Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng Nhà nước nêu khó khăn trong phát hiện sở hữu chéo

Nhà điều hành cho biết việc áp dụng các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng. Ảnh: Nam Khánh.

Liên quan tới công tác phát hiện, ngăn ngừa và xử lý tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đang gặp nhiều khó khăn.

Nhà điều hành đánh giá việc sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ, ngành. Tuy nhiên, đối tượng quản lý của NHNN hiện chỉ dừng lại ở các tổ chức tín dụng. Vì thế đối với việc sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác, NHNN không nắm được thông tin cũng như công cụ để kiểm soát.

Theo NHNN, việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân hoặc tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật. Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.

Đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Chưa kể việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn.

Nhà điều hành thừa nhận đang bị động trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.

Riêng với công tác thanh tra công ty tài chính tiêu dùng lại gặp vấn đề đặc thù là hoạt động chủ yếu cho vay nhóm khách hàng có thu nhập thấp hoặc không ổn định.

"Khoản vay thì giá trị nhỏ, mục đích vay để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày vì thế các công ty tài chính chủ yếu ứng dụng phương thức điện tử đối với hoạt động cấp tín dụng trước, trong và sau cho vay.

Tuy nhiên, hiện khung khổ pháp lý điều chỉnh các hành vi liên quan đến hoạt động trước trong và sau cho vay của công ty tài chính bằng phương tiện điện tử chưa được hoàn chỉnh đồng bộ", NHNN cho biết.

Để giải quyết những tồn đọng và vướng mắc trên, trong năm 2024, NHNN sẽ tiếp tục thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn, hoạt động chuyển nhượng, sở hữu cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối các ngân hàng.

Nếu phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN sẽ xử lý; trường hợp có dấu hiệu của tội phạm, xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi.

Tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề tồn tại trong thời gian vừa qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) thông qua năm ngoái đã siết tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng.

Theo đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông cá nhân được giới hạn ở 5%; cổ đông là tổ chức 10% (gồm phần sở hữu gián tiếp); cổ đông và người có liên quan là 15%.

Đáng chú ý, Luật mới cũng quy định về việc công bố thông tin của các cổ đông ngân hàng. Trong đó, cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ sẽ phải công bố thông tin về bản thân, tỷ lệ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữu của người có liên quan.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Ngân hàng Nhà nước nêu khó khăn trong việc xử lý ngân hàng yếu kém

Dù đã trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàng yếu kém, NHNN cho biết việc tìm kiếm tổ chức tín dụng đủ điều kiện nhận chuyển giao vẫn khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu cắt giảm thủ tục đất đai, tín dụng

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, tín dụng, nhà ở xã hội... và báo cáo trong tháng 5.

Ngân hàng Nhà nước: Tỷ giá chỉ áp lực ngắn hạn

Vụ trưởng Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bác thông tin về thay đổi điều hành tỷ giá, khẳng định mức biến động 5% hiện tại đủ dư địa linh hoạt cho thị trường.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm