Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Ngoại trưởng Zarif cảnh báo Mỹ đang "chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm" khi gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực. Ông cũng lên án quyết định điều động đội tác chiến tàu sân bay hạt nhân USS Abraham Lincoln đến vùng Vịnh.
"Bản thân việc tập trung toàn bộ số khí tài quân sự này vào một khu vực nhỏ dễ dẫn đến tai nạn. Các bên cần cực kỳ thận trọng, còn Mỹ đang chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm", ông cảnh báo.
Ngoại trưởng Iran cũng chỉ trích Mỹ là bên đầu tiên xé bỏ thỏa thuận hạt nhân đa phương - Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), được Iran, Đức và năm nước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ký vào năm 2015.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AP. |
"Chúng tôi hành xử có thiện chí. Chúng tôi không sẵn lòng đối thoại với những người phá vỡ lời hứa của mình", ông Zarif nhấn mạnh.
Đầu tháng 5, Tổng thống Trump từng mở lời kêu gọi phía Iran gọi điện cho ông. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ ngày 19/5 chuyển sang giọng điệu cứng rắn tương tự các trợ lý của mình. Ông cảnh báo "nếu Iran muốn đánh nhau thì đó sẽ là cái kết của họ". Tổng thống Trump cũng nhắc nhở chính quyền Tehran "đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ thêm lần nữa".
Đáp lại phát biểu mới nhất của Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh đất nước Iran sẽ không cúi đầu trước những lời đe dọa.
"Iran không bao giờ đàm phán dưới sự cưỡng ép. Bạn không thể đe dọa bất kỳ người Iran nào rồi kỳ vọng họ chịu mở lời. Cách duy nhất là thông qua sự tôn trọng, chứ không phải đe dọa", ông cho biết.
Tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz USS Abraham Lincoln. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Ngoại trưởng Iran đồng thời cảnh báo mọi hành động leo thang sẽ chuốc lấy "hậu quả đau đớn".
Tuy nhiên, ông khẳng định chính quyền Tehran không muốn leo thang. Quan chức ngoại giao hàng đầu Iran kêu gọi chấm dứt ngay "chiến tranh kinh tế", chỉ trích các lệnh trừng phạt hiện hành "tước đoạt sinh kế của người dân".
Chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani giữa tháng 5 tuyên bố Iran sẽ rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân. Ông cho các thành viên còn lại của thỏa thuận là Đức, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đến ngày 7/7 phải nới lỏng hàng rào cấm vận kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực dầu khí và ngân hàng của nước này. Tehran cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả nếu yêu cầu không được đáp ứng.
Giới phân tích đánh giá các thành viên châu Âu của JCPOA đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ buộc phải lựa chọn theo bước Tổng thống Trump và từ bỏ thỏa thuận, hoặc duy trì cam kết nới lỏng trừng phạt nhưng đối diện biện pháp đáp trả từ Mỹ.