Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho rằng lệnh trừng phạt mới cần được đưa ra trước khi Tổng thống Donald Trump có cuộc gặp chính thức thứ hai với Tổng thống Vladimir Putin.
"Quốc hội Mỹ cần làm việc để đưa ra thêm trừng phạt vì dường như ông Putin vẫn chưa hiểu được thông điệp từ Washington. Chúng ta cần thông qua lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với nước Nga trước khi ông Putin đến Mỹ để gặp Tổng thống Trump", Reuters dẫn lời thượng nghị sĩ Graham trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CBS.
Thượng nghị sĩ phe Cộng hòa Lindsey Graham. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Marco Rubio muốn quốc hội bỏ phiếu thông qua dự luật trừng phạt Nga trong trường hợp các cơ quan tình báo Mỹ xác định nước này có can thiệp bầu cử 2016.
"Tôi nghĩ rằng Moscow thực sự đã làm điều đó và họ sẽ tiếp tục làm thế trong tương lai. Nếu dự luật của chúng ta được thông qua, họ sẽ đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt vô cùng khắc nghiệt. Tổng thống Putin hẳn phải biết cái giá của việc cố tình can thiệp bầu cử Mỹ", ông Rubio nói.
Dự luật mà thượng nghị sĩ Rubio nhắc đến là Đạo luật Ngăn cản, do ông Rubio và thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen đề xuất. Đạo luật, nếu được thông qua, sẽ tạo điều kiện để lệnh trừng phạt được đưa ra nhanh chóng. Trong vòng 1 tháng sau các cuộc bầu cử, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia sẽ phải kết luận liệu có bất kỳ quốc gia nào cố gắng can thiệp bầu cử hay không. Nếu có, đòn trừng phạt sẽ được khởi động nhằm vào nước đó trong 10 ngày.
Tổng thống Nga nhiều lần phủ nhận cáo buộc cho rằng Moscow tấn công mạng và sử dụng mạng xã hội để giúp ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Năm 2017, quốc hội Mỹ thông qua lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Tháng 4/2018, Bộ Ngân khố Mỹ tiếp tục đưa ra trừng phạt mới đối với nhiều quan chức Nga vì các hoạt động "vu khống" và can thiệp bầu cử.
Tuần trước, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa, cho rằng đạo luật đang được đề xuất là bước đi cần thiết nhằm chống lại cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng từ Nga.
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga ở Helsinki. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dầu và khí đốt đang vận động hành lang nhằm chống lại dự luật này vì họ cho rằng việc tăng trừng phạt với Moscow có thể ảnh hưởng đến đầu tư của Mỹ vào Nga, Reuters dẫn một số nguồn tin.
Sau hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Helsinki hôm 16/7, Tổng thống Trump đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt khi ông khẳng định tin tưởng người đứng đầu Điện Kremlin hơn đội ngũ tình báo ở Washington. Trump nói ông "không thấy bất kỳ lý do gì" khiến Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, ông phủ nhận điều này sau đó và cho rằng mình nói nhầm.
Ngày 19/7, ông Trump một lần nữa gây "sóng gió" khi mời người đồng cấp Nga đến thăm chính thức Washington vào mùa thu năm nay.