Lực lượng cứu hộ Trung Quốc giải cứu thành công 11 thợ mỏ. Họ đã mắc kẹt dưới lòng đất trong hai tuần sau một vụ nổ mỏ vàng ở tỉnh Sơn Đông, CCTV đưa tin. Các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn lại trước khi quá muộn. Ảnh: Xinhua. |
Hình ảnh ghi lại tại hiện trường cho thấy thợ mỏ đầu tiên được đưa ra bên ngoài vào sáng ngày 24/1. Anh này được bịt mắt bằng băng đen để làm quen dần với ánh sáng. Người này được miêu tả là "rất yếu", CCTV cho biết. Ảnh: Xinhua. |
Trong vài giờ sau đó, 10 thợ mỏ khác lần lượt được đưa lên mặt đất từ các vị trí khác nhau của hầm mỏ. Một người trong nhóm thợ bị thương, một số khác có thể đi lại được. Những người này đều được xe cứu thương đưa tới bệnh viện. Ảnh: Xinhua. |
22 người thợ mắc kẹt trong mỏ vàng dưới lòng đất ở Thê Hà, tỉnh Sơn Đông, sau vụ nổ hầm mỏ hôm 10/1. Lực lượng cứu hộ lần đầu liên lạc được với nhóm 11 thợ mỏ tại khu vực sâu 580m dưới lòng đất từ tuần trước. Ảnh: Xinhua. |
Đội cứu hộ đã đưa đồ ăn, nước sạch, thuốc men và nhu yếu phẩm khác xuống lòng đất để tiếp tế cho nhóm thợ mỏ. Máy dò sự sống và đồ tiếp tế cũng được đưa xuống các vị trí khác, với hy vọng đến được với những người thợ đang mất tích. Ảnh: Xinhua. |
Thợ mỏ đầu tiên được giải cứu từ một khu vực nằm gần mặt đất hơn so với những người còn lại trong nhóm. Hình ảnh do truyền thông Trung Quốc công bố hôm 24/1 cho thấy lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục khoan xuống sâu hơn. Ảnh: Xinhua. |
Tới thời điểm hiện tại, ít nhất một thợ mỏ còn mắc kẹt được xác định đã tử vong. Người này bị thương nặng ở phần đầu sau vụ nổ hôm 10/1. Chín thợ mỏ khác vẫn đang mất tích. Lực lượng cứu hộ tới nay chưa liên lạc được với nhóm này. Hy vọng tìm thấy họ đang ngày càng mong manh. Ảnh: Xinhua. |
Tai nạn tại các hầm mỏ thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc do điều kiện lao động kém, trong khi các công ty đầu tư thường không tuân thủ quy định về an toàn. Trước đó, 23 thợ mỏ thiệt mạng sau khi mắc kẹt dưới lòng đất tại khu mỏ ở thành phố Trùng Khánh hồi tháng 12/2020. Ảnh: AP. |