Nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tặng quà cho ngư dân. |
Nhiều kết quả tích cực cũng như những kiến nghị giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được chia sẻ tại tọa đàm “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt” do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức sáng 10/6 tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Sáng cửa” gỡ thẻ vàng
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cho biết từ khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, sau 6 năm EC có 3 lần sang Việt Nam kiểm tra.
Đoàn Thanh tra của EC đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành, các chính quyền địa phương Việt Nam thực hiện nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” gồm: khung pháp lý, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu, chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, thực thi pháp luật.
Cụ thể, theo ông Hùng, về công tác thực hiện nhóm khuyến nghị thứ nhất, Việt Nam gần như hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng được yêu cầu quốc tế như ban hành Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ ban hành 2 Nghị định và Bộ NN&PTNT ban hành 8 Thông tư, đến nay khung pháp lý đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU.
Nhóm khuyến nghị thứ hai, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đạt 97,6%. Hệ thống giám sát tàu cá triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát.
Một số địa phương đã bố trí nguồn lực, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng… nên kết quả thực hiện tương đối tốt như: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tiền Giang, Kiên Giang…
Về nhóm khuyến nghị thứ ba, thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi, xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được Hiệp định PSMA tại 14 cảng biển chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng.
“Số lượng hải sản xuất khẩu sang EU bị trả về giảm, rất ít không đáng kể, mỗi năm chỉ 1-2 lô hàng bị lỗi. Hiện tại, kiểm soát tốt hàng nhập khẩu tại cảng biển”, ông Hùng nói.
Nhóm khuyến nghị thứ tư, về thực thi pháp luật, theo ông Hùng, đến nay đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc vi phạm như Phú Yên, Tiền Giang. Các tỉnh vẫn còn tình trạng vi phạm như Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Bến Tre, Kiên Giang.
Đáng chú ý, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, không có vụ việc nào xảy ra. Qua quá trình tuyên truyền, vận động chủ tàu, thuyền trưởng thì kết quả các năm qua số lượng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm đáng kể.
Theo ông Văn, tàu được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt trên 97%. Tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt trên 96%, chỉ còn lại khoảng 3,9% (109 chiếc) chưa lắp, chủ yếu là tàu đang nằm bờ, tàu cá hoạt động nghề lưới rê vùng lộng, vùng ven bờ. Tình trạng tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình trên biển quá 6 giờ, trên 10 ngày đến nay đã giảm trên 60%.
Ông Hoàng Việt, chuyên gia Luật biển quốc tế, ĐH Luật TP.HCM (ngoài cùng bên phải), phát biểu tại tọa đàm. |
Cần mạnh tay với vi phạm
Bên cạnh những mặt đạt được, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay còn những khó khăn, vướng mắc như tổng số vụ việc tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu mất kết nối dữ liệu giám sát hành trình có giảm. Vẫn còn xảy ra, chưa xử lý dứt điểm được trường hợp tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển vì thiếu cơ sở pháp lý.
Việc thu thập chứng cứ chứng minh tàu cá có hành vi vi phạm khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực tham gia kiểm tra, kiểm soát nghề cá còn hạn chế.
Cùng đó, tình trạng nguồn lợi thủy sản vùng biển Việt Nam đến nay đã bị suy giảm rõ rệt, trong khi cường lực khai thác ngày càng tăng. Giá bán nguyên liệu thủy sản khai thác không tăng, gây khó khăn cho ngư dân.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ, ông Văn đề nghị giám sát đặc biệt, ngăn ngừa vi phạm đối với các trường hợp tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Lập danh sách, quản lý chặt chẽ, tổ chức kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ trước cộng đồng. Buộc chủ tàu cá vi phạm phải chi trả kinh phí để đưa ngư dân vi phạm về nước; tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 cho biết phối hợp cùng lực lượng hải quân, BĐBP kiểm soát thường xuyên, phát hiện, xử lý nghiêm tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo IUU, khai thác ở vùng biển nước ngoài, kiên quyết chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm, góp phần gỡ bỏ thẻ vàng.
Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3, phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Bảo Phương. |
Cụ thể, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 đã lựa chọn nội dung sát với tình hình để huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cảnh sát viên, trinh sát viên, cán bộ tàu nâng cao kiến thức, kiện toàn quy định kíp trực, ưu tiên trực tại trung tâm chỉ huy. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, nhất là tàu đánh bắt cá trên biển có nguy cơ cao, yêu cầu thuyền trưởng, chủ tàu kí cam kết không vi phạm IUU.
“Chúng tôi tăng cường tuần tra, kiểm soát vào ban đêm, xử lý nghiêm việc cố tình vi phạm, chuyển hồ sơ vi phạm đến UBND tỉnh có các tàu cá vi phạm đăng kí để thực hiện xử phạt”, đại tá Nguyễn Minh Khánh khẳng định.
Ông Hoàng Việt, chuyên gia Luật biển quốc tế, ĐH Luật TP.HCM cho rằng việc đánh bắt hải sản trên biển không chỉ là hành động kinh tế mà còn là biện pháp khẳng định chủ quyền, do đó hầu hết quốc gia tranh chấp trên biển Đông vì điều này. Do đó, ông Việt đề xuất nhà nước tăng cường đàm phán, thảo luận vùng đánh bắt cá chung và tăng cường lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư để phối hợp bảo vệ bà con trên biển.
Về phía ngư dân, ông Việt đề nghị cơ quan chức năng cần tuyên truyền rõ ràng cho ngư dân hiểu việc tuân thủ IUU. Việc tuân thủ này không chỉ mang ý nghĩa xa xôi là giữ gìn vùng biển mà quan trọng trước mắt là bảo vệ chính bà con trên vùng biển chồng lấn. Bởi nếu ngư dân hợp tác với lực lượng chức năng, tuân thủ quy định luật pháp thì sẽ được lực lượng chức năng bảo vệ.
Ngư dân cần ý thức bảo vệ môi trường biển
Các quy định luật pháp, các chính sách khai thác thủy sản bền vững của Việt Nam hiện nay đã khá đầy đủ. Nếu bà con tuân thủ tốt các quy định pháp luật về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, không sử dụng các ngư cụ và các hình thức đánh bắt thủy sản bị cấm, không đánh bắt các loài thủy sản được bảo vệ trong mùa sinh đẻ của chúng, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển theo quy định của pháp luật Việt Nam thì chắc chắn nguồn lợi hải sản Việt Nam sẽ phục hồi và bà con có thể khai thác, nuôi trồng thủy sản ở thế hệ này và các thế hệ mai sau.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam