"Nếu Iran muốn chiến tranh, đó sẽ là điểm kết thúc chính thức của họ. Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ thêm lần nữa", ông viết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Mỹ vừa triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay cùng máy bay ném bom B-52 đến Vùng Vịnh để đối phó với điều mà Washington gọi là "mối đe dọa từ Iran". Cục Hàng không Liên bang Mỹ cảnh báo máy bay thương mại đi qua Vùng Vịnh có nguy cơ bị "xác định nhầm" trong bối cảnh căng thẳng này.
Trong khi đó, hôm 18/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã giảm nhẹ nguy cơ chiến tranh khi nói rằng Tehran phản đối một cuộc chiến, nhưng cảnh báo những ai "ảo tưởng" rằng có thể đánh bại Iran.
"Chúng tôi chắc chắn... sẽ không có chiến tranh vì chúng tôi không muốn một cuộc chiến tranh, nhưng cũng vì không ai có ảo tưởng rằng họ có thể đối đầu Iran trong khu vực này", hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA dẫn lời ông nói trong lúc thăm Trung Quốc.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngày 18/5 cáo buộc chính quyền Iran tìm cách gây bất ổn tại khu vực.
"Saudi Arabia không muốn chiến tranh và không tìm kiếm chiến tranh tại khu vực. Chúng tôi sẽ làm mọi việc để ngăn chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tái khẳng định rằng, trong trường hợp bên còn lại chọn chiến tranh, vương quốc sẽ đáp trả với toàn bộ sức mạnh và quyết tâm, bảo vệ bản thân mình và các lợi ích của mình", ngoại trưởng Saudi nhấn mạnh.
Quan hệ Mỹ và Iran xuống dốc trở lại vào năm 2018, khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran dù các cơ quan giám sát không công nhận cáo buộc của Mỹ rằng Iran vi phạm thỏa thuận. Hồi đầu tháng này, Iran tuyên bố ngừng thi hành một số điều khoản trong thỏa thuận.
Iran cũng cho biết nếu châu Âu không có động thái để bảo vệ họ khỏi các lệnh trừng phạt trong 60 ngày, nước này sẽ trở về việc làm giàu uranium ở mức cao, mở đường cho các chương trình hạt nhân.
Thỏa thuật hạt nhân năm 2015 đạt được giữa Iran và nhóm P5+1, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức.