Là bệnh viện dã chiến đầu tiên của TP.HCM, mọi thứ tạm bợ, vay mượn, chắp vá. Nhưng đến lúc này, 33 ca nhiễm Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi đã được chữa lành.
"You are heroes... Cảm ơn những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các anh quân nhân và bác sĩ tại nơi đây. Chúng em xem đây như một mái nhà và hy vọng cho dịch bệnh sẽ sớm đi qua, đất nước được bình an và tất cả mọi người luôn có thật nhiều sức khỏe".
Những dòng chữ được in bên cạnh nhiều tấm ảnh ghép lại trong chiếc khung trắng xinh xắn, đặt ở một góc căn phòng làm việc của y tá, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Đây chính là món quà từ 4 cô gái là bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất viện hôm 29/3.
Đến ngày 23/4, gần một tháng sau, người nhiễm cuối cùng và cũng chính là ca bệnh thứ 33 điều trị ở đây được chữa khỏi. Bệnh viện dã chiến hiện không còn bệnh nhân nào.
Song, những tấm bảng ghi chi chít lịch trực, phân công công việc vẫn còn nguyên vết mực cùng hồ sơ, giấy tờ vẫn chất từng chồng trên bàn làm việc, như chưa hề có dấu hiệu của sự nghỉ ngơi.
Tôi đến bệnh viện vào giờ trưa. Căn phòng làm việc của đội ngũ nhân viên y tế tại đây vẫn hoạt động liên tục. Người ghi chép hồ sơ bệnh án, người dọn dẹp vệ sinh, một vài bác sĩ, điều dưỡng thì cắm cúi vào màn hình máy tính.
Bác sĩ Trần Nguyễn Hoàng Tú (29 tuổi) đeo khẩu trang, mặc blouse liên tục ký vào những bức thư cảm ơn các đơn vị tài trợ cho bệnh viện thời gian qua.
Tú là một trong những bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được cử lên Bệnh viện dã chiến Củ Chi từ những ngày đầu.
Một tuần kể từ ngày 10/2, Tú nhận lệnh tới để hỗ trợ lo về mảng kế hoạch tổng hợp và chưa có quyết định ở lại công tác. Đến ngày 18/2, anh chính thức ở lại đây trực chiến.
Nhớ về chuỗi ngày đầu tiên, Tú nói mọi thứ đều "chắp vá", thiếu tới đâu đắp tới đó. Thời điểm đó, nhân lực chỉ có khoảng hơn 20 người, gồm bác sĩ, điều dưỡng, quân nhân chứ không được hơn 90 người như sau này.
"Lúc đó ở đây còn sơ sài, phòng ốc cũng phải làm lại, giường cũng không có. Mọi người phải vận chuyển từ nơi khác đến để sắp xếp. Giai đoạn đó rất cực, gần như xây dựng bệnh viện từ con số 0", Tú kể.
Nhân lực bấy giờ chủ yếu từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Củ Chi, Bình Tân, Gia Định điều động lên. Vật dụng như giường, máy chụp X-quang, trang phục bảo hộ cũng nhờ đến sự hỗ trợ từ các bệnh viện khác.
Khoảng hơn một tháng đầu, bệnh viện dã chiến tiếp nhận cả người cách ly từ sân bay về và người bệnh chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Có ngày ở đây nhận tới hơn 250 người cách ly. Nhân lực kiêm không xuể, đa phần phải làm gần như trắng đêm.
"Riêng việc sắp xếp phòng ở cũng vất vả. Có người đang ở chung với những người cách ly khác thì đùng một cái xét nghiệm dương tính, phải chuyển người đó qua khu khác. Những người còn lại được xếp vào nhóm nguy cơ cao hơn những người khác chứ không sẽ phát sinh lây nhiễm chéo. Mình phải kiểm soát tối đa việc lây nhiễm", bác sĩ Tú thuật lại.
Ngay đến nơi ở cho đội ngũ y, bác sĩ cũng tạm bợ. Căn phòng chỉ khoảng 20 m2 gồm hơn hai chục con người cùng ngồi làm việc, phía sau lưng có khoảng trống tầm 10 m2 để cho mọi người trải chiếu nằm nghỉ, không hề có giường. Có những hôm làm mệt quá, mọi người bạ đâu nằm đó.
Sau này, mọi thứ đi vào guồng, nhân sự được điều động, hỗ trợ nhiều hơn và có thêm các trung tâm cách ly khác như khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Cạnh đó, một số bác sĩ tình nguyện từ các nơi đến hỗ trợ, sau khi quen với mọi thứ ở bệnh viện liền xung phong xin ở lại. Do vậy, mọi người ở đây bớt áp lực hơn. Bệnh viện dã chiến chỉ tập trung tiếp nhận ca bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh.
Huỳnh Hồng Phát (30 tuổi) là một trong 2 bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tình nguyện ở lại Bệnh viện dã chiến Củ Chi để điều trị cho các bệnh nhân.
Bệnh viện đi vào hoạt động từ ngày 10/2. Lúc đó, Phát nằm trong đội ngũ bác sĩ được điều động luân phiên lên đây mỗi tuần hỗ trợ. Đúng nguyên tắc là một tuần sau sẽ cử người khác thay cho anh. Vì thích nơi này nên anh xung phong ở lại trực chiến mặc dù Phát vừa cưới vợ được nửa năm.
"Một tuần ở đây khiến tôi thích cách làm việc, cảm thấy công việc của mình và mọi người làm có ý nghĩa. Hơn nữa, ở đây mọi người có hoạt động vui chơi thể thao làm mình đỡ tù túng hơn so với ở nhà bị cách ly xã hội, chỉ ở trong phòng", bác sĩ Phát nói rồi đưa tay chỉ ra phía khuôn viên rộng lớn, thoáng đãng, nhiều cây xanh của bệnh viện.
Một nghịch lý mà Phát nhớ nhất khi trực tiếp điều trị cho 33 ca bệnh dương tính tại đây, đó là hầu hết bệnh nhân không hề có triệu chứng, không sốt, không ho. Chỉ rất ít người có ho nhẹ. Trong khi đó, nhiều người có đầy đủ triệu chứng như ho, viêm phổi, sốt... nhưng khi đưa vào xét nghiệm lại âm tính, không phải nhiễm Covid-19.
Có một bệnh nhân duy nhất có triệu chứng rõ ràng là một chàng trai gầy gò, ốm yếu. Người này nhiễm bệnh mà lại không chịu ăn uống, mỗi lần mang thức ăn vào là anh này để y nguyên. "Tôi nghĩ việc không chịu ăn uống khiến sức đề kháng của bệnh nhân này yếu ớt nên nhiễm virus khó điều trị", Phát kể.
Đứng lúi húi phân loại rác vào các thùng, Lê Giang Hùng Sơn (25 tuổi, bộ đội của Trung đoàn Gia Định) là một trong số những y công làm công tác hỗ trợ, vệ sinh tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Sơn được Trung đoàn cử lên dọn dẹp, xây dựng bệnh viện từ ngày 7/2. Mọi thứ ban đầu hoang sơ, trơ trọi, ngay đến mảng tường của các căn phòng cũng phải được sơn phết lại.
Ban đầu lên đây, Sơn cũng như nhiều người nghĩ là chỉ phụ dọn dẹp xong lại về. Ai ngờ dịch bệnh diễn tiến phức tạp khiến mọi người được điều động lên phải ở lại để hỗ trợ đến giờ. Sơn thừa nhận công việc vất vả, mệt nhọc nhưng cứ nghĩ bản thân đang đóng góp công sức cùng cả nước chống dịch nên cậu cũng không nề hà.
"Các em y công chỉ là lính nghĩa vụ quân sự thôi, họ không hề biết gì về việc kiểm soát nhiễm khuẩn hay nghiệp vụ y tế. Mọi thứ phải được chúng tôi tập huấn. Khuôn viên rộng lớn, riêng việc quét lá, dọn dẹp vệ sinh thôi cũng mệt mỏi. Nhưng ai cũng làm việc hết mình, năng nổ, vui vẻ", bác sĩ Phát dành lời khen.
Tú, Phát, Sơn cùng hơn 90 nhân sự ở đây coi nhau như gia đình. Không khí sinh hoạt, làm việc luôn thân thiện, thoải mái, không ai tỵ nạnh người này làm nhiều hay người kia làm ít.
"Môi trường ở đây thích lắm, mọi người hòa hợp, làm việc được với nhau. Vậy nên nhiều người như tôi sẵn sàng tình nguyện ở lại, ngay cả khi không còn ca bệnh nào", Phát bày tỏ.
