Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Ngày càng nhiều người Việt mua nhà ở nước ngoài

Xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ con cái du học và sau đó là gia tăng tài sản, người giàu Việt đang quan tâm nhiều hơn đến bất động sản ở các thị trường phát triển.

Chỉ trong vài tháng đầu năm, thị trường Việt Nam đã chào đón 2 đơn vị quản lý gia sản nổi tiếng cho người giàu thế giới, gồm Savills The Private Office và Christie’s International Real Estate cùng đến từ London (Anh).

Cả 2 đơn vị này đều nhấn mạnh Việt Nam là thị trường mới nổi với số lượng người giàu muốn đầu tư bất động sản ở nước ngoài đang tăng mạnh.

Nhu cầu đầu tư bất động sản ở nước ngoài

Trao đổi với Tri thức - Znews, ông Jonathan Hewlett, Chủ tịch Savills The Private Office toàn cầu, cho biết nhu cầu đầu tiên của người giàu Việt là thuê hoặc mua căn hộ cho con đi du học, có thể là ở Anh, Australia, Canada hoặc Mỹ. Sau đó, họ bắt đầu tìm kiếm những khoản đầu tư tiếp theo khi con cái họ muốn làm việc hoặc định cư ở nước ngoài.

Đối với Savills The Private Office, đây chính là tệp khách hàng tiềm năng đầu tiên khi mở rộng đến thị trường Việt Nam. Thực tế, Việt Nam là thị trường thứ 3 tại Đông Nam Á mà bộ phận chuyên biệt này của Savills xuất hiện, sau Thái Lan và Singapore.

bat dong san anh 1

Ông Jonathan Hewlett, Chủ tịch Savills The Private Office. Ảnh: Savills.

"Xuyên suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ rất nhiều nhà đầu tư có mong muốn mở rộng kênh đầu tư tại thị trường quốc tế, đặc biệt với phân khúc nhà ở và thương mại.

Bước chuyển mới này của Private Office là để nắm bắt những cơ hội và tiềm năng mà thị trường Việt Nam sở hữu", ông Jonathan Hewlett cho biết.

Theo ông, các chuyên gia của bộ phận chuyên biệt này sẽ hỗ trợ khách hàng từ những bước đầu tiên như tư vấn trường học cho con cái, giới thiệu bất động sản để thuê hoặc mua, cũng như kết nối với ngân hàng sở tại để hỗ trợ vay vốn, hoặc định giá các tài sản.

"Tầng lớp người giàu hiện tại ở Việt Nam đa phần là thế hệ giàu có đầu tiên hoặc thứ 2 trong gia đình, vì vậy họ được thôi thúc phải giữ gìn và gia tăng khối tài sản để có thể truyền lại cho con cháu. Do đó, bên cạnh các khoản đầu tư trong nước, họ có xu hướng đầu tư thêm tại các thị trường đã phát triển với khuôn khổ pháp lý rõ ràng và thanh khoản cao", ông Jonathan đánh giá.

Tầng lớp người giàu hiện tại ở Việt Nam đa phần là thế hệ giàu có đầu tiên hoặc thứ 2 trong gia đình, vì vậy họ được thôi thúc phải giữ gìn và gia tăng khối tài sản để có thể truyền lại cho con cháu

Ông Jonathan Hewlett, Chủ tịch Savills The Private Office

Thực tế, Savills cho hay một nhà đầu tư Việt Nam trong năm 2023 cũng đã mua một tòa văn phòng trên phố Old Broad, London trị giá hơn 200 triệu bảng Anh (khoảng 257 triệu USD). Đây cũng là giao dịch văn phòng lớn nhất tại London trong năm qua.

Ông Jonathan cũng cho rằng do đã có nhiều thương hiệu bất động sản quốc tế góp mặt ở thị trường Việt Nam, nên quyết định đầu tư ra nước ngoài của người Việt đang ngày càng dễ dàng hơn.

"Tầng lớp giàu có ở Việt Nam đã quen thuộc với các khu nghỉ dưỡng của Six Senses hay Raffles, do đó khi chúng tôi tiếp thị cho họ các dự án phức hợp của 2 thương hiệu này ở London, có khá nhiều người Việt bày tỏ sự quan tâm", ông lấy ví dụ.

Bà Helena Moyas de Forton, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) và kiêm nhiệm thị trường châu Á - Thái Bình Dương (APAC) của Christie’s International Real Estate cũng cho biết Việt Nam đã nằm trong tầm ngắm của tập đoàn từ rất lâu.

