Việt Nam được coi là một quốc gia tương đối an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo CNBC, báo cáo mới công bố của công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth và hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners cho thấy Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản đột biến nhất trong thập kỷ tới.
Andrew Amoils, nhà phân tích của New World Wealth cho rằng mức độ giàu có của quốc gia Đông Nam Á này được dự báo tăng tới 125%. Đây sẽ là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào xét về GDP bình quân và số lượng triệu phú. Ấn Độ dự kiến đứng ở vị trí thứ hai với mức tăng trưởng tài sản dự kiến là 110%.
Theo số liệu của New World Wealth, Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú (tài sản hơn 1 triệu USD) và 58 triệu phú có từ 100 triệu USD trở lên. Việt Nam được xem là một quốc gia tương đối an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chỉ 10 năm trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 2.190 USD, nhưng hiện đã tăng gần gấp đôi lên 4.100 USD, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới. Ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của VinaCapital đánh giá Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi.
Ông Ho cho biết Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ làn sóng đa dạng hóa sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia với số vốn đầu tư mạnh mẽ. Nhờ vậy, FDI vào Việt Nam trong năm 2023 đã tăng 32% so với năm trước đó, vượt mức 36,6 tỷ USD.
Các nhà phân tích của New World Wealth nhìn nhận Việt Nam là cơ sở sản xuất ngày càng phổ biến của các công ty công nghệ, ôtô, điện tử, quần áo và dệt may.
Theo Phó chủ tịch Maybank Brian Lee, câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm trọng tâm, được thúc đẩy bởi ba làn sóng FDI trong ba thập kỷ qua và đất nước đang đứng trước làn sóng thứ tư.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam đã chậm lại ở mức 5,05% so với mức tăng 8,02% vào năm 2022 do nhu cầu toàn cầu suy giảm và đầu tư công bị đình trệ.
Phó chủ tịch Maybank cho rằng cần nâng cao trình độ của lực lượng lao động để giải quyết nhu cầu của các hoạt động sản xuất phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng. "Có thể làm nhiều hơn nữa để tối đa hóa tác động lan tỏa năng suất từ FDI, thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty nước ngoài và các đối tác trong nước", ông lưu ý.
Giám đốc đầu tư của VinaCapital đánh giá suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài cũng có thể tác động đến nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường phát triển, từ đó có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, ông tin rằng Việt Nam sẽ có thể vượt qua những thách thức phát sinh trong tương lai.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.