Họ là những bác sĩ không mặc áo blouse, không làm việc ở bệnh viện nhưng là những điều tra viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên 3 tháng qua chạy đua với tốc độ lây nhiễm của Covid-19.
Nếu ngành y tế là tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 thì Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật là “tuyến đầu của tuyến đầu”. Sau khi phát hiện ca dương tính, các bác sĩ nơi đây luôn là những người đầu tiên xuất hiện, khoanh vùng, lập hàng rào ngăn chặn dịch lây lan.
Sau hơn 3 tuần không có ca nhiễm mới, hôm nay, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cùng gần 300 cán bộ công tác tại đây mới có cảm giác cuối tuần. Trò chuyện với Zing, ông Dũng kể nhiều kỷ niệm, thách thức và những bài học sau hơn 100 ngày chống dịch.
- Trong hơn 100 ngày chống dịch Covid-19, sau giai đoạn số ca nhiễm liên tục tăng, đến nay, TP.HCM đã hơn 3 tuần liên tiếp không có ca nhiễm mới. Kỷ niệm nào ông đặc biệt ấn tượng trong hơn 3 tháng chống dịch vừa qua?
- Ngày phát hiện trường hợp bệnh nhân thứ 48 ngụ tại chung cư Hòa Bình, tôi nhớ hôm đó 2h30 sáng chúng tôi mới rời khỏi hiện trường. Trường hợp đó anh em rất cực. Đây cũng là ca nhiễm đầu tiên phát hiện trong cộng đồng kể từ khi thành phố bước vào giai đoạn 2.
Nhận tin báo kết quả xét nghiệm dương tính lần 1 từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM lúc hơn 10h đêm, có người đang lim dim ngủ cũng tức tốc mặc đồ chạy đến hiện trường. Chống dịch là không kể thời gian, tối khuya hay trưa nắng, tất cả đều phải triển khai khẩn trương, không chờ đợi.
Sau khi thống nhất phương án, chúng tôi cùng với lãnh đạo quận 10, công an, ban quản lý chung cư chuyển ca nhiễm và 5 trường hợp tiếp xúc gần về Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Sau đó khử trùng khu chung cư, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người thuộc nhóm nguy cơ.
Đó là kỷ niệm, cũng là kinh nghiệm với anh em. Mặc dù làm ban đêm cực thiệt nhưng anh em bất ngờ là lại thuận lợi bởi không những người dân hợp tác mà còn tránh được những người hiếu kỳ đến xem. Nhờ đó, toàn bộ người ở cùng tầng với bệnh nhân 48 đều được cách ly rất nhanh trong đêm.
Sáng hôm sau, khi cả chung cư tỉnh dậy, chính quyền cũng kịp lên các phương án để phong tỏa tạm thời hai khu nhà, chủ động thông báo cho người dân. Việc hỗ trợ ăn uống, sinh hoạt được chuẩn bị tốt trong đêm. Vậy nên chuỗi lây nhiễm được khoanh vùng và kiểm soát hiệu quả.
- Ngoài ca nhiễm sinh sống ở chung cư Hòa Bình, TP.HCM còn ngăn chặn thành công nhiều chuỗi lây nhiễm lớn như ở xóm đạo tại quận 8 hay “ổ dịch” bar Buddha. Việc này được thực hiện ra sao?
- 6h sáng 13/3, chúng tôi nhận tin có một ca nghi ngờ dương tính cao ở quận Tân Bình. Điểm đặc biệt là ca này liên quan đến một nhà thờ mà người nhiễm từng một lần đến giảng giáo lý tại đây. Chúng tôi liên tưởng ngay đến ổ dịch từ nhà thờ liên quan giáo phái Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc nên rất lo lắng, sợ xảy ra trường hợp tương tự.
Khi đến điều tra, rất may buổi lễ này chỉ có 6 người dự và mức độ tiếp xúc ít. Đánh giá nguy cơ lây lan không cao bởi bệnh nhân không có triệu chứng và gần như không tiếp xúc trong hẻm nên chúng tôi không phong tỏa con hẻm.
Nhưng ngay sau đó xuất hiện một ca dương tính ở quận 8, khi xuống hiện trường chúng tôi thấy nhiều yếu tố nguy cơ. Bệnh nhân này dự thánh lễ tại Malaysia - nơi sau đó được phát hiện là ổ dịch - và về nước từ ngày 3/3 nhưng đến ngày 17/3 mới được lấy mẫu phát hiện dương tính.
