Cuối năm 2015, Đô đốc Mark Ferguson, chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu, cho biết tần suất các cuộc tuần tra của tàu ngầm Nga đã tăng gần 50% so với năm trước đó, theo New York Times. Những hoạt động này thể hiện mối quan tâm mới trong tác chiến tàu ngầm của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đến nay, Moscow đã đầu tư hàng tỷ USD để đóng mới các tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel và năng lượng hạt nhân, được vũ trang tốt hơn, hoạt động êm hơn, và do đội ngũ chuyên nghiệp của hải quân vận hành.
Các tàu ngầm hạt nhân Nga ở căn cứ vùng Murmansk. Ảnh: Getty |
Uy lực tàu ngầm Nga
Chiến lược an ninh quốc gia và hàng hải của Nga gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng và nhu cầu của hải quân phải điều chuyển trọng tâm, qua đó mở đường tiếp cận thông thoáng hơn ở Đại Tây Dương và Bắc Cực.
Bên cạnh đó, tàu ngầm Nga và các tàu do thám đang hoạt động gần những tuyến cáp ngầm dưới biển, truyền tải gần như toàn bộ thông tin liên lạc toàn cầu.
Do vậy, giới tình báo Mỹ lo ngại về một kịch bản Nga có thể tấn công những tuyến cáp này trong giai đoạn xung đột hoặc căng thẳng.
Cũng như Mỹ, Nga đang vận hành một số tàu ngầm lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân chở tên lửa tầm xa, có thể ẩn mình nhiều tháng liền dưới đại dương. Các tàu này không tham gia tuần tra, và đặt ra mối quan ngại cho Hải quân Mỹ ở một cấp độ khác với các tàu ngầm tấn công.
“Trong cơ cấu Hải quân Nga, tàu ngầm chính là những viên ngọc quý đại diện cho sức mạnh chiến đấu của hải quân. Thế nhưng, thời gian gần đây, Mỹ và NATO đã không tập trung vào các hoạt động tác chiến chống ngầm", Magnus Nordenman, giám đốc Sáng kiến an ninh xuyên Đại Tây Dương của Hội đồng Đại Tây Dương (Washington) nói. Điều này đã tạo cơ hội cho “sự trỗi dậy” của Nga.
Bên cạnh các cuộc tuần tra, Nga không ngần ngại phô diễn sức mạnh các tàu ngầm của họ. Trong chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria hồi năm ngoái, một số tàu ngầm chạy bằng diesel của Nga đã bắn 4 quả tên lửa hành trình vào các mục tiêu khủng bố.
Tàu ngầm tấn công Rostov-on-Don của Nga tại cảng St. Petersburg. Ảnh: NYT |
Về lý thuyết, uy lực hạm đội tàu ngầm của Nga không thể so với Mỹ. Nga có khoảng 45 tàu ngầm tấn công, bao gồm 20 tàu ngầm hạt nhân và khoảng 20 tàu chạy bằng diesel. Chúng có khả năng tấn công đánh chìm các tàu ngầm hoặc tàu mặt nước đối phương, thu thập thông tin tình báo, và tuần tra.
Tuy nhiên, giới phân tích hải quân phương Tây cho rằng Nga chỉ có thể điều động một nửa đội tàu vào bất kỳ thời điểm nào. Còn lại, phần lớn chúng neo ở gần cảng quê nhà, duy trì hoạt động cầm chừng không như thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh.
Trong khi đó, Mỹ có 53 tàu ngầm tấn công và tất cả đều hoạt động bằng năng lượng hạt nhân; 4 tàu ngầm khác mang tên lửa hành trình và để chuyên chở đội đặc nhiệm. Vào bất kỳ thời điểm nào, Mỹ luôn có khoảng 1/3 số tàu ngầm đang hoạt động ngoài khơi, dù là tuần tra hay huấn luyện.
Hải quân Mỹ và giới phân tích phương Tây tin rằng, các tàu ngầm Mỹ vẫn vượt trội so với tàu Nga, chủ yếu ở các đặc điểm quan trọng như tốc độ, độ bền, khả năng tàng hình và có thể triển khai xa bờ.
Hai tàu ngầm chở tên lửa hành trình của Nga, tàu Smolensk (trái) và Voronezh, neo tại một căn cứ ở miền Bắc Nga. Ảnh: Getty |
Đối phó của Mỹ và NATO
Giới quan sát quân sự Mỹ cho rằng, việc tàu ngầm Nga tăng cường tuần tra như một thách thức đối với Mỹ và NATO. Ngay cả các bên sẽ không để căng thẳng xảy ra, họ lo ngại về rủi ro dẫn đến tính toán sai lầm hoặc sự cố không lường trước.
Do vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tận dụng những động thái này của Nga để yêu cầu tăng ngân sách cho hạm đội tàu ngầm và tác chiến chống ngầm.
Trong ngắn hạn, các quan chức quân sự Mỹ yêu cầu cung cấp thêm nhiều tàu, máy bay và tàu ngầm để quan sát hoạt động của tàu ngầm Nga.
Về lâu dài, Lầu Năm Góc đã đề xuất gói ngân sách 1,8 tỷ USD trong 5 năm để nâng cao năng lực hoạt động dưới biển, bao gồm đóng mới 9 tàu ngầm tấn công lớp Virgninia có khả năng chở đến 40 tên lửa hành trình Tomahawk, gấp 3 lần sức chở hiện nay.
“Chúng ta đã trở lại thời kỳ cạnh tranh giữa các siêu cường”, Đô đốc John M. Richardson, quan chức tổng phụ trách hoạt động của hải quân, nói.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang phát triển các công nghệ tinh vi để theo dõi thông tin liên lạc được mã hóa từ tàu ngầm Nga, cũng như những công nghệ điều khiển từ xa mới. Các thành viên NATO, như Anh, Đức và Na Uy, cũng đang mua hoặc xem xét mua thêm tàu ngầm để đáp trả kế hoạch của Nga muốn tăng cường quân sự tại vùng Baltic và Bắc Cực.
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ tại căn cứ ở Scotland. Ảnh: NYT |
Trong một dịp gần đây, các chỉ huy Hải quân Mỹ ở châu Âu đã lần đầu cùng tề tựu và quan sát chặt chẽ hoạt động của tàu ngầm Nga đi qua các điểm nút thắt hàng hải ngăn cách vùng Greenland, Iceland và Anh Quốc (gọi là vùng G.I.U.K., khu vực rất quan trọng để bảo vệ châu Âu trong thời Chiến tranh Lạnh).
Vùng này rộng hàng trăm cây số. Trong quá khứ, Hải quân Liên Xô cần phải vượt qua đây để vào Đại Tây Dương, qua đó ngăn cản lực lượng Mỹ hướng ra biển để trợ giúp cho các đồng minh châu Âu trong giai đoạn xung đột.
Mỹ từng đưa máy bay chống tàu ngầm đến căn cứ không quân Keflavik ở Iceland trong nhiều thập kỷ, ngay giữa vùng G.I.U.K, nhưng đã rút toàn bộ khỏi đây vào năm 2006. Đến nay, Mỹ chỉ còn phụ thuộc vào hoạt động của máy bay do thám P-3 luân phiên triển khai đến căn cứ này.
Hiện tại, Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch chi 20 triệu USD để nâng cấp nhà chứa máy bay và các cơ sở hỗ trợ ở Keflavik, nhằm có thể triển khai đến đây máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon hiện đại hơn.
Kinh phí này là một phần trong khoản ngân sách 3,4 tỷ USD của chương trình Sáng kiến trấn an châu Âu, để ngăn ngừa và đối phó với các hoạt động của Nga.
Điều khiến giới chức Hải quân Mỹ lo ngại là Nga sẽ đẩy mạnh tuần tra bằng tàu ngầm vượt ra cả Đại Tây Dương, đến Địa Trung Hải và Biển Đen.
Nga hiện có căn cứ hải quân ở Địa Trung Hải đặt tại Tartus, Syria. Các nhà quan sát Mỹ cho rằng, Moscow còn muốn có thêm căn cứ ở nhiều nước khác, như Cyprus, Ai Cập hay Libya.
“Nếu phát hiện một tàu ngầm Nga lảng vảng ở Địa Trung Hải, bạn chắc chắn phải theo dõi nó”, Dmitry Gorenburg, chuyên gia quân sự Nga tại Trung tâm phân tích hàng hải ở Washington, nói.
Ngoài việc tăng cường vũ trang, các nước đồng minh châu Âu cũng lên kế hoạch phối hợp chặt chẽ hơn, qua việc tổ chức hơn chục đợt diễn tập chống ngầm trong năm nay.
Một cuộc tập trận lớn dự kiến sẽ diễn ra vào cuối mùa xuân trên Biển Bắc, quy tụ tàu chiến và tàu ngầm từ các nước như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan và Mỹ.
“Chúng ta không phải đang quay trở về thời Chiến tranh Lạnh, nhưng trong bối cảnh hiện tại thì tình hình có vẻ gần như thế”, James G. Stavridis, cựu chỉ huy cao cấp của NATO và hiện là trưởng khoa Luật và Ngoại giao tại Đại học Tufts, nói.