Nhà khoa học chính trị Joseph Nye từng là hiệu trưởng Trường Chính sách công John F. Kennedy tại Đại học Harvard. Trong bài viết mới nhất trên Project Syndicate, ông Nye cho rằng hai nước Mỹ - Nhật đang cần nhau hơn bao giờ hết. Cùng nhau, liên minh này có thể vừa cân bằng quyền lực của Trung Quốc, vừa hợp tác với đại lục trên nhiều vấn đề.
Zing giới thiệu bài viết của ông Joseph Nye:
Cách thức xử lý mối quan hệ gai góc với Trung Quốc sẽ là một trong những vấn đề định hình nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Sau cuộc chạy đua ồn ào nhiều tranh cãi, ông Biden bước vào Nhà Trắng và thừa hưởng mối quan hệ Mỹ - Trung đang trong trạng thái tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Ông Joseph Nye là người đồng sáng lập thuyết chủ nghĩa kinh tế tự do mới, các khái niệm về phụ thuộc lẫn nhau phi đối xứng, và đưa ra thuật ngữ quyền lực thông minh. Ảnh: ĐH Georgetown. |
Một số người đổ lỗi cựu Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm cho trạng thái quan hệ song phương hiện nay.
Trên thực tế, ông Trump đáng bị chỉ trích vì đổ thêm dầu vào ngọn lửa trong quan hệ hai nước. Nhưng chính Bắc Kinh là người châm ngòi cho ngọn lửa ấy.
Trung Quốc ngày càng quyết đoán
Suốt thập niên qua, Trung Nam Hải đã từ bỏ chính sách "thao quang dưỡng hối, giấu mình chờ thời" của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Bắc Kinh trở nên quyết liệt hơn trên nhiều mặt trận.
Trên biển, Trung Quốc đẩy mạnh bồi đắp trái phép, quân sự hóa các thực thể nhân tạo ở Biển Đông, cũng như không ngần ngại triển khai lực lượng áp sát vùng biển Nhật Bản và Đài Loan.
Mới đây, Bắc Kinh thông qua luật hải cảnh mới, cho phép lực lượng chấp pháp nổ súng vào tàu nước ngoài.
Bước đi này vấp phải sự phản đối của các quốc gia trong khu vực, với nguy cơ "làm rung chuyển trật tự dựa trên luật pháp quốc tế".
Trung Quốc cũng liên tục va chạm ở khu vực biên giới với Ấn Độ và Bhutan, "chèn ép" Australia, Hàn Quốc về kinh tế khi các nước này mâu thuẫn với Bắc Kinh.
Trung Quốc ngày càng quyết liệt ở Biển Đông và Hoa Đông. Ảnh: Reuters. |
Trong lĩnh vực thương mại, Trung Quốc làm biến dạng thị trường thông qua trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, cưỡng ép công ty nước ngoài chuyển giao tài sản trí tuệ và bí mật kinh doanh.
Khi nắm quyền, ông Trump đáp trả "vụng về" bằng thuế quan đánh vào Trung Quốc và cả các đồng minh.
Dẫu vậy, cựu tổng thống nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng khi trừng phạt Huawei - tập đoàn Trung Quốc ôm tham vọng xây dựng mạng lưới 5G có thể tạo ra mối đe dọa an ninh cho Mỹ.
Bất chấp cách hành xử của Bắc Kinh, không thể phủ nhận mối ràng buộc trên nhiều phương diện giữa Mỹ và Trung Quốc, từ kinh tế tới các vấn đề toàn cầu như môi trường. Washington sẽ phải trả cái giá khổng lồ nếu cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô hầu như không có sự phụ thuộc lẫn nhau. Trái lại, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung là khoảng 500 tỷ USD mỗi năm.
Quan trọng hơn, Trung Quốc đã học được cách biến sức mạnh của thị trường thành năng lực kiểm soát về chính trị, theo cách Liên Xô chưa bao giờ đạt được. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại của hầu như tất cả quốc gia trên thế giới.
Mỹ dựa vào các đồng minh
Với quy mô dân số khổng lồ và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, những người bi quan tin rằng không ai có thể can thiệp và điều chỉnh hành vi của Trung Quốc.
Nhưng khẳng định ấy không còn đúng nếu Mỹ có thể huy động được các đồng minh. Sức mạnh tổng hợp của các nước phát triển gồm Mỹ, Nhật Bản và EU vượt xa Trung Quốc.