Người này đi lễ ở thánh đường 5 lần/ngày. Điều may mắn là từ nhà người này đến nơi làm lễ chỉ khoảng 40 m và sức khỏe yếu nên bệnh nhân gần như không tiếp xúc với ai. Thế nhưng, gia đình bệnh nhân này lại mở tiệm tạp hóa, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm lớn. Môi trường ở đây cũng cho cảm giác rất dễ lây lan do hẻm nhỏ, dân cư đông, tiếp xúc gần giữa người và người.
Đánh giá nguy cơ cao, chúng tôi quyết định phong tỏa khu vực này, tổ chức lấy mẫu toàn bộ người tham gia lễ tại thánh đường và người sống trong khu vực, gần 500 mẫu. May mắn sau đó không phát hiện thêm ca nhiễm nào khác.
Việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm cũng được thực hiện tại bar Buddha ngay khi phát hiện ca chỉ điểm là bệnh nhân 91. Trước đó, chúng tôi được thông tin về một quán bar tại khu trượt tuyết ở Anh đã trở thành ổ dịch, lây lan cho cả khu vực. Khi so sánh bar Buddha (quận 2) với trường hợp này, chúng tôi thấy nhiều điểm tương đồng.
Thứ nhất, môi trường trong quán bar khép kín, mở điều hòa (nhiệt độ thấp), không gian chật hẹp, mật độ người cao (gần 300 người). Thứ hai, người vào quán bar không ai ngồi yên một chỗ, di chuyển liên tục, tiếp xúc rất gần. Thứ ba, ở đây còn diễn ra buổi tiệc lễ thánh Patrick Day nên không khí càng khác với một quán bar bình thường. Người không quen nhau vẫn có thể cụng ly, bá cổ bá vai, chúc mừng vui vẻ.
Ngay từ đầu tiếp cận, điều tra dịch tễ, chúng tôi đánh giá đây là môi trường rất nguy cơ vì mọi điều kiện đều phù hợp cho sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và dự báo khả năng sẽ phát sinh nhiều ca. Thực tế cho thấy dự báo này đúng. Liên quan đến ổ dịch này, chúng tôi đã phải lấy gần 5.000 mẫu xét nghiệm.
Vậy nên việc đánh giá khả năng lây lan là rất quan trọng để lên phương án kiểm soát phù hợp. Sau đó, điều tra dịch tễ phải truy vết tận cùng.
Thực tế, việc điều tra dịch tễ các trường hợp bệnh truyền nhiễm hết sức phức tạp, nhiều khó khăn, dễ có sai lệch thông tin nếu thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu kiên nhẫn. Vấn đề là nghệ thuật của người điều tra, làm sao giúp người ta nhớ lại những thông tin cần thiết để mình ghi nhận, giúp xử lý ổ dịch triệt để, hiệu quả.
Mục đích của mình là phòng chống dịch chứ không phải bới móc đời tư cá nhân nên hầu hết người dân hợp tác và khai báo trung thực. Một phần cũng may mắn khi đa số trường hợp nhiễm không có dấu hiệu bệnh hoặc bệnh rất nhẹ nên việc điều tra, truy vết cũng dễ dàng hơn.
- Ông vừa nói đến nghệ thuật điều tra dịch tễ khi truy vết các ca lây nhiễm. Làm sao để người dân hợp tác khi có nhiều trường hợp không nhớ hoặc không muốn chia sẻ về đời tư?
- Lấy ví dụ như khi khám bệnh, nếu mình hỏi thẳng bệnh nhân, chưa chắc có được câu trả lời chính xác. Mình phải có cách gợi mở cho người bệnh trả lời bởi nhiều khi người bệnh không mô tả được hết bệnh của mình, chỉ biết nói chung chung. Bác sĩ phải có cách gợi mở, giúp người ta nhớ lại thông tin, mô tả được triệu chứng.
Người bác sĩ khác với cảnh sát, khác với thầy bói. Nó nằm ở chính giữa đó. Tức là phải làm sao dự đoán và gợi hỏi để người ta khai cho đúng. Đó là khía cạnh khám chữa bệnh.
Khía cạnh điều tra dịch tễ cũng tương tự. Làm sao để người ta hiểu mục đích của mình là tìm người tiếp xúc, khoanh vùng, chống lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho họ và người thân. Như vậy, họ sẽ sẵn sàng chia sẻ. Và phải có câu hỏi để người ta nhớ, người ta hiểu thì mới trả lời được. Dĩ nhiên với người nước ngoài sẽ khó hơn vì văn hóa khác nhau, nếu không khéo người ta sẽ nghĩ đang bị tìm hiểu đời tư.
- Vậy trong quá trình điều tra truy vết, làm sao các bác sĩ biết khi nào là đã cắt được nguồn lây nhiễm, kiểm soát được một ổ dịch?
