Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vaccine làm nóng cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Việc phân phối vaccine không công bằng giữa các nước giàu và nghèo trở thành chủ đề nóng tại phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Sự thiếu công bằng trong việc phân phối vaccine Covid-19 khiến phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ trở nên nóng hơn, khi lãnh đạo các quốc gia châu Phi bước lên bục phát biểu, AP cho biết.

Cuộc chiến ngăn chặn đại dịch Covid-19 là trọng tâm trong các bài phát biểu của nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo trên thế giới. Lãnh đạo một số nước phải phát biểu từ xa vì Liên Hợp Quốc giới hạn số lượng người tham dự phiên họp, cho thấy sự phức tạp của đại dịch.

Lãnh đạo các nước đều thừa nhận sự chênh lệch trong việc phân phối vaccine. Một số giải pháp được đưa ra trong phiên họp trở nên bất khả thi.

“Một số quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn dân số của họ và đang trên đà phục hồi trở lại. Nhưng ở các nước nghèo, việc thiếu vaccine và hệ thống y tế yếu kém đặt ra vấn đề nghiêm trọng”, theo bài phát biểu được ghi âm của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg.

“Ở châu Phi, cứ 20 người thì chưa đến một người được tiêm chủng đầy đủ, trong khi ở châu Âu cứ hai người thì một người đã được tiêm chủng. Đây rõ ràng là một sự bất công”, Thủ tướng Solberg nói thêm.

Dai dich Covid-19 anh 1

Việc phân phối vaccine trở thành chủ đề nóng tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP.

Hôm 22/9, một hội nghị về tiêm chủng toàn cầu đã được triệu tập bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong cuộc họp này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết tặng thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer, nâng tổng số vaccine cam kết của Mỹ lên 1,1 tỷ liều. Tổng thống Biden đã đề ra mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào năm tới.

Động thái của Washington diễn ra khi lãnh đạo các nước trên thế giới, nhóm viện trợ và các tổ chức y tế chỉ trích tốc độ tiêm chủng toàn cầu quá chậm và sự bất bình đẵng trong việc phân phối vaccine.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chỉ 15% lượng vaccine mà các nước giàu cam kết đã được chuyển giao. WHO cho biết thêm họ muốn các nước giàu chia sẻ vaccine ngay lập tức, đảm bảo chương trình tiêm chủng cho các nước nghèo nói chung và khu vực châu Phi nói riêng.

Tổng thống Congo Felix Tshisekedi cho biết chỉ 1/1.000 người ở nước ông được tiêm một liều vaccine. “Sự chênh lệch về việc phân phối vaccine thể hiện sự bất bình đẵng giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới”, Tổng thống Tshisekedi nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bày tỏ sự thất vọng về chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế mà ông từng kỳ vọng trong năm 2020, khi việc chia sẻ vaccine toàn cầu thất bại.

Nhật Bản cam kết tặng thêm 30 triệu liều vaccine cho thế giới

Chính phủ Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản sẽ cung cấp thêm 30 triệu liều vaccine cho các nước trong nỗ lực đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine công bằng hơn.

Canada ngừng nhập vaccine Covid-19 vì dư thừa

Việc cung cấp thêm vaccine Covid-19 tới Canada đang bị tạm dừng vì các tỉnh đã có nhiều vaccine hơn nhu cầu hiện tại.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm