Ngày 28/8, trang 163 đưa tin đoàn phim Liên Hoa Lâu đã phải ra văn bản xin lỗi, đồng thời đuổi việc trợ lý Chu, người có hành vi hành hung một tay săn ảnh.
Theo đó, trợ lý Chu đã đánh gãy mũi và còn đe dọa sẽ ném tay săn ảnh xuống lầu khi bắt gặp người này cố tình chụp ảnh tạo hình của đoàn phim. Theo Sina, những vụ xô xát trên xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, gây nên tranh cãi phải xử lý ra sao với nhóm paparazzi bất chấp lệnh cấm để kiếm tiền.
Đánh nhau tại phim trường, tai tiếng và thiệt hại cho đoàn phim
Theo Sina, sau khi nảy sinh tranh cãi và xung đột với tay săn ảnh, trợ lý đạo diễn Chu đã bị cho nghỉ việc. Đoàn phim Liên hoa lâu cũng bị tiếng là có nhân viên côn đồ, ra tay độc ác đánh người. "Động thủ đánh người, có lý cũng biến thành vô lý ", nhiều khán giả bình luận.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng việc chụp trộm trên phim trường là hành vi không được hoan nghênh, vi phạm pháp luật. Song, thiệt hại nhất vẫn là danh tiếng của đoàn phim, khi dự án còn chưa lên sóng đã vướng bê bối.
Trước đó, nhân viên của các đoàn phim Hạo y hành và Tử xuyên cũng bị chú ý vì có hành vi đánh người chụp ảnh trộm. Thậm chí, trong lúc tranh cãi, phía ê-kíp Tử xuyên có buông lời dọa nạt các nạn nhân: "Lần sau tới sẽ đánh tiếp, có tiền chẳng sợ gì cả", khiến công chúng có cái nhìn thiếu thiện cảm với dự án này.
Song theo Sina, nhóm săn ảnh có nhiều thủ đoạn để len lỏi vào phim trường. Ba nạn nhân trong vụ Tử xuyên đã nói dối bản thân là khách du lịch, thực chất họ là paparazzi chuyên nghiệp.
Họ cũng thể hiện sự gan lì, không chịu dừng hành vi chụp trộm dù đã bị nhắc nhở nhiều lần, thậm chí có những lời nói thách thức, khiến nhân viên đoàn phim không giữ được bình tĩnh và xảy ra ẩu đả.
Nhiều đoàn phim bị chụp trộm, quay lén dẫn đến các cuộc ẩu đả trên phim trường. |
Theo Sina, nghề chụp trộm kiếm được tới hàng chục nghìn NDT (từ 2.000 USD) mỗi tháng, do đó nhiều người bất chấp nguy hiểm, thậm chí không quan tâm việc có thể bị đánh đến mức nhập viện để đạt được mục đích.
Những bức ảnh được quan tâm nhất thường là tạo hình nhân vật, các tình tiết quan trọng, có tính chất bước ngoặt của nội dung hoặc tương tác giữa các diễn viên trong đoàn phim. Những hình ảnh này rất dễ tạo được sự chú ý của công chúng, thậm chí trở thành chủ đề bàn luận hot nhất trên mạng xã hội. Do đó, các tay săn ảnh không ngại trèo đèo lội suối để chụp trộm.
Tuy nhiên, khi hình ảnh lộ ra, dự án sẽ đánh mất tính bất ngờ, bị chê trách vì khả năng bảo mật kém, bị lộ nội dung, thậm chí trong nhiều trường hợp còn bị khán giả chê bai khi tạo hình dàn diễn viên không đáp ứng được kỳ vọng của người xem.
Thậm chí, những tay săn ảnh còn chụp lại từ lúc các diễn viên chuẩn bị cho vai diễn và những khi thay trang phục. Triệu Lệ Dĩnh trong quá trình luyện tập võ thuật cho phim Dữ phượng hành đã bị paparazzi chụp trộm cảnh thay quần áo. Biên kịch Vu Chính từng tức giận khi tay săn ảnh chụp trộm một nữ diễn viên, còn quay lại tống tiền cô.
Dương Mịch, Triệu Lệ Dĩnh, Bạch Lộc từng là nạn nhân của hành vi chụp trộm quay lén. |
Nữ diễn viên Bạch Lộc từng bất lực vì bị quay lén dưới váy ở phim trường Hoành Điếm: "Phải làm thế nào đây? Ai đó hãy đến thức tỉnh họ. Tôi rất tôn trọng những người làm nghề livestream. Vì thế, mong các bạn cũng tôn trọng nghệ sĩ chúng tôi. Làm ơn đừng đụng chạm cơ thể chúng tôi và cũng đừng ngồi xổm, cúi thấp để ghi hình lại khoảnh khắc nhạy cảm. Làm ơn".
