Một loại vũ khí mạnh mẽ đang tràn ngập chiến trường Trung Đông, đe dọa ngay cả những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực tinh vi nhất, làm gia tăng khoảng trống trong sự chuẩn bị của quân đội Mỹ để đối phó với chúng, Wall Street Journal cho biết.
Tên lửa chống tăng có điều khiển, còn gọi là ATGM được phát triển cách đây nhiều thập niên. Tuy vậy, những năm gần đây, các tiến bộ công nghệ đã làm cho nó trở nên dễ sử dụng và tràn lan trên thị trường chợ đen, khiến chúng trở thành mối đe dọa đáng sợ và ít được nhắc đến đối với quân đội Mỹ.
Vũ khí Mỹ đe dọa chính họ
Sự phổ biến của ATGM bắt nguồn từ những nỗ lực của các cường quốc như Nga, Mỹ và Iran để trang bị và huấn luyện cho các lực lượng chiến đấu ủy nhiệm, bằng cách chuyển giao tên lửa chống tăng và các vũ khí khác cho họ. Tuy vậy, một số lượng lớn ATGM chuyển giao cho các tổ chức đối lập đã rơi vào tay các tổ chức khủng bố và được sử dụng để chống lại chính quân đội Mỹ.
Đơn cử là chương trình của Mỹ vào giữa năm 2013 để cung cấp ATGM cho phiến quân chống lại quân đội chính phủ Syria. Tổng thống Donald Trump sau đó đã hủy chương trình. Trong cuộc phỏng vấn của Wall Street Journal vào năm 2017, Tổng thống Trump nói rằng chương trình này khiến vũ khí rơi vào tay al Qaeda.
Phiến quân IS với tên lửa chống tăng gắn phía sau xe bán tải. Ảnh: WSJ. |
Omar Lamrani, nhà phân tích quân sự cao cấp, thuộc công ty tình báo quốc phòng có trụ sở tại Austin, Texas, nói rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, al Qaeda và nhiều nhóm phiến quân khác đang sở hữu tên lửa chống tăng do Mỹ sản xuất.
Không giống súng phóng lựu chống tăng thông thường, có tầm bắn khoảng vài trăm mét và không thể điều khiển, ATGM hiện tại có thể bắn cách mục tiêu trên 1 km, sau đó lái nó đến mục tiêu bằng cách điều khiển giống như trò chơi video.
John Gordon, nhà phân tích thuộc Tập đoàn Rand (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), cho biết ATGM hiện đại có thể xuyên thủng lớp thép cán dày tới 1.000 mm. Ông cho biết thêm không có gì trên chiến trường có thể an toàn với loại vũ khí này.
Quân đội Mỹ đang gấp rút tiến hành chương trình trang bị cho các phương tiện chiến đấu bọc thép với giáp tiên tiến, được thiết kế để chống lại mối đe dọa từ ATGM. Trong khi đó, Tổng thống Trump đã ra lệnh rút quân khỏi Syria, hiện có hơn 2.000 lính Mỹ ở đó, 5.000 lính Mỹ ở Iraq, 14.000 ở Afghanistan và ở một số quốc gia khác tại Trung Đông, châu Phi.
Mỹ tụt hậu về công nghệ phòng vệ
Israel đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc đưa ra các biện pháp phòng vệ chống ATGM, khi quân đội nước này phải chiến đấu với mối đe dọa từ tên lửa chống tăng trong hơn một thập niên qua. Cùng thời gian, quân đội Mỹ chiến đấu với kẻ thù thường sử dụng mìn tự chế, súng phóng lựu chống tăng thay vì tên lửa.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams của Mỹ lắp hệ thống APS Trophy của Israel. Ảnh: US Army. |
Israel đã phát triển thành công hệ thống phòng vệ chủ động (APS) Trophy, cho phép đối phó hiệu quả với mối đe dọa từ ATGM. Trophy là hệ thống phòng vệ công nghệ cao được trang bị cảm biến tiên tiến để phát hiện vũ khí chống tăng bắn đến và phóng khối đánh chặn để phá hủy tên lửa.
“Hầu hết thời gian chúng tôi chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, chúng tôi không quá bận tâm đến mối đe dọa từ tên lửa chống tăng”, đại tá Glenn Dean, giám đốc dự án Đội chiến đấu lữ đoàn Stryker, quân đội Mỹ cho biết.
Vào năm 2009, khi Israel tạo ra bước đột phá với hệ thống APS, Lầu Năm Góc đã phát động chương trình trị giá hàng tỷ USD được gọi là Hệ thống chiến đấu tương lai được trang bị giáp phòng vệ chủ động. Quân đội đã làm việc trên công nghệ này từ những năm 1950, nhưng cuối cùng vẫn phải dựa vào hệ thống giáp của Israel cho các phương tiện chiến đấu chủ lực, làm chậm sự phát triển công nghệ bản địa.
Các quan chức quân đội, giới phân tích đổ lỗi cho các chương trình phát triển giáp bị đình trệ do hệ thống mua hàng phức tạp của quân đội. Năm 2014, quân đội Mỹ đã đưa ra chương trình theo dõi nhanh sự phát triển của các hệ thống giáp tiên tiến cho nhiều loại phương tiện chiến đấu khác nhau.
Wayne Beutle, phó giám đốc dự án Khả năng sống sót trên mặt đất của quân đội, cho biết chương trình đã mang lại kết quả tích cực, một phần bằng cách tìm ra lý do tại sao các chương trình trước đó không được lựa chọn.
Trong khi các giải pháp nội địa đang được tiến hành, quân đội Mỹ tiếp tục dựa vào các hệ thống thương mại của Israel vì nhu cầu cấp bách trước mắt. Đầu năm 2018, quân đội Mỹ đã hủy bỏ hợp đồng với một công ty trong nước để trang bị lại cho xe chiến đấu bộ binh Stryker, với lý do kém hiệu quả trong các thử nghiệm.
Quân đội Mỹ đang thử nghiệm trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Trophy của Israel cho xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams.