Tất cả các quốc gia Arab, và tôi nghĩ Mỹ cũng vậy, đều muốn mối quan hệ lành mạnh dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của bên kia, cùng với việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác".
Tại Cairo, ông Pompeo cho rằng Egypt, Oman, Kuwait và Jordan là "công cụ quan trọng ngăn chặn các nỗ lực trốn tránh lệnh trừng phạt của Iran". Ngoại trưởng Mỹ cho biết Bahrain đang làm việc để chống lại các "hoạt động bất hợp pháp trên biển" của Iran.
Mặc dù ông Pompeo chưa đề nghị các quốc gia Arab ngoài vùng chiến sự gửi quân đến chiến đấu với những nhóm vũ trang thân Iran, ngoại trưởng Mỹ để ngỏ khả năng nước này sẽ giúp đỡ các đồng minh khu vực thành lập một liên minh quân sự tiến vào thế chỗ lính Mỹ ở Syria.
Thực tế, việc tiến hành chiến tranh trên bộ không hẳn là một phương án hiệu quả, điều này đã được chứng minh tại Yemen. Saudi Arabia, một trong những quốc gia chi nhiều tiền mua vũ khí nhất thế giới, không thể đánh bại phiến quân Houthi được hậu thuẫn bởi Iran trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2015 tới nay, và còn gây ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử.
Những mối quan hệ phức tạp
Cùng với đó, để tạo nên một liên minh quân sự Arab chống Iran, các quốc gia khu vực sẽ phải giải quyết rất nhiều khác biệt về mặt kinh tế, chính trị và quân sự.
Phương tiện quân sự của Mỹ tại Syria, được canh giữ bởi các dân quân người Kurd. Việc ông Trump quyết định rút quân khỏi nước này được cho là tin tốt lành đối với Tehran. Ảnh: Reuters. |
Ông Marwan Muasher, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại viện Nguồn lực cho Hòa bình Quốc tế Carnegie nhận định: "Nếu bạn nói về những hợp tác nhất định trong một vài lĩnh vực, điều đó đã diễn ra rồi, nhưng nếu bạn muốn thiết lập một liên minh quân sự, một NATO của thế giới Arab, tôi nghĩ đó là điều không có triển vọng". Chuyên gia này, người cũng là cựu ngoại trưởng Jordan, cho rằng "các yếu tố cần thiết không xuất hiện".
Ông Muasher trích dẫn một vài lý do: mâu thuẫn giữa các quốc gia như Saudi Arabia và Qatar, việc không thể hợp nhất quân đội các nước Arab, sự không đồng nhất trong các quy tắc chỉ huy, và một thực tế là không phải tất cả đồng minh Arab của Mỹ đều coi Iran ở cùng một mức độ đe dọa.
Chuyên gia này nhận xét: "Tôi không thấy tại sao một quốc gia nhỏ như Jordan, với nguồn lực có hạn, lại tham gia vào một liên minh quân sự". Cựu ngoại trưởng Jordan cũng cho rằng: "Iran không được nhìn nhật với ánh mắt tích cực bởi nhiều quốc gia trong khu vực, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ tham gia vào một liên minh quân sự chống lại nước này. Tôi không nghĩ ý tưởng này sẽ thu hút nhiều nước ngoại trừ Saudi Arabia".
Saudi Arabia cùng với UAE đang lãnh đạo một phong trào chống Iran ở khu vực. Thái tử Mohammed bin Salman từng so sánh nhà lãnh đạo tối cao của Iran với Hitler, và từng đe dọa sẽ kích ngòi bạo lực bên trong Iran. Điều này khiến cho nhà lãnh đạo 34 tuổi trở thành người mà những nhân vật diều hâu trong chính quyền Trump tìm tới. Thái tử MBS cũng dẫn đầu một nỗ lực giảm bớt căng thẳng giữa Saudi Arabia và Israel, quốc gia có chung quan điểm chống Iran mạnh mẽ.
Ai Cập và Jordan, mặc dù coi Iran là kẻ thù, nhưng không cảm thấy mối đe dọa trực tiếp từ nước cộng hòa Hồi giáo, và không muốn nhận lấy rủi ro khi đối đầu Tehran. Một số quốc gia vùng vịnh nhỏ hơn như Kuwait, Bahrain và Oman, vẫn giữ quan hệ ngoại giao và thương mại với Iran và nhiều khả năng sẽ tránh khỏi các hành động thù địch với nước này.
Còn Iraq là quốc gia có đa số dân theo dòng Shia, nước này cũng có đường biên giới dài và mối quan hệ văn hóa, tôn giáo và chính trị sâu rộng với Iran. Chính quyền ông Trump từ lâu đã thúc giục Iraq cắt đứt quan hệ thương mại với Iran, và đề nghị Saudi Arabia cùng những quốc gia Arab khác giúp đỡ phát triển kinh tế Iraq.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Iraq Barham Saleh trong cuộc gặp tại Baghdad vào ngày 9/1. Ảnh: AFP. |
"Có rất nhiều thứ liên quan đến kinh tế chúng tôi có thể làm để giúp Iraq đứng trên đôi chân mình, điều sẽ cho phép họ trở nên độc lập hơn, có kiểm soát tốt hơn, trở nên tự chủ hơn", ông Pompeo phát biểu vào ngày 14/1.
Nhưng vấn đề là mặc dù chính phủ Iraq đã từng bước tách ra khỏi Tehran, việc chống lại Iran lại là một chuyện hoàn toàn khác, và Baghdad không hề thể hiện xu hướng đó.
Vào tháng 11/2018, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi từng nói: "Iraq không phải là một phần trong hệ thống cấm vận của Mỹ và Iraq không phải là một phần trong hệ thống tấn công bất cứ quốc gia nào".
Ông Mowaffak al-Rubaie, cựu cố vấn an ninh quốc gia Iraq, nhận định Ngoại trưởng Pompeo đã có một cái nhìn phiến diện với tình hình Trung Đông. Chuyên gia này nói: "Có nhiều vấn đề khác ngoài Iran, nhưng họ bị ám ảnh bởi Iran. Nếu có hai con cá đánh nhau ở sông Tigris, lỗi cũng là của Iran".
Chuyên gia này cũng cho rằng Iraq vốn đã có cuộc chiến với Iran trong những năm 1980, và trải qua thêm vài cuộc chiến khác cho đến lúc này nên không hề mong muốn tham gia một cuộc chiến nữa.
"Tôi không muốn trở thành nạn nhân của một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran hoặc một cuộc chiến giữa Saudi Arabia và Iran. Tôi chẳng được gì từ đó cả", ông al-Rubaie nhận xét.