Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore - một cơ quan nhà nước - từng công bố báo cáo hồi tháng 5/2020 cho thấy khả năng virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cuộc điều tra về nguồn gốc virus vẫn là loại thông tin "mật", nên thông tin này chỉ lưu hành rất hạn chế, giữa những người có thẩm quyền.
Báo cáo không loại trừ khả năng virus phát triển trong tự nhiên. Đây là giả thuyết bị công luận thờ ơ, nhưng nhận được sự ủng hộ của ngành tình báo Mỹ, theo CNN.
Gần đây, bản báo cáo lại là tâm điểm ở Điện Capitol, trong bối cảnh khả năng đại dịch có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán được chính quyền Biden yêu cầu giới tình báo "tăng gấp đôi nỗ lực điều tra" hồi cuối tháng 5.
Viện nghiên cứu virus Vũ Hán đang là tâm điểm trong cuộc điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Ảnh: Shutterstock. |
Thông tin bị giấu ở đâu?
Một số nghị sĩ Cộng hoà tỏ rõ sự thất vọng khi không được tiếp cận tài liệu từ Phòng Thí nghiệm Livermore sớm hơn. Họ thắc mắc rằng một số nghị sĩ khác, bằng cách nào đó, đã nắm thông tin này.
"Các ủy ban giám sát khác nhau nên được thông báo sớm hơn", Hạ nghị sĩ Morgan Griffith, thành viên đảng Cộng hòa tại Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện, cho biết.
Nhiều nghị sĩ Cộng hòa cũng xúc tiến một cuộc điều tra riêng rẽ về nguồn gốc đại dịch. Họ yêu cầu các tài liệu bổ sung từ Viện Y tế Quốc gia, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao Mỹ để phục vụ công việc.
Sau một năm kể từ khi hoàn thành, bản báo cáo giờ đây không còn quá thu hút vì thông tin của nó.
Thay vào đó, tầm quan trọng ở chỗ báo cáo củng cố giả thuyết về nguồn gốc từ phòng thí nghiệm của virus SARS-CoV-2, ngay từ thời điểm ngành tình báo Mỹ không tin vào quan điểm đó.
Trong khi đó, hai cựu quan chức thời cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng các nhà hoạch định chính sách không hề biết đến bản báo cáo của Livermore.
Động thái này dấy lên nghi ngại về "thế giới ngầm" giữa các quan chức, nhằm chôn giấu thông tin để mưu cầu mục đích chính trị.
Tuy nhiên, một số thành viên quốc hội, bao gồm những người ủng hộ "thuyết phòng thí nghiệm", cho rằng phe Cộng hòa đang có hai mục đích: lôi kéo sự ủng hộ đối với ông Trump - người luôn miệng (suông) về giả thuyết trên; và biến cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 thành vấn đề chính trị.
Dù vậy, một quan chức Ủy ban Tình báo Hạ viện cho biết cơ quan này đã xem qua báo cáo trên. Hai nghị sĩ khác cũng khẳng định ít nhất hai ủy ban đã tiếp cận nguồn tin từ báo cáo vào năm 2020. Họ phủ nhận chuyện ém nhẹm thông tin.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong chuyến công tác tại Vũ Hán. Ảnh: Reuters. |
Ém nhẹm thông tin?
Bản báo cáo năm 2020 cũng không thể đưa ra bằng chứng vững chắc đối với một trong hai giải thuyết. Phần kết luận cũng cũng tương tự thông tin được giới tình báo đưa ra gần đây. Theo đó, cả giả thuyết "virus xuất phát trong tự nhiên" lẫn giả thuyết "virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm" đều được thừa nhận.
Dù vậy, báo cáo trên cũng cung cấp một số bằng chứng bên lề, củng cố quan điểm cho rằng nguồn gốc của virus là từ phòng thí nghiệm.
Đảng Cộng hòa đang thúc đẩy chính quyền nhanh chóng giải mật thêm thông tin để các nhà khoa học và chuyên gia y tế sớm tìm ra câu trả lời cuối cùng.