Christie’s nhìn nhận Việt Nam là một trong những thị trường bất động sản cao cấp phát triển nhanh nhất thế giới, với hàng chục dự án sang trọng nhờ vào làn sóng đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ.

Trong đó, thị trường không chỉ chứng kiến sự gia tăng của đội ngũ chuyên gia, người lao động từ nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản đến Việt Nam mua và đầu tư bất động sản, mà số lượng người Việt sở hữu tài sản ròng cao muốn đầu tư bất động sản ở nước ngoài cũng tăng mạnh.

Vì vậy, với văn phòng tại Việt Nam, Christie’s sẽ phục vụ nhóm khách hàng muốn đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường mục tiêu như London (Anh), Paris (Pháp), Dubai, Australia và Mỹ.

Không dừng lại ở bất động sản

Thực tế, động thái gia nhập thị trường của Christie's có thể không chỉ dừng lại ở lĩnh vực bất động sản. Việc mở rộng đến Việt Nam của Christie’s International Real Estate được thúc đẩy thông qua hợp tác với S&S Group - nhà phân phối chính thức của nhiều thương hiệu xa xỉ như Rolls-Royce, Lamborghini, McLaren, Richard Mille, Audermars Piguet, Berluti, Baccarat...

Trong thông báo mở văn phòng ở TP.HCM, tập đoàn cũng cho biết S&S sẽ nhận được mối quan hệ tiếp thị độc quyền với nhà đấu giá Christe’s nhằm giới thiệu các sản phẩm cao cấp và tác phẩm nghệ thuật.

Thực tế, châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là khu vực đóng góp doanh số bán hàng chính và có nhiều người mua mới nhất của Christe’s. Trong năm 2023, chỉ riêng khu vực APAC đã mang về 805 triệu USD doanh thu đấu giá, chiếm 28% trên tổng doanh thu toàn cầu. Con số này dự báo còn tăng thêm sau khi Christie’s khai trương trụ sở APAC mới tại Hong Kong vào cuối năm nay.

Theo Báo cáo Thịnh vượng được công bố hồi tháng 3, Knight Frank ước tính Việt Nam sẽ có 978 người siêu giàu (sở hữu trên 30 triệu USD) vào năm 2028, lọt top 5 nước có nhiều người siêu giàu nhất APAC, vượt qua cả Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.

bat dong san anh 2

Việt Nam được dự báo lọt top 5 nước có nhiều người siêu giàu nhất APAC năm 2028. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đáng chú ý, liên quan đến những hạng mục đầu tư xa xỉ nhất của giới siêu giàu khu vực, số liệu của Knight Frank cho thấy mỹ thuật đang dẫn đầu với mức giá tăng 11% trong năm 2023. Kế đến trong top 5 tăng giá là đồ trang sức (8%), đồng hồ (5%), tiền cổ (4%) và kim cương màu (2%).

Riêng tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về nhập khẩu giai đoạn 2018-2022 đối với xe hơi là 26%, đồ trang sức và đồng hồ là 8%, rượu vang 6%.

Ông Kevin Coppel, Giám đốc điều hành Knight Frank châu Á - Thái Bình Dương, nhận định giới nhà giàu và siêu giàu châu Á vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho đầu tư xa xỉ.

"Trên khắp châu lục, các đại gia, tài phiệt không ngừng ưu tiên mua sắm xa xỉ phẩm nhằm đa dạng hoá danh mục đầu tư, cũng như khai thác tiềm năng lợi nhuận to lớn mà những hạng mục tài sản này mang lại", ông nói thêm.

Với đà tăng của lớp người giàu có, McKinsey tính toán đến năm 2027, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân trị giá khoảng 600 tỷ USD, qua đó, quy mô thị trường quản lý tài sản sẽ rơi vào mức 65-75 tỷ USD.

Việt Nam sẽ có gần 1.000 người siêu giàu vào năm 2028

Năm 2028, dân số siêu giàu Việt Nam sẽ đạt 978 người, tăng khoảng 30% so với năm 2023 và nằm trong top 5 châu Á - Thái Bình Dương, dẫn trước cả Hàn Quốc, Hong Kong và Singapore.

New World Wealth: Người Việt sẽ giàu nhanh nhất thế giới

Theo báo cáo mới công bố của New World Wealth, Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản đột biến lên đến 125% trong thập kỷ tới.

Nhà phân phối Rolls-Royce, Lamborghini lấn sân mảng bất động sản

S&S Group, nhà phân phối chính hãng của Rolls-Royce, Lamborghini, Richard Mille... vừa công bố đưa thương hiệu bất động sản của nhà đấu giá Christie’s đến Việt Nam.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm