Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ngoại giao Việt Nam biến 'nguy' thành 'cơ' giữa năm đại dịch

"Bộ Ngoại giao không để dịch bệnh Covid-19 cản trở đà hội nhập quốc tế đang lan tỏa tích cực tại các địa phương trong thời gian qua", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn viết.

cong tac ngoai giao Viet Nam anh 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Thế giới & Việt Nam.

Nhân dịp tổng kết năm 2020 và định hướng năm 2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có bài viết về công tác đối ngoại địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Zing giới thiệu toàn văn bài viết.

Năm 2020, sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động to lớn chưa từng thấy trên phạm vi toàn cầu, làm đảo lộn nhiều chu trình kinh tế - xã hội, đẩy kinh tế thế giới vào khủng hoảng, đình trệ sản xuất và thương mại, thách thức tiến trình toàn cầu hóa và làm gia tăng cọ xát, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong môi trường quốc tế và khu vực đầy thách thức và khó khăn như vậy, Bộ Ngoại giao đã sớm chủ động hướng dẫn, phối hợp với các địa phương nắm bắt diễn biến tình hình, bám sát các nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của đất nước và địa phương, khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án triển khai công tác đối ngoại phù hợp với tình hình mới và các tình huống phát sinh.

Bộ Ngoại giao đảm bảo triển khai đồng đều công tác đối ngoại địa phương trên mọi các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin tuyên truyền, biên giới lãnh thổ, lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác phi chính phủ nước ngoài.

Trong đó, nổi lên là công tác phối hợp, hỗ trợ các địa phương chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng các cấp, ứng phó kịp thời và hiệu quả với đại dịch Covid-19 và nỗ lực đồng hành cùng các địa phương duy trì đà hội nhập quốc tế tích cực, nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.

Kết quả triển khai trong năm 2020

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng như Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 của Bộ Ngoại giao và của các địa phương trên cả nước.

Ngay từ đầu năm, Bộ Ngoại giao đã tích cực đóng góp ý kiến vào các dự thảo báo cáo chính trị và các văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ cũng như các đề án xây dựng và phát triển các nhiệm vụ lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước.

Các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Bộ Ngoại giao tại các địa phương được tăng cường (99 chuyến công tác tới 48/63 tỉnh, thành) để trực tiếp trao đổi với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tình hình quốc tế và định hướng công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các kế hoạch đối ngoại từ trung ương tới địa phương đều bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động phải hủy, hoãn.

Nhưng với tinh thần sáng tạo và quyết tâm cao, Bộ Ngoại giao đã cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai công tác đối ngoại một cách linh hoạt, sáng tạo đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch và duy trì phục hồi, tăng trưởng kinh tế xã hội.

Trong công tác phòng chống dịch, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc, Lào, Campuchia phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và địa phương Việt Nam, các cơ quan và địa phương đối tác nước bạn triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để vừa giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh.

Những vấn đề được đặc biệt quan tâm là các vấn đề nhân đạo và y tế liên quan tới Covid-19, vừa đảm bảo duy trì ổn định đường biên, trật tự xã hội, an ninh y tế khu vực biên giới, trên cơ sở giữ vững chủ quyền, tuân thủ các quy định pháp lý và không làm ảnh hưởng đến không khí hợp tác chung.

Thực hiện tốt chỉ đạo của chính phủ về phòng chống dịch, Bộ Ngoại giao đã hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với nhiều địa phương trên cả nước thực hiện tốt công tác đón và tổ chức cách ly đối với công dân Việt Nam và khách quốc tế nhập cảnh, trong đó có nhiều đoàn khách cấp cao quan trọng của nước ngoài như đoàn thủ tướng Lào, thủ tướng Nhật Bản, ngoại trưởng Hàn Quốc, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ…

Với tinh thần biến “nguy” thành “cơ”, khi dịch Covid-19 lan rộng ra các nước trong khi nguồn thiết bị y tế khan hiếm, Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ các địa phương triển khai mạnh mẽ hoạt động hỗ trợ nhân đạo thiết bị và vật dụng y tế cho các địa phương đối tác nước ngoài.

cong tac ngoai giao Viet Nam anh 2

Các đại biểu dự khai mạc hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản 2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Theo thống kê sơ bộ, đã có gần 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của ta đã hỗ trợ cho gần 50 địa phương của 21 nước trên thế giới, được các đối tác nước ngoài trân trọng và đánh giá rất cao.