- Chúng tôi đang tiến hành tổ chức khoanh vùng, đánh giá dịch theo mô hình chuỗi lây truyền. Tức phải lần dấu vết từ ca đầu tiên là ca chỉ điểm cho đến những ca lây nhiễm và truy vết theo chuỗi lây truyền của họ qua tiếp xúc.
Như bar Buddha là ổ dịch mà khởi điểm đã phát sinh nhiều ca lây và mỗi ca lại đi theo những chiều hướng khác nhau.
Chúng tôi tổ chức các tổ truy vết theo từng chuỗi lây nhiễm xuất phát từ ca nhiễm, kết hợp lấy mẫu những trường hợp tiếp xúc để đánh giá mức độ lây lan. Từ đó vẽ ra bản đồ riêng cho mỗi chuỗi lây nhiễm. Lấy mốc là 14 ngày từ thời điểm phát hiện ca khởi điểm của chuỗi, sau 14 ngày không phát hiện ca nhiễm mới tức là chuỗi lây nhiễm đó đã được kiểm soát.
- Với nhân sự chỉ 300 người, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật phân công, tổ chức công việc thế nào để kiểm soát công tác phòng, chống dịch ở cả 24 quận, huyện?
- Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM thành lập 9 khối hoạt động. Khối 1 là điều tra, xử lý ổ dịch, giám sát cộng đồng. Đây là tuyến đầu. Khi phát hiện ca bệnh, ổ dịch, khối này sẽ phối hợp với quận, huyện triển khai điều tra, giám sát, xử lý, theo dõi. Khối này thành lập 10 đội, mỗi đội khoảng 5 người, không chia quản lý theo địa bàn quận, huyện mà quản lý theo chuỗi lây nhiễm.
Ví dụ, thành phố phát hiện một ca ở quận A thì đội 1 đến điều tra. Nếu ca này liên quan đến quận B, C, D thì đội 1 sẽ theo dõi suốt chuỗi lây nhiễm của ca bệnh này cho đến khi cắt được chuỗi. Các chuỗi khác cũng áp dụng tương tự.
Khối thứ 2 là khối giám sát các khu cách ly tập trung của thành phố và quận, huyện. Khối 3 là truyền thông. Khối 4 là xét nghiệm. Năng suất xét nghiệm của trung tâm hiện tại khoảng 1.000 mẫu/ngày. Khối 5 là khối thu thập thông tin chuyên môn và các vấn đề thời sự liên quan đến Covid-19… để tham mưu cho lãnh đạo.
Khối 6 là hậu cần, lo mua sắm vật tư y tế như khẩu trang, đồ chống dịch, thuốc sát khuẩn hoặc tiếp nhận tài trợ từ nhà hảo tâm, các đơn vị để cung ứng cho hệ thống hoặc khu cách ly. Khối 7 là thống kê, báo cáo.
Sau ngày 1/4, chúng tôi thành lập thêm khối 8 có trách nhiệm giám sát các chỉ số rủi ro lây nhiễm ở doanh nghiệp và khối 9 triển khai các công việc liên quan đến kiểm dịch nội địa.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân để TP.HCM đạt được những thành công bước đầu trong phòng chống dịch Covid-19 trong 100 ngày qua?
- Lên kịch bản cho từng giai đoạn, các bài học kinh nghiệm chống dịch trước đây, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và dự báo tốt. Đặc biệt là dựa vào tình hình cụ thể.
Như việc lấy mẫu xét nghiệm ở khu lưu trú công nhân, dựa trên kinh nghiệm từ những lần chống dịch trước như dịch cúm, não mô cầu…, chúng tôi nhận thấy nếu dịch xảy ra ở các khu lưu trú hay ký túc xá thì nguy cơ cao vì môi trường sống và nếp sinh hoạt rất dễ lây lan với những bệnh lây truyền nhanh qua đường hô hấp.
Do đó, sau khi xử lý ổ dịch cộng đồng, chúng tôi quyết định rà soát nhanh khu vực này. Ngày 10/4, thành phố bắt đầu lấy mẫu ở khu lưu trú công nhân thuộc Khu chế xuất Tân Thuận. Sau đó vài ngày thì chúng ta nghe tin Singapore bùng dịch từ các khu lưu trú công nhân.
Thực tế này cho thấy sự chỉ đạo kịp thời và nhạy bén của lãnh đạo thành phố cũng như bộ phận tham mưu trong dự báo tình hình. Sự quyết liệt, làm việc hết mình vì trách nhiệm của hệ thống y tế, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự quan tâm, hợp tác của người dân đã giúp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát kịp thời, hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!