Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày càng có nhiều nước đầu tư vào nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai

Giá rẻ nhưng hiệu quả sử dụng cao, nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai được nhiều nhà khoa học kỳ vọng sẽ là lời giải cho “bài toán” năng lượng của thế giới.

Nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai có nhiều ưu điểm vượt trội so với thế hệ thứ nhất. Ảnh: Daryl Marshke.

Theo ông Paul Delouche, Giám đốc tại Bureau Veritas Marine & Offshore, một trong những phát hiện thú vị của ngành công nghiệp năng lượng là nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai.

Đây là nhiên liệu được sản xuất từ ​​sinh khối phế thải thay vì từ cây trồng nông nghiệp. Chính phủ nhiều nước đang dần để mắt tới công nghệ này vì những ưu điểm vượt trội của nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai so với thế hệ đầu tiên cũng như những loại nhiên liệu khác.

Loại nhiên liệu của tương lai

Công ty NNFCC, một công ty chuyên tư vấn về năng lượng sinh học được thành lập bởi chính phủ Anh, cho rằng nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai vượt trội hơn so với thế hệ đầu tiên. Ưu điểm của loại nhiên liệu này là có thể sản xuất bằng các nguyên liệu sinh học phi thực phẩm.

Chính điều đó đã làm giảm thiểu lo ngại về vấn đề an ninh lương thực do việc sử dụng các loại cây như mía, ngô hay các loại hạt như cải dầu, đậu nành để sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ thứ nhất.

xang dau anh 1

Nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai có thể được sản xuất từ chất thải công nghiệp. Ảnh: Reuters.

Theo ông Oliver R. Inderwildi, tác giả cuốn sách Future of Mobility Roadmaps, mục tiêu của nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai là mở rộng lượng nguyên liệu sinh học có thể được sản xuất bền vững.

Những nguyên liệu trước nay bị bỏ đi lãng phí như sinh khối, gồm thân cây, lá và vỏ trấu, cũng như các loại cây trồng khác không được sử dụng cho mục đích lương thực và cả chất thải công nghiệp, như dăm gỗ, vỏ và cùi từ quá trình ép trái cây, đều sẽ được sử dụng để tạo nên nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai.

Theo các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Bioethanol Brazil, ethanol có thể được sản xuất bằng cách sử dụng sinh khối phế thải giúp tiết kiệm chi phí hơn và có thể đạt được lợi ích cao hơn trong dài hạn khi so với việc sản xuất ethanol thông thường. Các nhà khoa học cũng ước tính rằng việc sử dụng sinh khối thay vì xăng để sản xuất ethanol có thể giảm 80% lượng khí thải nhà kính.

Theo một báo cáo khoa học tại Thụy Điển năm 2013, nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai giảm phát thải khí nhà kính tới 60-90% khi so sánh với nhiên liệu hóa thạch và ngang bằng với nhiên liệu sinh học tốt nhất hiện nay của thế hệ thứ nhất.

Giá nhiên liệu điện tử hiện tại khá cao, nhất là khi bạn so sánh với nhiên liệu sinh học. Mức giá của chúng chỉ thuộc loại trung bình

Ông Paul Delouche, Giám đốc tại Bureau Veritas Marine & Offshore

Bên cạnh đó, giá của nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai cũng rẻ hơn so với các loại nhiên liệu khác, đặc biệt là khi đặt cạnh bàn cân giá nhiên liệu điện tử.

"Giá nhiên liệu điện tử hiện tại khá cao, nhất là khi bạn so sánh với nhiên liệu sinh học. Mức giá của chúng chỉ thuộc loại trung bình”, ông Paul Delouche nhận định.

Cuộc đua nghiên cứu và ứng dụng

Nhiều quốc gia đang chạy đua trong việc nghiên cứu ứng dụng và phát triển nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai như Brazil, Canada, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Ấn Độ…

Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho biết cơ quan này đang cung cấp khoản vay trị giá 120 triệu euro cho Công ty Repsol để hỗ trợ việc xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai đầu tiên tại Tây Ban Nha.

Chức năng của nhà máy này sẽ sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai và tiên tiến từ các loại chất thải khác nhau chủ yếu từ ngành công nghiệp thực phẩm nông nghiệp, chẳng hạn như dầu ăn đã qua sử dụng.

xang dau anh 2

Ngành công nghiệp năng lượng xanh ngày càng được chính phủ nhiều nước thúc đẩy phát triển. Ảnh: Reuters.