Vì sao nghề chụp trộm phát triển?
Theo Sina, nghề này xuất phát từ nhu cầu của người hâm mộ, nhưng sau đó được chính các đoàn phim lợi dụng như một cách quảng bá phim và thử phản ứng của người xem.
Tân Hoa Xã nhận định làn sóng người hâm mộ cuồng nhiệt nổi lên vài năm trở lại đây trong giới giải trí Hoa ngữ. Hiện tại, fan theo đuổi thần tượng một cách điên cuồng như bỏ tiền để lấy được thông tin riêng tư, theo chân đến phim trường, lên máy bay về tận nhà riêng. Chính họ là người bỏ tiền ra để mua những bức hình chụp lén thần tượng từ ảnh làm việc cho đến ảnh sinh hoạt đời thường. Thậm chí, nhiều người hâm mộ có tiền nhưng không có thời gian đã thuê các tay săn ảnh đi theo thần tượng để chụp ảnh.
Tiểu Bạch, một fan nữ của nam nghệ sĩ chia sẻ với tờ Tin tức Bắc Kinh rằng cô tham gia một nhóm bán ảnh chợ đen với khoảng 500 thành viên gồm các tay paparazzi, người hâm mộ và cả antifan. Trong group, hoạt động mua bán, thương thuyết giá cả diễn ra công khai.
Cô tiết lộ chỉ cần bỏ ra 300-500 NDT (khoảng 43-71 USD) đã có thể sở hữu khoảng 100 bức hình chụp nghệ sĩ trên phim trường. Do nhu cầu của những người hâm mộ như Tiểu Bạch rất nhiều, nên nghề săn ảnh phim trường ngày càng phát triển.
Tiểu Phi - người từng đảm nhiệm chức giám đốc truyền thông của bộ phim cổ trang cho biết hiện tại nhiều đơn vị coi việc chụp trộm như luật chơi tất yếu trong sự phát triển của ngành công nghiệp thần tượng, cấm cản nhưng không thể loại bỏ. Các nhà làm phim và nghệ sĩ chỉ có thể nghĩ cách để cứu vãn tình hình, lợi dụng sức lan tỏa của những bức ảnh chụp trộm.
Khi hình ảnh trên phim trường bị lộ, các đoàn phim cũng nhân cơ hội đó để điều tra phản ứng của khán giả với tạo hình nhân vật hay danh tiếng của diễn viên. Ví dụ, đoàn phim Vụng trộm không thể giấu do Triệu Lộ Tư và Trần Triết Viễn đóng chính đã thay đổi tạo hình nhân vật, sau khi những cảnh đầu tiên bị khán giả chê bai.
Việc bị lộ ảnh phim trường cũng kéo dài sự quan tâm của khán giả với dự án đó, từ khi khai máy tới khi kết thúc. Song, ngược lại, phim bị tiết lộ trước nhiều cũng làm khán giả cảm thấy nhàm chán.
Hình ảnh chụp trộm phục vụ chính nhu cầu của người hâm mộ và trở thành mánh khóe để đoàn phim thu hút sự chú ý của công chúng. |
Bên cạnh đó, Sina nhận xét với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, phương tiện để các ngôi sao đánh bóng hình ảnh, tiếp cận với khán giả ngày càng nhiều. Do đó, các ngôi sao cũng sẵn lòng đón tiếp lượng paparazzi tới chụp họ tại sân bay hay sự kiện, từ đó sẽ có loạt chủ đề như "nữ hoàng sân bay", "ngôi sao A nổi bật với thời trang sân bay", "vẻ lộng lẫy của B khi tham gia sự kiện", "ảnh chưa qua chỉnh sửa của nghệ sĩ C"....
Tuy nhiên, đây chỉ là cách nghệ sĩ, đoàn phim đối phó với hành vi chụp trộm quay lén đã diễn ra. Những hoạt động này đang bị biến tướng với mục đích xấu như cố tình chụp khoảnh khắc hớ hênh, nhạy cảm của các ngôi sao để tống tiền. Hay tay săn ảnh cố tình quay, chụp hình ảnh xấu xí, phản cảm và bán chúng cho antifan để làm mất uy tín và hình tượng của nghệ sĩ.
Do đó, một số nghệ sĩ phải giữ quan hệ với nhóm paparazzi để mua lại những bức ảnh nhạy cảm. Trong khi đó, các đoàn phim thiết lập rào chắn để hạn chế sự tiếp xúc gần giữa khán giả và nghệ sĩ. Nhiều ngôi sao thậm chí đã tự trang bị dù để che chắn và bảo đảm an toàn cho bản thân trong vòng vây người hâm mộ, đội ngũ livestream và cánh săn ảnh. Tuy nhiên, việc này không mang lại nhiều hiệu quả.