Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày 12/3, tìm kiếm hộp đen bằng thiết bị của Singapore

Thiết bị phát hiện tín hiệu hộp đen ở độ sâu 100m của Singapore sẽ được đưa lên tàu Việt Nam. Hộp đen có thể phát tín hiệu 30 ngày kể từ sau tai nạn.

  • "Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, máy bay Boeing 777 khi mất tích được xác định là đang bay ở độ cao hơn 350 feet, tức là khoảng hơn 10.000m. Có giả thiết đưa ra máy bay nổ ở trên không, nếu đúng thì chứng tích các mảnh vỡ sẽ rơi vương vãi dưới biển, hoặc đất liền. Tuy nhiên, đến hôm nay vẫn không tìm thấy dấu vết nào là mảnh vỡ của máy bay nên giả thiết đó là không có cơ sở", PV Nguyễn Vũ thông tin.

  • Thợ lặn Việt Nam có thể lặn sâu tới 80m. "Độ sâu khu vực chúng ta đang hoạt động tìm kiếm là 20m đến 50m, còn phía Vịnh Thái Lan nếu sâu hơn thì sẽ phải có các phương tiện khác. Tôi có thể tiết lộ thợ lặn của hải quân nhân dân Việt Nam có thể lặn sâu đến 70m đến 80m, và đã từng thực hiện lặn rồi", tướng Tuấn cho biết.

     

  • Ông Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, chỉ huy từ sân bay Tân Sơn Nhất sáng 11/3. Ảnh: Hoàng Hà.

  • "Mắt thần" CASA đã thu lại được một đốm trắng khác lạ trên vùng biển nghi máy bay Malaysia mất tích. Theo Vietnamnet.

  • Hình ảnh được máy bay CASA 801 phát hiện lúc 10h53 phát hiện tại tọa độ 7độ 59'17"-103độ 103'44'05".

  • Cho phép máy bay Trung Quốc vào khu vực tìm kiếm
    PV Vũ Nguyễn cập nhật: "Theo thông tin từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Hàng không, trong sáng nay, Trung Quốc đã xin phép được điều thêm 1 máy bay từ đảo Hải Nam xuống khu vực tìm kiếm. Việt Nam đã cho phép máy bay này vào không phận tìm kiếm.
    Vào 11h trưa nay, máy bay IL 76 của Trung Quốc vừa được cấp phép đã bay tới khu vực Iganri. Ngoài ra một máy bay khác là Tu 154 cũng đang chuẩn bị bay vào không phận Việt Nam".
  • Trưa 11/3, tại huyện Phú Quốc, ông Lâm Hoàng Sa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - chủ trì cuộc họp với các cơ quan, ban ngành huyện để bàn về tình huống xấu nhất có thể xảy ra. PV Trường Nguyên thông tin.

  • 2 trực thăng kết thúc đợt tìm kiếm kéo dài 3,5 giờ

    Lúc 13h07 chiều 11/3, trực thăng Mi 171-04 đã đáp xuống sân bay Cà Mau, kết thúc đợt tìm kiếm kéo dài hơn hơn 3,5 giờ trên vùng biển, cách bờ biển Bạc Liêu khoảng 120km về phía Đông Nam. Trước đó, vào 12h45 cùng ngày, trực thăng Mi 171-8431 cũng đã kết thúc đợt tìm kiếm ở vùng biển phía Tây Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 100km.

    Thượng tá Ngô Vi Sơn, cơ trưởng trực thăng, chia sẻ: “Nhận lệnh từ Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc (Kiên Giang), lúc 9h45 ngày 11/3, 2 trực thăng Mi 171-02 và 8431 đã cất cánh từ sân bay Cà Mau lên đường đi làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Diện tích tìm kiếm 30 - 50km2, cách bờ biển Cà Mau khoảng 120km về phía Đông Nam. Chúng tôi sau khi tiếp nhiên liệu, nếu có lệnh sẽ tiếp tục cất cánh lên đường làm nhiệm vụ”. PV Đình Đình cho biết từ Cà Mau.

     

  • Vị trí phát hiện vật thể lạ vừa được máy bay CASA 212 phát hiện.
  • AN26 kết thúc chuyến tìm kiếm đầu tiên trong ngày

    11h30 trưa nay, chiếc máy bay AN 26 mang số hiệu 261 của Lữ đoàn không quân 918 đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc chuyến tìm kiếm đầu tiên trong ngày của phi cơ AN 26. Máy bay này đã tìm kiếm tại một vùng biển hoàn toàn mới so với 3 ngày đầu tiên. Vùng biển này nằm ở phía tây nam đảo Phú Quốc và bán đảo Cà Mau, cách đất liền khoảng 150km.