Việc làm này vừa thể hiện được tinh thần tương thân tương ái truyền thống của dân tộc Việt Nam, vừa góp phần quan trọng quảng bá thành tựu phòng chống dịch bệnh của nước ta bên cạnh tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước, con người, môi trường đầu tư kinh doanh và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, đặc biệt hơn là duy trì và củng cố quan hệ với các đối tác nước ngoài.

Không để dịch bệnh Covid-19 cản trở đà hội nhập quốc tế đang lan tỏa tích cực tại các địa phương trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực sáng tạo, hỗ trợ các địa phương đổi mới phương thức kết nối nhằm duy trì và tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch hợp tác.

Việc thúc đẩy xuất khẩu quả vải thiều Lục Ngạn của ta sang thị trường Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Sau nhiều nỗ lực đàm phán trong 5 năm giữa hai nước, theo kế hoạch Việt Nam sẽ bắt đầu xuất khẩu đặc sản này sang thị trường khó tính này từ mùa vải thiều năm 2020.

Hàng trăm hộ nông dân tại Bắc Giang đã nỗ lực chăm sóc vườn vải của mình theo các quy chuẩn nghiêm ngặt hơn một năm qua. Khi dịch Covid-19 bùng phát, tưởng như vải thiều Lục Ngạn sẽ “lỡ hẹn” với đất nước mặt trời mọc.

Nhưng với quyết tâm cao, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã thuyết phục phía Nhật Bản vận dụng tối đa mọi khả năng pháp lý và kỹ thuật của hai nước, vượt mọi khó khăn, đưa các chuyên gia Nhật Bản tới Bắc Giang trong tháng 6, thực hiện cách ly 2 tuần theo đúng quy định.

Sau đó, hai bên triển khai đúng tiến độ các khâu kiểm định đóng gói, khử khuẩn cuối cùng, để 200 tấn vải thiều tươi của Việt Nam chính thức đến với người tiêu dùng Nhật Bản.

Cùng lúc đó, nhiều tọa đàm, hội thảo quảng bá vải thiều Lục Ngạn được lên kế hoạch từ trước đã nhanh chóng được chuyển sang tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Thành công này không chỉ giúp giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc sản này tăng 40%, nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần khẳng định và nâng cao thương hiệu chất lượng nông sản Việt Nam trên thế giới.

Trong bối cảnh các kế hoạch trao đổi đoàn quốc tế bị ngưng trệ, Bộ Ngoại giao đã đề xuất và hỗ trợ các địa phương mở rộng duy trì kết nối, gặp gỡ, tọa đàm trực tuyến để thúc đẩy các chương trình hợp tác đang theo đuổi, tập trung củng cố và khai thác mạnh mẽ các đối tác nước ngoài có mặt tại Việt Nam, đặc biệt tạo điều kiện để các địa phương tiếp cận, kết nối tối đa với các đoàn cấp cao tới thăm Việt Nam trong năm qua.

Bộ đã vận động nhiều đại diện các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức và đối tác nước ngoài tại Việt Nam tới dự các hội nghị xúc tiến đầu tư mà một số địa phương đã tổ chức.

Riêng Bộ Ngoại giao đã chủ trì và phối hợp tổ chức trên 30 hội nghị, tọa đàm quốc tế trong chuỗi hoạt động năm ASEAN, giới thiệu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ”, “Giới thiệu địa phương”... mời đông đảo lãnh đạo các địa phương và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tham dự và tương tác, kết nối.