Điều này củng cố tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật đối với ổn định và thịnh vượng ở Đông Á, cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều quốc gia từ cả hai phe cho rằng liên minh chỉ còn là di sản của quá khứ. Nhưng thực tế, hệ thống liên minh đóng vai trò sống còn trong tương lai.
Các chính quyền Mỹ từng hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một "bên có trách nhiệm" trong trật tự quốc tế. Nhưng Bắc Kinh đã đi theo con đường khác, và đối đầu với Washington nhiều hơn so với Mỹ kỳ vọng.
Một thế hệ trước, Mỹ hỗ trợ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng, thay vì đáp lại tấm lòng của Washington, Bắc Kinh lợi dụng cơ chế WTO để thao túng sân chơi thương mại, qua đó giành lợi thế kinh tế.
Tại Mỹ, các ý kiến chỉ trích cáo buộc các đời tổng thống như Bill Clinton và George W. Bush quá ngây thơ khi tin rằng chính sách can dự có thể làm hài lòng và lôi kéo Trung Quốc.
Bắc Kinh đã từ bỏ chiến lược "thao quang dưỡng hối - giấu mình chờ thời". Ảnh: Reuters. |
Nhưng lịch sử không đơn giản như vậy. Ngoài theo đuổi hợp tác với Bắc Kinh, chính sách can dự của Clinton cũng nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản, để cân bằng sự trỗi dậy địa chính trị của Trung Quốc.
Ở Đông Á, ba thế lực lớn nhất hiện diện là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Và nếu Mỹ phối hợp chặt chẽ với Nhật, hai nước có cơ hội định hình môi trường khu vực trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Nếu Trung Quốc tìm cách "hất cẳng" Mỹ khỏi chuỗi đảo thứ nhất, như một phần của chiến lược xóa bỏ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực, Tokyo sẽ trở thành nhân tố chủ chốt ngăn chặn Bắc Kinh.
Nhật Bản tới nay vẫn sẵn sàng cho phép Mỹ đồn trú 50.000 quân ở các căn cứ quân sự tại nước này.
Mỹ - Nhật cần nhau
Liên minh với Nhật Bản nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Washington. Kể từ năm 2000, cựu Ngoại trưởng Richard Armitage và các chuyên gia về chính trị Đông Á đã đưa ra một loạt báo cáo về quan hệ chiến lược giữa hai nước.
Trong báo cáo công bố ngày 7/12/2020, các tác giả nhấn mạnh Nhật Bản, cũng như các nước châu Á khác, không chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc.
Tokyo giờ đóng vai trò đầu tàu trong xây dựng chương trình nghị sự của khu vực, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do và hợp tác đa phương, thực thi các chiến lược mới để định hình trật tự khu vực.
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe từng dẫn đầu chiến dịch diễn giải lại Điều 9 trong hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, nhằm củng cố năng lực quốc phòng của nước nước này, trong khuôn khổ phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản tìm cách giữ lại những gì có thể của hiệp định, dẫn dắt 10 nước đối tác ký kết phiên bản mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nhật Bản cũng tích cực thúc đẩy các hợp tác của nhóm Bộ Tứ, cùng Mỹ, Ấn Độ và Australia, để cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Chính quyền của Thủ tướng Suga sẽ tiếp tục chính sách dẫn dắt khu vực của người tiền nhiệm. Ảnh: Reuters. |
May mắn với Mỹ, chính sách khu vực của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Yoshihide Suga nhiều khả năng sẽ tiếp nối những đời trước. Các lợi ích và giá trị dân chủ tương đồng tiếp tục là nền tảng cho quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản.
Các cuộc thăm dò dư luận ở Nhật Bản cho thấy niềm tin của công chúng vào Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Suga là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên nhận được điện thoại từ Tổng thống Biden sau lễ tuyên thệ.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden bảo đảm Mỹ tiếp tục duy trì cam kết đối với quan hệ đối tác chiến lược cùng Nhật Bản.
Quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật nhận được sự ủng hộ của người dân cả hai nước, bởi chưa bao giờ hai bên cần nhau hơn lúc này.
Phối hợp cùng nhau, Mỹ và Nhật có thể cân bằng sức mạnh với Trung Quốc, cũng như hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, đa sạng sinh học, ứng phó đại dịch Covid-19, hay duy trì trật tự kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ.
Vì những lý do này, khi chính quyền Tổng thống Biden xây dựng chiến lược đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, quan hệ đồng minh với Nhật Bản sẽ là ưu tiên hàng đầu.