Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngoại trưởng Mỹ gây sức ép với Trung Quốc về Tân Cương, Hong Kong

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 5/2 lần đầu điện đàm với ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, người được xem là quan chức ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh.

Đây cũng là cuộc điện đàm đầu tiên giữa các quan chức hàng đầu của hai bên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hôm 20/1.

Trong cuộc điện đàm, ông Blinken tái khẳng định Washington sẽ làm việc với các đồng minh để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành động đe dọa tới sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm eo biển Đài Loan.

Ngoại trưởng Mỹ cũng hối thúc Trung Quốc lên án vụ chính biến ở Myanmar, theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trên Twitter, ông Blinken nói về cuộc điện đàm: "Tôi đã nói rõ rằng Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ các giá trị dân chủ và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng hệ thống quốc tế".

Ngoai truong My gay suc ep voi Trung Quoc ve Tan Cuong,  Hong Kong anh 1

Ngoại trưởng Blinken và ông Dương Khiết Trì. Ảnh: Kyodo.

Trong khi đó, theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương nói với ông Blinken rằng Mỹ nên "sửa chữa" những sai lầm gần đây của mình, và hai bên phải tôn trọng hệ thống chính trị và con đường phát triển của nhau.

Quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ dưới thời chính quyền Trump.

Các quan chức Trung Quốc bày tỏ sự lạc quan một cách dè dặt rằng mối quan hệ sẽ được cải thiện dưới thời ông Biden.

Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến hôm thứ 2/2, ông Dương Khiết Trì nói ông hy vọng quan hệ giữa hai nước sớm trở lại quỹ đạo có thể dự đoán được và mang tính xây dựng.

Song ông kêu gọi Mỹ "ngừng can thiệp" vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, bao gồm Tân Cương, Hong Kong và Tây Tạng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân hôm 5/2 cũng cho biết "lợi ích chung của hai nước lớn hơn những khác biệt" và kêu gọi Mỹ "gặp Trung Quốc" để cải thiện quan hệ.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 4/2 bày tỏ lo ngại đặc biệt về tình hình ở Tân Cương.

Bản thân ông Biden không tỏ ra khẩn trương với việc ngồi xuống đối thoại với Bắc Kinh. Ông mô tả Trung Quốc "đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của chúng tôi".

Ông Biden cũng nói Washington sẽ tiếp tục đối đầu với những "cuộc tấn công của Trung Quốc vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu".

"Nhưng chúng tôi sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh trong những vấn đề mà Mỹ có lợi ích", ông Biden nói.

Ông Blinken, trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ trước khi được phê chuẩn cho vị trí ngoại trưởng, đã nói sẽ duy trì cách tiếp cận của chính quyền Trump về Trung Quốc.

Trong bài xã luận hôm 6/2, Hoàn Cầu Thời báo, phụ san của Nhân Dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, nói họ dự đoán chính quyền Biden sẽ tiếp tục duy trì giọng điệu cứng rắn, nhưng đồng thời sẽ cải thiện hợp tác trong một số lĩnh vực.

"Điều này rõ ràng là khác với giai đoạn sau của chính quyền Trump, vốn chỉ thúc đẩy sự đối kháng giữa Trung Quốc và Mỹ", bài xã luận viết.

Ông Biden sẽ thắt chặt liên minh với Nhật để kiềm tỏa Trung Quốc?

Để đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải dựa vào hệ thống đồng minh, đặc biệt là Nhật Bản.

Ông Biden: Mỹ sẽ đối đầu với Trung Quốc trên nhiều mặt trận

Trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại, Tổng thống Joe Biden nói Trung Quốc là "đối thủ đáng gờm nhất" của Mỹ và tuyên bố sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm