Từ tháng 1 đến tháng 10, khối lượng LNG được châu Âu nhập khẩu từ Nga đã tăng mạnh so với năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Theo Financial Times, tại châu Âu, trong 10 tháng năm nay, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nga chiếm 16% lượng LNG nhập khẩu qua đường biển của châu Âu từ tháng 1 đến tháng 10. Các khách hàng lớn nhất tại châu Âu là Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha và Hà Lan.
Trên thực tế, 17,8 tỷ m3 LNG thấp hơn nhiều 62,1 tỷ m3 khí đốt được vận chuyển qua đường ống trong cùng giai đoạn. Nhưng điều này vẫn đẩy khu vực này vào thế khó trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine.
LNG Nga sang châu Âu tăng mạnh
"Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin ngừng bán LNG sang châu Âu, khu vực này sẽ phải mua khí đốt trên thị trường giao ngay với giá trên trời", bà Anne-Sophie Corbeau - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia - giải thích.
Theo bà, Nga có thể bán LNG sang các quốc gia như Bangladesh và Pakistan với giá rẻ nhằm "tăng ảnh hưởng chính trị" và "gây sức ép lên châu Âu". "Đừng quên rằng rất nhiều quốc gia không đủ tiền mua LNG", bà Corbeau nhấn mạnh.
Hiện chưa có lệnh trừng phạt nào đối với khí đốt Nga bởi tầm quan trọng của mặt hàng này với an ninh năng lượng ở một số nước châu Âu. Sau khi phát động cuộc chiến ở Ukraine, Điện Kremlin liên tục giảm công suất của các đường ống dẫn khí sang châu Âu.
Nguồn cung năng lượng bị thu hẹp đã đẩy giá cả lên cao và gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên khắp lục địa.
Khí đốt được vận chuyển qua đường biển từ Nga tới châu Âu đạt kỷ lục trong năm nay. Ảnh: FT. |
Lượng khí đốt chảy qua đường ống Yamal, chạy qua Ba Lan, đã bị dừng kể từ tháng 5. Nga cũng đóng đường ống Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Moscow gần đây dọa sẽ siết nguồn cung khí đốt sang Tây Âu với đường ống duy nhất chạy qua Ukraine. Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu Bruegel, khí đốt theo đường ống từ Nga tới châu Âu đã giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để thay thế khí đốt của Nga, châu Âu đã mua LNG từ thị trường quốc tế. Theo dữ liệu của Refinitiv, trong 10 tháng năm nay, lục địa này đã nhập khẩu 111 tỷ m3 LNG, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khó thay thế
Kể từ năm 2017, Nga trở thành một trong 3 nguồn cung LNG lớn nhất của châu Âu, chiếm 20% tổng lượng nhập khẩu trong 3 năm qua.
Theo dữ liệu của Refinitiv, Nga vẫn là nguồn cung LNG lớn thứ 2 của châu Âu trong năm nay, nhưng thị phần đã giảm còn 16% do châu Âu tăng cường nhập khẩu LNG từ Mỹ (chiếm 42% thị trường).
Qatar là nhà cung cấp LNG lớn thứ 3 cho châu Âu, chiếm 13,7%.
Tôi cho rằng việc mua LNG từ Nga là bình thường. Bởi nếu không, họ cũng sẽ bán cho nước khác
Ông Georg Zachmann - nhà nghiên cứu tại Bruegel
"Tôi cho rằng việc mua LNG từ Nga là bình thường. Bởi nếu không, họ cũng sẽ bán cho nước khác", ông Georg Zachmann - nhà nghiên cứu tại Bruegel - bình luận.
"Điều châu Âu cần ngay lúc này là một cơ chế đề phòng trường hợp Nga chỉ bán khí đốt cho một số nước nhất định ở châu Âu, nhằm đổi lấy lợi ích chính trị và khiến châu Âu bất hòa", ông nói thêm.
Theo dữ liệu của Bloomberg, xuất khẩu LNG tháng 10 của Nga đã tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao nhất kể từ tháng 3.
Gần 50% khí đốt được vận chuyển bằng đường biển vẫn đang trên đường đi, nhưng dữ liệu cho thấy các nước nhập khẩu hàng đầu là Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản.
Xuất khẩu LNG của Nga tăng mạnh cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang tăng cao. Trong khi đó, theo các thương lái, Trung Quốc đã tăng cường mua LNG từ Nga nhằm tranh thủ mức giá rẻ.
Ngoài khí đốt, theo một phân tích của Nikkei Asia, sau khi được che giấu xuất xứ, hàng triệu thùng dầu vẫn rời khỏi Nga để cập các cảng châu Âu trong vòng 6 tháng qua.
Cụ thể, 6 tháng kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, 41 tàu đã thực hiện hoạt động chuyển tải ngoài khơi bờ biển Hy Lạp với các tàu chở dầu từ Nga, rồi cập cảng châu Âu. Năm ngoái, con số này chỉ dừng ở một tàu.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...