Ngày 18/1, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7, một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Những thay đổi liên quan đến sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng; can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý tài sản đảm bảo… sẽ có tác động nhiều nhất đến hoạt động của các ngân hàng niêm yết.
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra hướng dẫn về mặt pháp lý kịp thời cho hệ thống ngân hàng thương mại. Đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 42 thí điểm về xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua đang được kỳ vọng giải quyết tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng nổi cộm trong thời gian vừa qua. Ảnh: Việt Linh. |
Tác động của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Với quy định giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông lớn và các bên liên quan, trong quy định mới cổ đông cá nhân sẽ không được sở hữu quá 5%; tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng và quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng khác.
Tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian vừa qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật đã đưa ra các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn và người có liên quan so với quy định cũ.
Sự thay đổi này được cho sẽ làm hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giảm thiểu rủi ro có thể gây tác động đến hoạt động của tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, Luật mới sẽ quy định về việc công bố thông tin. Cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ sẽ phải công bố thông tin về bản thân, tỷ lệ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữu của người có liên quan.
Theo quy định mới, khái niệm "người có liên quan" cũng được mở rộng đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ. Đây được coi là biện pháp quyết liệt và cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo; giúp tăng cường tính minh bạch trong việc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, Luật mới sẽ có quy định về giới hạn mức cấp tín dụng với các bên liên quan như sau:
VNDirect đánh giá việc giảm tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro đạo đức từ phía khách hàng và rủi ro quá hạn cho tổ chức tín dụng.
“Những ngân hàng đang có tỷ lệ cho vay nhóm khách hàng liên quan vượt tỷ lệ theo quy định mới sẽ gặp áp lực cơ cấu lại khoản vay cho tệp khách hàng này, đồng thời dư nợ tín dụng có thể bị sụt giảm do nhóm khách hàng này phải tìm nguồn vốn khác để tất toán bớt khoản vay hiện hữu nhằm đáp ứng tỷ lệ theo quy định mới”, VNDirect nhận định.
Luật mới cũng có quy định về biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm và xử lý khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.
Bắt đầu từ ngày 1/7, việc can thiệp sớm sẽ được áp dụng với các tổ chức tín dụng trong trường hợp số lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ; xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định; vi phạm tỷ lệ khả năng chỉ trả hoặc tỷ lệ an toàn vốn và xảy ra tình trạng bị rút tiền hàng loạt.
Theo đó, các biện pháp hỗ trợ được đưa ra sẽ gồm tăng vốn điều lệ, tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; cắt giảm các loại chi phí hoạt động, quản lý, lương thưởng; không chia cổ tức.
Trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có thể bán giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất 0%, giao dịch ngoại tệ với NHNN, vay đặc biệt từ NHNN, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và tổ chức tín dụng khác để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Cùng với đó, tổ chức tín dụng không được chia cổ tức tiền mặt, tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động cấp tín dụng.
VNDirect đánh giá, giải pháp tăng vốn điều lệ sẽ gặp khó khăn do tổ chức tín dụng lúc này đang trong tình trạng kinh doanh yếu kém, khó huy động vốn. Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp cần thiết trong dài hạn để đảm bảo sức khoẻ tài chính cho tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc bổ sung những biện pháp giải quyết khác là thích hợp để có thể xử lý nhanh chóng tình trạng thực tế.
Ngoài ra, việc NHNN hỗ trợ trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt sẽ làm giảm rủi ro thanh khoản mang tính hệ thống. “Việc bổ sung quy định trong Luật đã là một biện pháp trấn an tâm lý người gửi tiền trước những lo ngại về rủi ro hệ thống có thể xảy ra trong tương lai”, VNDirect nhận định thêm.
Ngoài ra, Luật mới có làm rõ hơn về quyền thu giữ và chuyển nhượng tài sản đảm bảo cũng như chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản. VNDirect cho rằng, thay đổi này sẽ giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ trong việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.