Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng Nhà nước: Tỷ giá chỉ áp lực ngắn hạn

Vụ trưởng Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bác thông tin về thay đổi điều hành tỷ giá, khẳng định mức biến động 5% hiện tại đủ dư địa linh hoạt cho thị trường.

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN), một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá là không chính xác. Ảnh: NHNN.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua.

Từ cuối tháng 3 tới nay, giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại thường xuyên lên sát hoặc ngang mức trần nhà điều hành cho phép, tức trên 5% so với tỷ giá trung tâm. Ghi nhận từ ngày 16-20/5, giá USD giao dịch trên kênh ngân hàng còn thiết lập chuỗi tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp.

Biến động trên dẫn tới một số tin đồn về việc NHNN dự kiến thay đổi biện pháp điều hành tỷ giá gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường.

Vẫn giữ nguyên biên độ tỷ giá

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết nhà điều hành vẫn đang tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, hấp thụ các cú sốc bên ngoài.

Đồng thời, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá thì NHNN đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá.

Từ ngày 19/4, nhà điều hành đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường để phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế. Đồng thời bình ổn tâm lý thị trường, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

ty gia anh 1

Lãnh đạo NHNN cho rằng mức giảm giá của VND thời gian qua ở mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: Chí Hùng.

"Với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% đang áp dụng hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt.

Như vậy, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của NHNN là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn", Vụ trưởng Chính sách tiền tệ khẳng định.

Từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực như Tân Đài tệ (-5,06%); Baht Thái (-6,31%); Won Hàn Quốc (-5,66%); Yen Nhật (-10,87%); Rupiah Indonesia (-3,87%); Peso Philippines (-4,82%); Nhân dân tệ (-2,04%).

Ông Quang đánh giá mức giảm giá của VND thời gian qua có thể nhận định là mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới.

Áp lực lên thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn

Tuy nhiên, ông Quang đánh giá bối cảnh kinh tế vẫn đang khiến thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước gặp áp lực và khó khăn.

Trước hết, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất.

Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD - thước đo sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - tăng 5% so với đầu năm. Điều này tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.

Từ đầu năm đến giữa tháng 5, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh, ước đạt 132 tỷ USD, tăng gần 20 tỷ USD (+18%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu năm phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua việc kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ với việc bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước

Trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế (khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm trên kênh liên ngân hàng), thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai, chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại.

Trong khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, ông Quang nhận định khó khăn, thách thức của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung - cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn.

Đồng thời, giới tài chính quốc tế duy trì quan điểm dự báo nhiều khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024, từ đó giảm bớt áp lực mất giá cho các đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND.

Dựa trên các yếu tố căn bản trong và ngoài nước như đề cập nêu trên, nhiều tổ chức quốc tế dự báo khả năng VND tăng giá trở lại khi các yếu tố căn bản này dần được hiện thực hóa trong thời gian tới.

"Trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua việc kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ với việc bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường, qua đó phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, góp phần bình ổn tâm lý thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát", lãnh đạo NHNN thông tin.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bộ trưởng Tài chính: Thuế, phí chiếm rất ít trong giá vé máy bay

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng phần chiếm tỷ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay... do ngành giao thông quản lý.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng

Khối ngoại bán ròng liên tục trong 3 phiên gần nhất với quy mô lớn. Tổng giá trị bán ròng đạt gần 3.000 tỷ đồng.

Đồng ruble của Nga lên cao nhất 4 tháng

Đồng ruble của Nga vừa chạm mức cao nhất 4 tháng so với đồng USD nhờ động lực từ lãi suất tăng cao, chính phủ Nga bán tháo ngoại tệ và kiểm soát vốn.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm