Giới khoa học đang tiến hành các nghiên cứu nhằm phát triển những liều vaccine để đối phó trực tiếp với biến chủng Delta, Wall Street Journal đưa tin hôm 23/9.
Theo ông Matthew Johnson, Giám đốc cấp cao về phát triển sản phẩm tại Viện vaccine phòng bệnh Duke (Mỹ), nền tảng về ARN thông tin (mRNA) trong một số loại vaccine có thể giúp quá trình này trở nên đơn giản hơn.
Các nhà khoa học nói rằng vaccine theo công nghệ mRNA hiện tại có thể được điều chỉnh để đối phó với biến chủng Delta hiệu quả hơn.
Vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna sử dụng công nghệ mRNA. Ảnh: Reuters. |
Với khả năng lây lan nhanh, biến chủng Delta đã xuất hiện ở hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, và chiếm 98% các ca bệnh ở Mỹ.
Dù các loại vaccine Covid-19 được Mỹ cấp phép đã chứng tỏ khả năng bảo vệ khỏi các ca bệnh nặng, vaccine vẫn chưa đạt được hiệu quả 100%. Đôi khi, các ca bệnh "đột phá" (đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm Covid-19) vẫn xảy ra ở mức độ nhẹ.
Về lý thuyết, vaccine đưa vào cơ thể một phiên bản virus không gây hại. Bằng cách đó, hệ miễn dịch của con người nhận biết và có thể chống lại virus thực sự một khi chúng xâm nhập vào cơ thể.
Hiện tại, các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA là Moderna và Pfizer/BioNTech. Công nghệ này giúp cơ thể tạo ra các protein gai (vốn xuất hiện trên bề mặt của virus SARS-CoV-2, giúp chúng bám và lây nhiễm vào tế bào khỏe mạnh) để hệ miễn dịch nhận biết và hình thành kháng thể tiêu diệt.
Tuy nhiên, các loại vaccine hiện tại được phát triển dựa trên những chủng virus trong giai đoạn đầu của đại dịch. Trải qua nhiều thay đổi về gene, nCoV có nhiều biến chủng mới, bao gồm Delta.
Nghiên cứu của Robert F. Garry, một nhà virus học tại Đại học Tulane, cho thấy đột biến của Delta khiến kháng thể tạo ra sau khi tiêm vaccine khó nhận biết hơn. Đồng thời sự thay đổi cấu trúc protein của chủng này cũng khiến chúng tăng khả năng lây nhiễm.