    Theo cơ trưởng - thượng tá Võ Đức Long, vùng tìm kiếm có diện tích hình chữ thập, với chiều dài nhất 126 km, chiều ngang rộng nhất 104km, tổng diện tích tìm kiếm khoảng 11.000km.

    Cùng với hai máy bay AN 26, hai máy bay Casa 212 của cảnh sát biển cũng đã xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất trong sáng nay, để thực hiện việc tìm kiếm. Dự kiến trong chiều nay, AN 26 sẽ tiếp tục xuất phát. Theo Tuổi Trẻ.

  • Sơ đồ đường bay tìm kiếm trong sáng nay 11/3 của các máy bay AN 26. Ảnh: Tuổi Trẻ.

     

  • 13h50, máy bay AN26 cất cánh từ Tân Sơn Nhất tìm kiếm theo hướng mới, ra Nam Côn Sơn. Cùng thời điểm, 2 chiếc máy bay tuần thám CASA 212 đã trở về Lữ đoàn Không quân 918 sau 5 tiếng tìm kiếm.Theo: Tiền Phong.

  • Ghi nhận của Flight Radar về các chuyến bay trong khu vực nghi máy bay Boeing 777 của Malaysia mất tích vào 12h15 ngày 11/3.
  • Trên website của Hãng hàng không Malaysia Airlines cũng thường xuyên cập nhật thông tin về chuyến bay MH 370 bị tai nạn.

     

  • Xuất hiện tín hiệu SOS ở Huế

    Sáng nay, một máy bay của Vietnam Airlines bay qua khu vực Huế nhận được một tín hiệu SOS, tại vị trí lệch về phía Bắc sân bay Phú Bài. Sau đó thông tin được thông báo tới các máy bay qua khu vực. Tuy nhiên, các máy bay sau đó qua khu vực này đã không tiếp nhận thêm được tín hiệu nào. Hiện tín hiệu này vẫn đang được kiểm tra.

    Trong sáng nay, các máy bay Việt Nam đã bay tổng cộng 8 lượt ra khu vực tìm kiếm, đồng thời 9 tàu đã tham gia tìm kiếm, nhưng chưa thu thập được thông tin gì khả quan về máy bay mất tích. Theo: Vietnamnet.

  • Hình ảnh tổ bay trên trực thăng Mi 171-04 làm nhiệm vụ tìm kiếm trên biển sáng nay. Ảnh Đình Đình.
  • Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, chỉ đạo tại sở chỉ huy VP Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Lê Hiếu.

     

     

  • Tin từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, từ tối qua tới nay vẫn không phát hiện bất kể mảnh vỡ hay vật gì tương tự như thông báo của máy bay Hong Kong. Hiện, tàu Hoàng Lộc 25 của Việt Nam vẫn đang tìm kiếm ở khu vực biển cách Vũng Tàu 60km. Từ tối qua tới nay tàu của Hải quân Việt Nam (tàu Trần Đại Nghĩa) và tàu Biên phòng cùng vài tàu cá vẫn đang tìm kiếm tiếp. Theo Tiền Phong.

  • Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu từ Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, công tác tìm kiếm tiếp tục triển khai với tất cả khả năng của Việt Nam. Vì vậy, thời gian có thể còn kéo dài. Tùy theo kết quả tìm kiếm, trong chiều nay sẽ định hướng và quyết định phương án tìm kiếm tiếp theo trong ngày mai.

  • 14h ngày 11/3, Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc công bố 2 số điện thoại nóng cung cấp thông tin tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Đó là 2 số máy: 077 3846 704 và 077 3847 508. Theo đó, một ngày sẽ thông tin 2 lần với báo chí (buổi sáng từ 11h30-12h, buổi chiều từ 18h-18h30). Các số này sẵn sàng nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân phát hiện dấu vết hoặc có thông tin mới liên quan đến máy bay Malaysia mất tích ngày 8/3. PV Đình Đình cho biết.

  • "Tiếp tục tìm kiếm phía Đông đường bay của máy bay Boeing 777 và khu vực biên giới Lào và Campuchia, bên cạnh đó huy động nhân dân vào tìm kiếm, đảm đảo công tác hậu cần an toàn cho bộ đội tham gia tìm kiếm" PV Lê Hiếu dẫn lời của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chỉ đạo tại Sở chỉ huy Văn phòng Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia.

