Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran được dỡ bỏ vào sáng 18/10, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Việc dỡ bỏ lệnh này phù hợp với thời hạn 5 năm được đề ra trong thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết vào năm 2015.
Bộ Ngoại giao Iran cho biết: "Kể từ hôm nay, tất cả hạn chế đối với việc chuyển giao vũ khí, các hoạt động và dịch vụ tài chính liên quan từ Cộng hòa Hồi giáo Iran và đến Cộng hòa Hồi giáo Iran... đều tự động chấm dứt".
Một tên lửa do Iran sản xuất được bắn đi vào tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif mô tả ngày 18/10 là thời điểm quan trọng và đặt sự kiện này trong bối cảnh ngoại giao cũng như quân sự.
"Việc bình thường hóa hợp tác quốc phòng của Iran với thế giới ngày hôm nay là một chiến thắng cho chủ nghĩa đa phương, cho hòa bình và an ninh trong khu vực của chúng ta", ông Zarif nói.
Vào mùa hè năm nay, Pháp, Đức và Anh đã bác bỏ đề xuất của Mỹ, theo đó Washington muốn áp đặt lại tất cả lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran. Ba quốc gia này lo ngại Tehran sẽ rút hoàn toàn khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPoA), tên gọi chính thức của thỏa thuận năm 2015.
Theo điều khoản trong JCPoA, lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc được dỡ bỏ sau 5 năm kể từ khi được ký kết vào ngày 15/10/2015.
Nga và Trung Quốc hiện là hai quốc gia có nhiều khả năng cung cấp vũ khí cho Tehran, khiến quốc gia Trung Đông này bớt phụ thuộc vào ngành công nghiệp vũ khí trong nước và qua hoạt động buôn lậu, theo Guardian.
Tuy nhiên, trước tình hình tài chính eo hẹp của Iran và việc Mỹ đe dọa trừng phạt các bên giao dịch với nước này, Tehran khó có thể tiếp tục các hợp đồng mua vũ khí ngắn hạn, hoặc đạt mức chi tiêu quốc phòng như của các đối thủ lớn nhất vùng Vịnh là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất (UAE).