Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

22h tối 11/3 có ảnh tìm máy bay từ vệ tinh Việt Nam

Đây là thông tin do Th.S Ngô Duy Tân, Phó GĐ Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN) cung cấp.

Vào lúc 11h sáng 11/3 (tức khoảng 4h GMT), Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã điều khiển vệ tinh viễn thám VNREDSAT-1 chụp ảnh khu vực tây nam đảo Thổ Chu - khu vực nghi máy bay Malaysia mất tích.

Ông Ngô Duy Tân - PGĐ Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ  cho biết: “Sau khi nhận được yêu cầu từ lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học  và Cục Viễn thám (Bộ TNMT) chụp ảnh vệ tinh khu vực nghi máy bay Malaysia mất tích, trong ngày 10/3, Trung tâm đã lập lịch chụp ảnh theo yêu cầu đột xuất và sau 1 ngày (tức 11h hôm nay 11/3), Trung tâm đã tiến hành chụp ảnh qua vệ tinh viễn thám VNREDSAT-1".

Theo đó, sau khi phân tích và đặt lịch, bộ phận điều khiển online của Trung tâm sẽ liên lạc trực tiếp với trung tâm phát tín hiệu tại Hoà Lạc để chuyển lệnh lên vệ tinh.

Khi nhận được lệnh, vệ tinh tiến hành chụp ảnh và truyền dữ liệu ảnh thô xuống trung tâm thu nhận dữ liệu dưới mặt đất (là Đài Viễn thám Trung ương và cùng lúc với Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ).

Kết quả sau đó sẽ được đơn vị sử dụng phân tích đánh giá để phục vụ các mục tiêu. Đây là một chu trình khép kín, khá hoàn chỉnh. 

- Bối cảnh chụp vào sáng nay có thuận lợi không và khả năng cho kết quả của vệ tinh VNREDSAT-1 như thế nào?

- Vệ tinh VNREDSAT-1 có thể chụp ảnh bất cứ điểm nào trên bề mặt trái đất. Với khả năng quay ống kính và chụp nghiêng một góc tới +/- 35độ, VNREDSAT-1 có thể chụp lặp lại một điểm trong vòng 3 ngày.

Vệ tinh có khả năng chụp một dải ảnh rộng 17,5km liên tục kéo dài tới 4000km ở chế độ chụp ảnh đa phổ và khoảng 1000km ở chế độ chụp ảnh toàn sắc. Như vậy, nó có thể chụp các vệt ảnh phủ qua lãnh thổ VN đồng nhất hoàn toàn về điều kiện khí quyển, độ sáng mặt trời, qua đó, giảm thiểu được ảnh hưởng của các yếu tố này đến chất lượng ảnh thu được.

Thông thường, nếu theo yêu cầu định kỳ, vùng chụp được đặt lịch trước từ 1 tháng hoặc vài năm, thì trung tâm sẽ tối ưu hoá việc phân tích các yếu tố đầu vào như vị trí, điều kiện thời tiết để đặt lịch chụp cho phù hợp, nhằm tăng hiệu quả tối đa năng lực vệ tinh.

Còn đối với các yêu cầu chụp đột xuất, thì phụ thuộc vào vị trí vệ tinh trên quỹ đạo, trung tâm sẽ đặt lịch cho phù hợp. Theo thiết kế của hệ thống VNREDSAT-1, nếu quỹ đạo vệ tinh cho phép, việc chụp ảnh sẽ được thực hiện sớm nhất trong vòng 1 ngày sau khi kế hoạch chụp được lập và tải lên vệ tinh.

Thời gian thu và xử lý ra ảnh sản phẩm khoảng 2 giờ. Tuy nhiên, khu vực được xác định máy bay mất tích nằm ở vùng phía tây nam đảo Thổ Chu, nhưng vệ tinh bay từ phía Trung Quốc xuống (tức là từ phía bắc, vì vậy, đã vượt qua vùng truyền ảnh về mặt đất, nhiều khả năng đến 14h27 theo tính toán của chúng tôi (tức khoảng 10h tối nay), kết quả chụp mới được vệ tinh chuyển về trung tâm xử lý.

Khu vực sẽ được vệ tinh VNREDSAT-1 chụp.

- Thưa ông, sau khi có kết quả ảnh từ vệ tinh, trung tâm sẽ tham gia vào công việc tiếp theo như thế nào?

- Chúng tôi sẽ bố trí người trực 24/24 trong những tình huống như hiện tại để xử lý những tình huống khẩn cấp.

Hiện không chỉ vệ tinh VNREDSAT-1 của VN chụp ảnh khu vực này thống vệ tinh này mà còn phối hợp với vệ tinh của Thái Lan tiến hành chụp. Vài ngày trước đó vệ tinh của Thái Lan đã chụp ảnh vệ tinh dải khu vực này và phối hợp với phía VN để mở rộng khu vực tìm kiếm.

Kết quả đang trong quá trình phân tích. Hiện phía Malaysia chưa đặt vấn đề với VN chụp ảnh vệ tinh khu vực này. VN sẽ tiếp tục chụp ảnh vệ tinh để phục vụ công tác tìm kiếm máy bay.

Ông Chu Xuân Huy- Trưởng phòng quản lý và khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh:

Khu vực vệ tinh viễn thám VNREDSAT-1 chụp là 2 dải, rộng 17,5km, một dải dài 100 km và dải thứ 2 là 160km về phía tây nam khu vực đảo Thổ Chu Việt Nam.

Như vậy, dải thứ nhất sẽ chụp khoảng 6 ảnh (với kích thước mỗi ảnh 17,5 x 17,5), dải thứ 2 khoảng 10 ảnh. Cao độ của vệ tinh được thiết kế là 680km (từ điểm vệ tinh xuống điểm chụp).

Hiện vệ tinh liên lạc với các trạm mặt đất ở VN từ 3-4 lần mỗi ngày trong khoảng từ 9h30-12h30 buổi sáng và từ 21h30 đến 0h30 buổi tối. Bởi vậy, dự đoán đến khoảng 10h tối nay, vệ tinh mới truyền dữ liệu sớm nhất về trung tâm.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/vu-may-bay-malaysia-mat-tich-10h-toi-nay-se-co-ket-qua-anh-tu-ve-tinh-viet-nam-185407.bld

Theo Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm