Nhà văn Bùi Tiểu Quyên đọc sách cho các bạn nhỏ tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần. |
Trong buổi ra mắt bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình vào sáng ngày 26/2 tại Đường sách TP.HCM, tác giả Bùi Tiểu Quyên cho biết cô đã cảm thấy rất hạnh phúc khi thấy một người mẹ giải thích cho con về Trường Sa một cách rất dịu dàng. Cô cho rằng rất cần những phụ huynh đọc cùng con, chia sẻ cùng con. Phụ huynh nên là người tìm kiếm thêm những thông tin về biển đảo.
Giúp con hiểu thêm về biển đảo Việt Nam
Trường Sa! Biển ấy là của mình với 2 tập Phong ba nơi đầu sóng và Biển ấy là của mình tiếp cận một cách giản dị, đáng yêu về chủ quyền đất nước, với phần tranh minh họa của họa sĩ ThanhPhan. Tác giả Bùi Tiểu Quyên hy vọng bộ sách sẽ giúp các độc giả nhỏ tuổi hiểu hơn về cuộc sống tuy còn thiếu thốn nhưng đầy ắp những niềm vui khi được hòa mình cùng thiên nhiên, sự lạc quan, vui vẻ của cuộc sống nơi biển đảo.
Bộ sách đứng dưới góc nhìn của một bạn cún nhỏ được đặt tên là Phong Ba, một loài cây đặc trưng của Trường Sa. Chú cún nhỏ lạc quan, yêu đời và tò mò về nơi mình sinh ra, chú cũng là một chú cún nghịch ngợm, thích khám phá mọi ngóc ngách trên đảo. Xuyên suốt 2 tập, cún Phong Ba dần trưởng thành hơn và không ngừng tìm hiểu về nơi mình sinh sống: Từ thiên nhiên, con người đến lịch sử của cả quần đảo.
Tác giả Bùi Tiểu Quyên chia sẻ: “Khi viết Cà Nóng chu du Trường Sa, tôi từng nghĩ rằng giá mà có thể thực hiện song song một bộ sách tranh cho các bạn nhỏ tuổi hơn. Bởi vì đến thời điểm này, có rất ít những bộ sách tranh về biển đảo dành cho các bé dưới 10 tuổi. Tôi mong mình có thể mang đến cho các bé một câu chuyện dễ thương, sinh động mà cũng có ý nghĩa, giàu cảm xúc về nơi đầu sóng. Mong rằng có thể góp phần nhỏ bé nào đó trong việc xây đắp, nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng ấy trong tâm hồn của trẻ thơ”.
(Từ phải sang) Tác giả Bùi Tiểu Quyên và họa sĩ ThanhPhan trong buổi ra mắt sách sáng ngày 26/2. Ảnh: Thanh Trần. |
Tuy sách có phần phụ lục để cung cấp thêm thông tin, tác giả cho rằng cha mẹ sẽ là người đọc cùng con và lắng nghe con trẻ. “Nhiều câu chuyện trong sách cũng là những câu chuyện được nhắc đến nhiều trên báo chí mà cha mẹ có thể tiếp cận rất dễ. Hoặc những kiến thức như biển động là gì, ngày Tết gói bánh bằng lá gì,… Cha mẹ có thể là người chủ động tìm hiểu những thông tin về biển đảo để những mở rộng những gì mà tác giả muốn gửi gắm”, cô nói.
Cô cũng hy vọng bộ sách sẽ là những hạt mầm gieo vào các độc giả nhí nhận thức về biển đảo Việt Nam, để sau khi lớn lên và qua nhiều tác phẩm khác, các em có thể hiểu thêm về chủ quyền biển đảo và những tình cảm thiêng liêng với đất nước.
Đưa hình ảnh biển đảo Trường Sa đến với độc giả
Chất liệu để tác giả Bùi Tiểu Quyên viết nên cuốn sách này đến từ chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam vào tháng 4/2019. Trong khi đó, họa sĩ ThanhPhan cho biết cô vẫn chưa có dịp đến đảo Trường Sa.
“Lúc nhỏ tôi thường thắc mắc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam trông như thế nào. Tôi cũng muốn có dịp được đến những hòn đảo như thế này”, họa sĩ ThanhPhan nhớ lại.
Để có thể hoàn thành bộ tranh minh họa cho 2 tập của bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình, họa sĩ ThanhPhan tốn khoảng 8 tháng để nghiên cứu và vẽ minh họa. Cô cho biết dự án tốn nhiều thời gian hơn bình thường do có ít tư liệu, hình ảnh về cuộc sống trên đảo để tham khảo.
Trường Sa! Biển ấy là của mình với 2 tập Phong ba nơi đầu sóng và Biển ấy là của mình có nhiều ảnh minh họa biển đảo hấp dẫn và chân thực. Ảnh: lion. |
“Từ lâu mình đã mong muốn vẽ một cuốn sách về chủ quyền biển đảo, nhưng rất khó để biết được những thông tin mình tìm được có đúng không. Nhờ lần hợp tác này tôi có cơ hội tìm hiểu về biển đảo của Việt Nam, và còn được một người kiểm chứng là chị Tiểu Quyên. Trong bộ sách này có rất nhiều tranh mà tôi cần vẽ lại vì chưa đúng với hình ảnh thật của Trường Sa, nhưng đó cũng là điều tôi tâm đắc về bộ sách này”, cô chia sẻ.
Các bức tranh của họa sĩ ThanhPhan có gam màu tươi sáng, đáng yêu phù hợp với đối tượng trẻ em, đồng thời cũng không quên “chăm chút từ chiếc lư hương, chiếc lá Phong Ba, đến từng huy hiệu, chữ trên cổ áo hải quân từng cúc áo”, theo nhận xét của tác giả Bùi Tiểu Quyên. Từ đó, bộ sách càng trở nên có ý nghĩa đối với những độc giả chưa thể tận mắt nhìn thấy Trường Sa, đem lại những hình ảnh gần gũi và chân thực từ vùng đảo xa xôi của Việt Nam.