Trong bối cảnh đó, 17 cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu trên toàn quốc sẽ đảm trách một nhiệm vụ quan trọng: xác thực các giả thuyết về nguồn gốc của Covid-19. Nhiệm vụ có thời hạn 90 ngày theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden kể từ 26/5.
Trước đó, dường như các thành viên đảng Cộng hòa cảm thấy được "minh oan" sau khi Nhà Trắng thừa nhận có khả năng virus SARS-CoV-2 thoát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Từ lâu, nhiều đảng viên Cộng hòa nghiêng về giả thuyết này.
Dù vậy, trong suốt năm 2020, việc theo đuổi thuyết "phòng thí nghiệm" bị coi là biểu hiện của tư tưởng bài ngoại. Quan điểm này được củng cố sau bức thư của 27 nhà khoa học xuất hiện trên một tạp chí y khoa danh tiếng từ tháng 2/2020.
Người khởi xướng của lá thư lại chính là nhà khoa học tham gia tài trợ cho nghiên cứu gây tranh cãi ở Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán trên.
Gần đây, dư luận có phần đảo chiều khi thông tin về ba nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán xuất hiện trên truyền thông. Họ bị cáo buộc tiến hành một nghiên cứu có thể là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của đại dịch.
Trong giới học thuật, ngày càng nhiều ấn bản xem xét cụ thể khả năng đại dịch rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Có ý kiến cho rằng, dưới thời chính quyền Trump, sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với quan điểm của vị cựu tổng thống gây khó khăn cho cuộc điều tra.
Khi đó, không ít người cho rằng việc ông Trump vin vào thuyết "phòng thí nghiệm" chỉ nhằm hướng công luận chĩa mũi dùi sang Trung Quốc, thay vì đổ lỗi cho chính quyền Mỹ về số ca tử vong do Covid-19.
Không chỉ vậy, cách ông Trump dùng từ ngữ mang tính miệt thị để gọi dịch bệnh càng khiến cuộc điều tra gặp khó.
Nỗ lực bị ngăn trở
Giờ đây, các cựu quan chức chính quyền Trump khẳng định mối quan tâm của họ là nghiêm túc và không có động cơ chính trị đằng sau. Họ cũng cho rằng nỗ lực điều tra trên thực tế đã bị các cơ quan tình báo và ngành y tế cản trở.
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, người công khai ủng hộ thuyết "phòng thí nghiệm" khi đương chức, cho biết hôm 3/6 rằng Viện Y tế Quốc gia "cố ngăn chặn" Bộ Ngoại giao trong việc thăm dò Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán.
Vào tháng 4/2020, một tháng trước khi Livermore phát hành báo cáo, ngành tình báo Mỹ thậm chí còn tuyên bố họ ủng hộ "sự đồng thuận khoa học rộng rãi", rằng virus SARS-CoV-2 không phải do nhân tạo hoặc biến đổi gen, mặc dù khẳng định cuộc điều tra về nguồn gốc của virus vẫn tiếp tục.
Từ đầu năm 2020, chính quyền Trump tiến hành hai cuộc điều tra song song về nguồn gốc của virus: một ở Bộ Ngoại giao và một trong Hội đồng An ninh Quốc gia.
Theo đó, dù giới chức ở hai cuộc điều tra khẳng định họ không thiên lệch về hướng nào, đại diện các nhóm đều cho rằng công việc của họ vấp phải sự phản đối từ ngành tình báo.
Hiện tại, các thành viên đảng Cộng hòa nhấn mạnh rằng sự thật là mối quan tâm của họ. Ông Griffith cho biết: "Cá nhân tôi nghĩ (nguồn gốc của virus) nhiều khả năng là từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm".
"Xâu chuỗi các mảnh ghép (của câu chuyện), người dân Mỹ sẽ hiểu được những gì đang xảy ra", ông Griffith khẳng định.