Bên cạnh những niềm vui, một số người vào cách ly cũng có những đòi hỏi hơi quá đáng khiến cho bác sĩ như Tú, Phát cùng những đồng nghiệp nhiều lần khó xử.
Tú kể có người vào cách ly lớn tiếng nói họ không phải là người bệnh, liên tục gây hấn về việc tại sao lại đưa họ vào đây. Một người còn đỡ, có khi người đó lại lôi kéo cả phòng khiến cho việc giải thích, ổn định trật tự gặp khó khăn.
Ngoài ra, có người thì "hành" các y công (quân nhân, tình nguyện viên) giữa trưa nắng giao thức ăn nhưng lại không ăn, người đòi hỏi phải có lò vi sóng...
"Đôi lúc cũng hơi bực bội nhưng về sau báo chí phản ánh nhiều, mọi người cũng bắt đầu đỡ yêu cầu và thông cảm cho chúng tôi nhiều hơn", Tú nói.
Bù lại, có nhiều đơn vị tài trợ vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho bệnh viện. Một số người dân quanh khu vực cũng thường xuyên tiếp tế thức ăn, đồ uống, thậm chí đến cả những trái bắp luộc, khoai mì cũng mang tới cho những người ở tuyến đầu chống dịch.
Thời điểm hết giãn cách xã hội, các ca bệnh cũng đã được chữa khỏi, cứ ngỡ những nhân viên y tế ở đây sẽ được về nhà với người thân sau thời gian khá dài công tác. Nhưng không. Mọi người chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận những đợt cách ly mới khi hay tin sẽ đón nhiều chuyến bay từ nước ngoài đến.
Tú kể ban đầu nếu không có thông tin đón mấy nghìn người về nước thì sẽ sắp xếp cắt giảm bớt nhân sự. Nhưng hiện tại mọi người xác định tiếp tục hỗ trợ, không ai muốn về.
"Mình cứ phải giữ lực lượng lúc nào cũng sẵn sàng vì đâu phải cứ đóng cửa hoài. Mà mở cửa thì sẽ đối mặt với nguy cơ phát sinh ca nhiễm. Nên tinh thần là ở đây luôn chứ chưa có tư thế về nhà cách ly", bác sĩ Tú vừa nói vừa cười xòa.
Đến ngay điều dưỡng nữ như Nguyễn Kiều Trọng Nghĩa (24 tuổi) cũng không hề có ý định nghỉ ngơi ngay cả khi không còn ca bệnh nào tại bệnh viện.
Nghĩa cùng bạn tình nguyện từ Bệnh viện đa khoa quận Bình Tân vào hỗ trợ. Khi chưa xuất quân, tâm lý cô cũng sợ hãi, nhưng sau khi đến đây, chăm sóc người bệnh thì nỗi lo sợ không còn. Thay vào đó, Nghĩa cảm thấy công việc mình làm có ý nghĩa.
"Bệnh nhân cuối cùng xuất viện thì tụi em lại chuẩn bị tâm lý mới để điều trị cho những bệnh nhân tiếp theo chứ chưa nghĩ sẽ nghỉ ngơi. Mình còn cống hiến được, khi nào hết nhiệm vụ, bệnh viện cho về thì về. Mấy anh chị nhiệt tình, không phải chung khoa nhưng coi nhau như gia đình. Ba mẹ em cũng động viên để có động lực ở lại. Mong Việt Nam hết dịch thì mình mừng", Trọng Nghĩa chia sẻ.
Nhìn lại hơn 2 tháng với vô vàn khó khăn, niềm vui vỡ òa với bác sĩ Tú là khoảnh khắc bệnh nhân được xét nghiệm âm tính rồi lần lượt xuất viện. Giây phút đó, Tú nói "hạnh phúc vô vàn" khi biết công sức cố gắng của cả tập thể đã có thành quả.
Khi bệnh nhân 206 - người cuối cùng ôm hoa, vẫy tay chào các y, bác sĩ, điều dưỡng để trở về nhà, tiếp tục cách ly 14 ngày thì cũng là lúc những nhân viên y tế, tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi thở phào nhẹ nhõm, mỉm cười cho chặng đường vất vả vừa qua. Nhưng họ vẫn tiếp thêm năng lượng, chuẩn bị tinh thần để bước vào cuộc chiến mới ở phía trước với một niềm tin rằng Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch.
"Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi
Và chúng ta là người chiến thắng...".