Công việc xây dựng bắt đầu vào tháng 3/2023 và dự kiến ​​hoàn thành vào nửa cuối năm. Nhà máy sản xuất sẽ được đặt trong khuôn viên khu liên hợp công nghiệp của Repsol tại Cartagena, Vùng Murcia - một khu vực gắn kết của EU.

Qua đó, nhà máy sẽ xử lý 300.000 tấn mỗi năm (tpa) dư lượng lipid để sản xuất tới 250.000 tấn mỗi năm nhiên liệu sinh học thế hệ thứ 2 hoặc/và tiên tiến cho ngành giao thông vận tải.

Giám đốc tài chính của Repsol, Antonio Lorenzo cho biết: “Chúng tôi tự hào là công ty đầu tiên trong ngành nhận được loại tài chính này, đây là kết quả của cam kết thực hiện các dự án đột phá nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh chóng, hiệu quả và công bằng”.

Nhà máy đổi mới này sẽ góp phần phát triển nhiên liệu carbon thấp được sử dụng trong các lĩnh vực khó khử cacbon và khó điện khí hóa. Dự án phù hợp với thuận xanh châu Âu và gói Fit for 55 và sẽ hỗ trợ an ninh năng lượng bằng cách giảm sự phụ thuộc của EU vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

xang dau anh 3

Những nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai của Repsol sẽ được xây dựng ở châu Âu từ đầu năm 2023. Ảnh: NS Energy.

Theo CNN, những vị lãnh đạo của Mexico đã lặng lẽ định vị quốc gia này trở thành một thủ phủ sản xuất nhiên liệu sinh học, đặc biệt là sau khi họ nhận ra những giá trị tiềm năng của nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai.

Vào năm 2007, Mexico cùng với 14 quốc gia thành viên khác của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, đã cam kết phát triển các chiến lược mới cho nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai để không ảnh hưởng đến việc sản xuất lương thực. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador từng tuyên bố 15% máy bay tại quốc gia này sẽ dùng năng lượng sinh học vào năm 2020.

Tại Anh, các công ty như INEOS Bio và British Airways đang phát triển các nhà máy lọc nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai. Cơ quan NNFCC cho biết nhiên liệu sinh học thế hệ mới có thể đáp ứng tới 4,3% nhu cầu về nhiên liệu vận tải của Anh vào năm 2020 và giảm thiểu 3,2 triệu tấn CO2 mỗi năm, tương đương với việc loại bỏ gần một triệu ôtô ra khỏi đường phố.

Theo Biofuels International, các công ty dầu mỏ Ấn Độ đã đồng ý xây dựng 7 nhà máy lọc nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai trên khắp đất nước. Vào tháng 5/2018, chính phủ Ấn Độ đã công bố chính sách hỗ trợ ngân sách cho việc nghiên cứu và sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai tại quốc gia này.

Tờ The Guardian đưa tin chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Air New Zealand​​ đã bay thử nghiệm thành công trong khi sử dụng loại nhiên liệu gồm xăng máy bay pha với dầu chiết xuất từ hạt jatropha theo tỷ lệ 50/50. Chuyến bay dài 2 giờ đã kết thúc tốt đẹp và đánh dấu một cột mốc mới của nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai.

Trước đó, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đã xem xét dùng tảo để chế tạo nhiên liệu cho máy bay phản lực và sử dụng cho các lĩnh vực khác trong không gian. “Tiềm năng của tảo rất đáng quan tâm”, ông Paul Dickerson, Giám đốc Điều hành Văn phòng Hiệu quả năng lượng và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, nhận định.

Trung Quốc nới lỏng hạn chế, nhu cầu nhiên liệu tăng vọt

Nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới đang thúc đẩy trở lại nhu cầu nhiên liệu toàn cầu, sau khi nới lỏng đáng kể các hạn chế Covid-19 tại nước này.

Châu Âu khó 'cai' nhiên liệu từ Nga

Khí đốt được vận chuyển qua đường biển từ Nga tới châu Âu vẫn đạt kỷ lục. Khu vực này khó "cai" khí đốt Nga dù dòng chảy qua các đường ống gần như đã dừng lại.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Thanh Vũ

Bạn có thể quan tâm