Phát biểu tại sự kiện diễn thuyết và âm nhạc OzyFest ngày 21/7 ở New York, bà Hillary Clinton cảnh báo kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 có thể trở thành mục tiêu can thiệp tiếp theo của Nga, gây xáo trộn nền dân chủ Mỹ.
Theo cựu ngoại trưởng Mỹ, các nguồn tin của bà trong lĩnh vực công nghệ dự đoán tin tặc Nga lần này có thể can thiệp trực tiếp vào cơ sở hạ tầng của hệ thống bầu cử.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại OzyFest ngày 21/7. Ảnh: Shutterstock |
"Họ (các tin tặc Nga) đang tìm cách đánh cắp thông tin bầu cử, chẳng hạn như đăng ký của cử tri", bà Clinton cho biết.
"Nhiều chuyên gia công nghệ mà tôi từng gặp ở Thung lũng Silicon cho rằng tin tặc lần này có thể tấn công trực tiếp vào quá trình bầu cử. Họ có thể đánh sập các máy chủ nhận kết quả bỏ phiếu. Họ cũng có thể can thiệp vào hoạt động của các máy bỏ phiếu vì đa số đều có kết nối mạng", cựu ngoại trưởng Mỹ tiết lộ.
"Chúng ta đang trong tình thế rất dễ bị tổn thương, trong khi lại thiếu sự lãnh đạo từ chính phủ", bà cảnh báo.
Trong thời gian qua, các cơ quan tình báo Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại chính phủ của Tổng thống Donald Trump chưa hành động đủ mạnh để ngăn cản tin tặc can thiệp bầu cử Mỹ, theo Guardian.
Trả lời BBC hồi tháng 1, Ngoại trưởng Mike Pompeo, khi đó còn giữ chức giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), cũng cảnh báo về nguy cơ tin tặc Nga nhắm vào cuộc bầu cử lưỡng viện tháng 11.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ngày 16/7 ở Helsinki. Ảnh: AP. |
Cũng trong bài phát biểu ngày 21/7, bà Hillary Clinton cho rằng chính phủ nên công khai cuộc đối thoại kéo dài gần 2 tiếng giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở thượng đỉnh Helsinki.
"Vụ tấn công nhắm thẳng vào trọng tâm của nền dân chủ của chúng ta. Bí ẩn lớn nhất hiện nay là vì sao tổng thống không lên tiếng bảo vệ đất nước", bà Clinton nhấn mạnh.
Các phát biểu của bà Clinton được đưa ra giữa lúc Nhà Trắng còn đang khủng hoảng trước những chỉ trích gay gắt hậu thượng đỉnh Trump - Putin ngày 16/7 tại Helsinki, Phần Lan.
Tại cuộc họp báo chung, ông Trump dễ dàng chấp nhận lời khẳng định của ông Putin rằng Nga không can thiệp bầu cử năm 2016. Các phát biểu của tổng thống Mỹ đã chọc giận cả Washington, hứng chịu sự chỉ trích từ cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa.
Trong những ngày hậu thượng đỉnh, ông Trump đã phủ nhận các phát biểu của chính mình ở Helsinki. Ông khẳng định ủng hộ báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ, tin rằng Nga có can thiệp bầu cử 2016 và tuyên bố ông Putin cần chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo 72 tuổi dường như vẫn không từ bỏ nỗ lực đưa quan hệ Nga - Mỹ trở lại bình thường.
Ngày 20/7, khi những sóng gió hậu thượng đỉnh vẫn chưa nguôi, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Trump đã mời người đồng cấp Nga đến thăm Nhà Trắng trong mùa thu năm nay.