Song song với các sự kiện đó, các địa phương đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tạo điều kiện cho hơn 66 đoàn phóng viên nước ngoài với khoảng 400 lượt phóng viên vào tác nghiệp tại các địa phương, thường xuyên hỗ trợ địa phương trong công tác thông tin đối ngoại và kinh tế đối ngoại dưới nhiều hình thức.

Về mặt văn hóa đối ngoại, trong năm nay, Bộ Ngoại giao đã hướng dẫn tỉnh Đắk Nông xây dựng hồ sơ và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu.

Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các cơ quan trung ương liên quan xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận nhiều di sản văn hóa và ra nghị quyết vinh danh một số danh nhân Việt Nam.

Đó là các hồ sơ về công viên địa chất toàn cầu tại Phú Yên và Cao Bằng, khu dự trữ sinh quyền Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận và Kon Hà Nừng tỉnh Gia Lai, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, nghệ thuật Xòe Thái, nghệ thuật làm gốm của người Chăm, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, kỷ niệm 200 năm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Trong khi hoạt động đối ngoại, trao đổi đoàn bị ngưng trệ do dịch bệnh, Bộ Ngoại giao đã chủ động thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại, với hình thức linh hoạt, đa dạng và nội dung ngày càng phong phú, thiết thực nhằm củng cố nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại tại địa phương để đáp ứng được nhu cầu của công tác đối ngoại trong thời kỳ chiến lược mới của đất nước.

Năm 2020, đã có 78 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước cho khoảng 11.220 lượt lãnh đạo, cán bộ địa phương, tăng 32% so với năm 2019.

Về các mặt công tác khác, phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các địa phương trong giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, lãnh sự và bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài đã được thực hiện tốt.

Các hoạt động thiết thực của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của ta trên thế giới trong việc triển khai các hoạt động của địa phương năm nay đã đóng góp hiệu quả, đồng hành cùng các địa phương trong hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Một số định hướng trong năm 2021

Năm 2021 là năm sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, năm thứ hai nhiệm kỳ Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của nước ta.

Trên cơ sở yêu cầu và nhiệm vụ của hội nhập quốc tế ngày càng cao, kỳ vọng đối với đóng góp của công tác ngoại vụ địa phương trong sự phát triển của địa phương ngày càng lớn, Bộ Ngoại giao và tất cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương triển khai toàn diện công tác đối ngoại địa phương; trên tinh thần quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại về hội nhập quốc tế của Đảng, và tích cực hỗ trợ các địa phương thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thông qua các công tác cụ thể sau.

cong tac ngoai giao Viet Nam anh 3

Nhiều tọa đàm, hội thảo quốc tế đã được tổ chức trong năm qua. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Thứ nhất, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ xúc tiến kinh tế đối ngoại, kết nối mở rộng thị trường, thẩm định đối tác và hỗ trợ xử lý tranh chấp thương mại, đồng thời góp phần làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác song phương chiến lược và đa phương quan trọng mà ta đã thiết lập hoặc tham gia, bao gồm các hiệp định FTA thế hệ mới.

Thứ hai, hỗ trợ địa phương triển khai các chiến lược ngoại giao văn hóa trong thập niên mới, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại; phối hợp làm tốt công tác lãnh sự, phòng, chống di dân bất hợp pháp, bảo hộ công dân, ngư dân, tàu cá và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quan tâm, hỗ trợ bồi dưỡng các cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại tại địa phương theo các đề án về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại giai đoạn 2021-2025 mà thủ tướng phê duyệt.

Chúng ta có thể tin tưởng rằng công tác đối ngoại địa phương thời gian tới sẽ có những bước phát triển toàn diện hơn nữa, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của đất nước ta nói chung.

6 dấu ấn mang tầm quốc tế của y tế Việt Nam 2020

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch Covid-19. Điều đó chưa phải là tất cả.

Hàng không Việt Nam và năm 2020 đầy sóng gió

Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến 2020 trở thành năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng Việt Nam với những khoản lỗ kỷ lục của các hãng bay.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Bạn có thể quan tâm