Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga ủng hộ Trung Quốc thách thức Mỹ tại Biển Đông

Hôm 29/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow ủng hộ Trung Quốc phản đối hành động của Mỹ tại hai điểm nóng an ninh tại châu Á là Biển Đông và Triều Tiên.

Ông Lavrov công du Trung Quốc để đẩy mạnh hợp tác và khẳng định sự ủng hộ của Moscow đối với Bắc Kinh về nhiều vấn đề, bao gồm tình hình Triều Tiên và tranh chấp trên Biển Đông.

Theo Bloomberg, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị, ngoại trưởng Nga thể hiện ủng hộ quan điểm của Trung Quốc rằng những nước không liên quan tới tranh chấp như Mỹ không nên can thiệp vào tranh chấp trên Biển Đông.

Ngoài ra, hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc trước khả năng Mỹ triển khai hệ thống chặn tên lửa Thaad ở Hàn Quốc để đối phó mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn từ Triều Tiên. Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo các nỗ lực sử dụng nguy cơ đe dọa hạt nhân là cái cớ để tăng tiềm lực quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quoc thach thuc my anh 1
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bắt tay người đồng cấp Vương Nghị sau cuộc họp báo chung hôm 29/4. Ảnh: Getty Images

Đây là cuộc gặp thứ hai giữa Lavrov và ông Vương Nghị trong vòng hai tuần. Hai nước đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6. Trong cuộc hội đàm với Lavrov tại Moscow hôm 18/4, ông Vương Nghị cũng từng nhấn mạnh rằng hai nước phản đối quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương giữa các bên liên quan.

"Quan điểm của Nga là tranh chấp Biển Đông không nên trở thành vấn đề quốc tế và các thế lực bên ngoài không nên can thiệp", ông Lavrov phát biểu trong cuộc họp báo hôm 29/4, và lặp lại tương tự vào ngày hôm nay.

Kế hoạch lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc và việc Washington phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 80% diên tích Biển Đông đang gây nên căng thẳng giữa các cường quốc chủ chốt ở châu Á.

Bắc Kinh lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa có thể được sử dụng để chống vũ khí của họ. Trung Quốc cũng đang vận động sự ủng hộ quốc tế trong bối cảnh Tòa Thường trực Quốc tế sắp ra phán quyết về yêu sách của họ trên Biển Đông theo yêu cầu của Philippines.

Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu thảo luận về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad sau khi Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ tư hôm 6/1. Sau đó Bình Nhưỡng tiếp tục bắn thử tên lửa vài lần. 

"Hệ thống Thaad quá mạnh so với nhu cầu quốc phòng thực tế của các nước liên quan. Nếu được triển khai, nó sẽ gây nên tác động trực tiếp đối với an ninh chiến lược của Nga và Trung Quốc", ông Vương Nghị bình luận.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Đây cũng là vùng biển được kỳ vọng có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt. Các đảo phi pháp mà Trung Quốc dựng lên trên 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.

Phía Trung Quốc nhiều lần nhắc lại lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông nhưng trên thực tế Bắc Kinh liên tiếp có những hành động gây hấn, làm căng thẳng tình hình.

Trung Quốc lôi kéo Nga vào tranh chấp Biển Đông

Bắc Kinh đang vận động Nga ủng hộ họ trong việc phản đối phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông theo yêu cầu từ Philippines.


Quân Vũ

Bạn có thể quan tâm