  • Trung tướng Võ Văn Tuấn (thứ 3 từ trái sang), Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đang báo cáo tình hình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia, đồng thời để xuất các phương án tìm kiếm mới với Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ. Ảnh: Lê Hiếu.

     

  • Tàu Mỹ vào vùng biển Việt Nam

    PV Nguyễn Vũ tường thuật: “Theo trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, dự kiến tối nay Mỹ sẽ điều một tàu hậu cần vào tìm kiếm trong vùng biển Việt Nam và 1 tàu hậu cần khác tìm kiếm trong vùng biển Malaysia. Đồng thời sử dụng máy bay P3 tìm kiếm ở vùng biển Malaca.

    Trong chiều 11/3, phía Trung Quốc đang sử dụng 2 máy bay và 4 tàu tìm kiếm trong vùng biển Việt Nam. Để đảm bảo điều hành các phương tiện tìm kiếm an toàn, sáng 11/3, Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đã tăng cường một ra đa cơ động đến Sở chỉ huy không quân mới được lập ở Cà Mau.

    Ông Tuấn cho biết, hiện nay Việt Nam đã rải đều lực lượng trên khu vực tìm kiếm. Việc huy động máy bay tuần thám biển CASA tìm kiếm trong ngày hôm nay là rất hữu ích, bởi vì đây là loại máy bay hiện đại có khả năng truyền dữ liệu trực tiếp. Vì vậy, khi máy bay phát hiện vật thể khả nghi có thể lập tức điều động tàu ra tiếp cận”.

  • Từ ngày mùng 8 đến nay 11/3, Việt Nam đã tích cực huy động nhiều lực lượng hùng hậu và phương tiện hiện đại tham gia tìm kiếm trên vùng biển rộng lớn nhưng vẫn chưa phát hiện được dấu tích nào của máy bay Boeing 777 mất tích.

  • 15h30 chiều nay, Sư đoàn phòng không 367 (thuộc Quân chủng phòng không không quân) chuyển khí tài để thành lập trạm ra da tại sở chỉ huy tiền phương Không quân đóng tại sân bay Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Trạm ra da này có nhiệm vụ hỗ trợ, dẫn đường cho các máy bay tìm kiếm máy may Malaysia bị mất tích. PV Đình Đình thông tin.
  • Triển khai thiết bị, khí tài thành lập trạm ra đa chỉ huy, hướng dẫn máy bay cứu nạn tại Cà Mau. Ảnh: Đình Đình.

  • Ông Ravi Madavaram, thuộc công ty tư vấn toàn cầu Frost and Sullivan, cho hay khả năng sự cố bất ngờ dẫn tới việc máy bay nổ hoặc mất áp suất trong cabin một cách đột ngột đã được xem xét kỹ và nó khó có thể xảy ra với các máy bay chở khách hiện đại. Với chuyến bay MH370, điều này càng khó xảy ra bởi Boeing 777-200 là một trong những máy bay an toàn nhất thế giới.

  • Bộ trưởng Quốc phòng Datuk Seri Hishammuddin Hussein của Malaysia nói rằng, ông không loại trừ khả năng chuyến bay MH370 bị khủng bố. Datuk Seri Hishammuddin Hussein cũng tuyên bố, các nhà chức trách Malaysia đang điều tra tất cả các khả năng có thể xảy ra với chiếc máy bay mất tích. Theo: Tiền Phong.

  • 49 tàu và máy bay tìm kiếm Boeing 777

    Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, 29 tàu và hơn 20 máy bay đã tham gia tìm kiếm Boeing 777 của Malaysia mất tích. Tuy nhiên, đến hôm nay, lực lượng tìm kiếm chưa phát hiện dấu vết máy bay trên. Trong số 29 tàu tham gia tìm kiếm cứu nạn, Việt Nam có 10 tàu, Malaysia 9 tàu, Trung Quốc 4 tàu, Singapore 3 tàu, Hoa Kỳ 2 tàu, Thái Lan 1 tàu. Theo: Tiền Phong.

  • Kế hoạch ngày 12/3, Việt Nam vẫn duy trì 3 trực thăng, 4 AN 26 và 2 máy bay tuần thám CASA cùng thủy phi cơ DHC 6 tham gia tìm kiếm. Việc tìm kiếm vẫn được thực hiện trên khu  vực đã tìm các ngày qua nhưng có mở rộng ra phía Đông đường bay R208, phóng viên Lê Hiếu đưa tin.

  • Đội ngũ báo chí trong và ngoài nước túc trực tại văn phòng chỉ huy tìm kiếm cứu nạn quốc gia. Ảnh: Lê Hiếu

     

  • Kế hoạch tìm kiếm tiếp theo từ Văn phòng Quốc gia tìm kiếm cứu nạn:

    Về không quân: Xây dựng kế hoạch sử dụng 4 máy bay (1 CASA, 1 AN 26, 2 trực thăng Mi 171) bay tìm kiếm tại khu vực phía bên phải và 3 máy bay (1 DHC6 của Hải quân, 1 trực thăng Mi 171, 1 CASA) bay khu vực phía bên trái của đường bay L637 theo hướng Kuala Lampur - Bắc Kinh.

    Trên biển: Sử dụng 8 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài.

  • "Chúng ta đã huy động tối đa các lực lượng quân đội tham gia tìm kiếm, tuy nhiên đến bây giờ vẫn chưa phát hiện địa điểm cụ thể của máy bay mất tích. Cần phải tích cực hơn nữa, nhiều thân nhân của hành khách trên máy bay mất tích đang chờ đón kết quả... Chúng ta cần tập trung tìm kiếm, phát hiện càng sớm càng tốt máy bay mất tích. Đó là tình người. Đó là nhân đạo...", Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nói. Theo Tiền Phong.

  • Vệ tinh VNREDSAT-1 có khả năng chụp một dải ảnh rộng 17,5km liên tục kéo dài tới 4000km ở chế độ chụp ảnh đa phổ và khoảng 1000km ở chế độ chụp ảnh toàn sắc. Như vậy, nó có thể chụp các vệt ảnh phủ qua lãnh thổ VN đồng nhất hoàn toàn về điều kiện khí quyển, độ sáng mặt trời, qua đó, giảm thiểu được ảnh hưởng của các yếu tố này đến chất lượng ảnh thu được.

    22h tối 11/3 có ảnh tìm máy bay từ vệ tinh Việt Nam

    Đây là thông tin do Th.S Ngô Duy Tân, Phó GĐ Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN) cung cấp.

     

  • Trung tá Nguyễn Ngọc Sơn, cán bộ văn phòng tìm kiếm cứu nạn quốc gia cung cấp thông tin tổng kết cho báo chí: "Theo tin từ VP Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, ngoài các nước trong khu vực, Mỹ thông báo cho Việt Nam hiện có 1 tàu của nước này hoạt động tại phía nam FIR TP.HCM cùng với Malaysia. Dự kiến tối nay, Mỹ sẽ có thêm 1 tàu hậu cần đi vào khu vực được xác định là nơi máy bay Boeing 777 mất tích". Ảnh: Lê Hiếu. 

     

  • Ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ Hàng Hải Vũng tàu  cho hay, các lực lượng tìm kiếm  gồm  1 tàu Hải quân VN, 1 tàu của Biên phòng, 1 tàu của Doanh nghiệp vận tải Hoàng Lộc cùng rất nhiều tàu cá  khác đã ráo riết tìm kiếm trên vùng biển Vũng Tàu nhưng chưa phát hiện dấu vết khả nghi. Ông Chiến cũng cho biết thêm, tại vị trí mà phía Hồng Kông báo có nhiều mảnh vỡ trên biển, do lệch trục bay quá xa so với tuyến Kualalampua - Bắc Kinh tới 300km nên việc xảy ra những mảnh vỡ của máy bay ở khu vực này rất khó xảy ra. Theo Giao thông vận tải.

     

  • PV Trường Nguyên thông tin từ Phú Quốc: Lúc 17h30 ngày 11/3, Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tổ chức họp báo công bố kết quả tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia. "Trong ngày 11/3, chỉ riêng phía Việt Nam đã thực hiện hơn 10 lần tổ chức các máy bay AN 26, CASA, MI 171 ra tìm kiếm cứu hộ chiếc máy bay mất tích. Các nước khác cũng tổ chức nhiều chuyến bay với số lượng khác nhau nhưng chưa phát hiện thêm được gì. Các mảnh vỡ được phát hiện đều không liên quan đến chiếc máy bay mất tích”, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết. 

    Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn phát biểu trong cuộc họp báo chiều 11/3.
  • Tính đến 17h ngày 11/3, Việt Nam đã sử dụng 9 máy bay (với 13 lần bay), 9 tàu các loại thực hiện công tác tìm kiếm tại hiện trường khu vực khả nghi và mở rộng phạm vi tìm kiếm về hướng Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm những hôm trước. Việt Nam đã tập trung tìm kiếm, xác minh các vật thể do máy bay phát hiện. Phóng viên Mạnh Thắng đưa tin từ Văn phòng ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

  • Như vậy, đã có 90 lượt máy bay, tàu thủy tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Trong đó, lực lượng ngoài nước tham gia tìm kiếm với 14 máy bay, 22 tàu trong đó: Malaysia có 4 máy bay và 9 tàu; Trung Quốc 4 máy bay, 6 tàu; Singapore 2 máy bay, 3 tàu; Hoa Kỳ 4 máy bay, 3 tàu; Thái Lan 1 tàu.
  • Kế hoạch dự kiến tìm kiếm cứu nạn ngày mai (12/3), Cục hàng không Việt Nam vẫn sử dụng máy bay AN26 bay tìm kiếm mở rộng về phía Đông, Đông Nam tỉnh Sóc Trăng hơn 60km (rộng 35.000km2); thủy phi cơ và trực thăng Mi171 sẽ tìm kiếm ở khu vực biển hôm nay đã tìm (giữa đảo Phú Quốc và Thổ Chu, rộng hơn 5000km2), phóng viên Hoàn Nguyễn thông báo. 

  • Vùng mở rộng bay tìm kiếm vào ngày mai, 12/3. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
  • “Ngày mai, các lực lượng sẽ tổ chức bay tìm kiếm tại khu vực có nghi vấn tại mũi Cà Mau và Nam Côn Sơn”, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó tư lệnh Phòng không không quân - cho hay. 

    Về vấn đề các máy bay, tàu chiến, tàu cứu hộ các nước vào hải phận Việt Nam để tham gia công tác tìm kiếm, Thiếu tướng Tuấn cho biết: "Nếu máy bay và tàu của các nước bạn vào hải phận VN thì phải được chúng ta cấp phép, phân vùng độ cao và khu vực để có được kết quả tốt nhất. Nếu máy bay hay tàu của nước ta qua hải phận nước bạn thì cũng phải làm như vậy”.

    Một PV nêu câu hỏi liệu VN có sử dụng máy bay săn ngầm vào việc tìm kiếm cứu hộ hay không?, Thiếu tướng Tuấn cho biết việc điều máy bay săn ngầm tham gia công tác này sẽ không thu được kết quả vì loại này chỉ hiệu quả khi theo dõi vật di chuyển. PV Trường Nguyên thông tin từ Phú Quốc.

  • Các PV tác nghiệp trên chuyến bay AN26 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất chiều 11/3. Ảnh: Khánh Trung.

  • Chiều tối ngày 11/3, Cục hàng không Việt Nam đã gửi công văn cho Malaysia đề nghị xác nhận thông tin về việc phát hiện máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airline gần eo biển Malacca. PV Trường Nguyên điện thoại từ Phú Quốc.

  • Cục hàng không Việt Nam đã gửi công văn cho Malaysia đề nghị xác nhận thông tin về việc phát hiện máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airline gần eo biển Malacca.

    Việt Nam đề nghị Malaysia xác minh dấu hiệu ở Malacca

    Chiều tối 11/3, Cục hàng không Việt Nam đã gửi công văn cho Malaysia đề nghị xác nhận thông tin về dấu hiệu máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines gần eo biển Malacca.

  • Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, ông cũng đã biết thông tin dấu vết máy bay ở bờ khu vực eo biển Malacca, Tây Malaysia trên mạng. Nhưng thông tin chính thức thì đến nay chưa có cơ quan nào thông báo cho Việt Nam và ông Tuấn cho rằng cũng cần phải cảnh giác trước những thông tin có thể gây nhiễu loạn, phóng viên Mạnh Thắng cho hay. 

     

  • Trong ngày mai 12/3, thiết bị phát hiện tín hiệu của hộp đen ở độ sâu 100m của Singapore sẽ được đưa lên tàu SAR của Việt Nam. Các chuyên gia Singapore sẽ dùng thiết bị này để phát hiện tín hiệu của hộp đen tại các vị trí nghi ngờ. Đây chính là những thiết bị đã giúp Lào tìm kiếm cứu nạn trong vụ máy bay rơi năm 2013.

 

Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm